Văn hóa truyền thống: Sử gia trực bút, dẫu chết không dời
Dân tộc Trung Hoa được truyền thừa nhiều mỹ đức, có chính khí tỏa sáng ngàn năm. Đây chính là một bộ phận của văn hóa Thần truyền.
Năm 548 Trước Công nguyên, đại phu nước Tề là Thôi Trữ giết chết Tề Trang Công, ủng hộ em trai khác mẹ của Trang Công lên làm vua, là vua Tề Cảnh Công. Tề Cảnh Công lên ngôi liền bổ nhiệm Thôi Trữ làm Hữu tướng. Để che giấu chân tướng sự thật, Thôi Trữ ra lệnh cho các quan chép sử rằng: đối với chuyện Thôi Trữ giết vua Tề Trang Công, thì phải viết thành “Mắc bệnh sốt rét mà chết”. Quan Thái sử nước Tề, căn cứ vào truyền thống đạo đức “Chân thật chép sử” của nghề viết sử, thẳng thắn cự tuyệt. Ông nghiêm chính trên thẻ tre (thời ấy giấy viết chưa được phát minh, văn tự đều phải khắc vào thẻ tre) chân thật viết rõ: “Mùa hè ngày mùng 5 năm Hợi, Thôi Trữ giết vua”. Thôi Trữ xem xong nổi giận, lập tức chém chết quan Thái sử này, rồi đem thẻ tre ấy hủy đi.
Em trai của viên quan Thái sử ấy, nghe nói anh trai mình vì chân thật chép sử mà bị giết hại thì lòng hết sức căm phẫn. Theo luật lệ thời đó, ông được kế nhiệm làm quan chép sử, căn cứ theo nội dung mà người anh trai đã làm, chép xuống thẻ tre kể rõ chi tiết sự thật. Thôi Trữ ỷ mình quyền to chức lớn, lại hung ác ngang ngược sát hại luôn người em trai.
Không ngờ, viên quan Thái sử còn có một người em út. Anh cũng không lùi bước, không chút khiếp sợ, lên nối nghiệp 2 người anh trai. Anh kế thừa chí nguyện của 2 người anh trai đã chết, cũng không chút dối trá y nguyên chép lại sự thật lịch sử.
Thôi Trữ thân là Hữu tướng, nắm quyền sinh sát trong tay, lúc này, nhìn thấy 3 người huynh đệ bọn họ hiên ngang lẫm liệt như thế, trong lòng thật sự trở nên sợ hãi. Hắn cầm thẻ tre vừa mới khắc chữ xong, nói với người em út (lúc đó theo lệ cũng kế nhiệm làm quan chép sử) rằng: “Ngươi cũng không sợ mất mạng sao? Chỉ cần ngươi chép theo những điều ta bảo, thì có thể miễn cho ngươi con đường chết của 2 anh ngươi”. Chàng trai trẻ mười phần nghiêm chính trả lời: “Căn cứ sự thật mà chép sử, đó là thiên chức của các Sử quan. Ta không thể chỉ lo tính mạng mà coi thường sự thật lịch sử!”.
Đối mặt với người thanh niên trẻ tràn ngập chính khí, trung với thiên chức như thế, Thôi Trữ tự nhiên nội tâm sợ hãi, biết không thể khuất phục được, nên trả thẻ tre ghi sự thật ấy cho anh, để cho Cơ quan ghi chép lịch sử bảo tồn.
Đây gọi là: Chính nghĩa chiến thắng tà ác, quân tử chiến thắng tiểu nhân, chân lý chiến thắng sai lầm.
Tư Mã Thiên đối với 3 anh em quan Thái sử nước Tề, những con người anh dũng không sợ cường quyền, vì sự thật lịch sử sẵn sàng vứt bỏ sinh mệnh, thì hết sức cảm phục, liền đem chuyện này viết vào bộ “Sử ký” nổi tiếng của mình.
(Theo MinhHue.net)