Đối phó với say tàu, xe
Tết là thời điểm mọi người đi lại nhiều nhất trong năm và đây cũng là vấn đề đáng ngại đối với những người bị say tàu xe, đặc biệt là trẻ em.
Thấy tàu xe là nôn
Theo bác sĩ Nguyễn Đại Biên- Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhân dân 115 say tàu xe từ lâu đã trở thành “căn bệnh” phổ biến trong dân chúng. Trong một nghiên cứu lớn tại Ấn Độ, tỷ lệ hành khách mắc chứng say tàu xe là 28% trong đó nữ bị nhiều hơn nam. Một nghiên cứu trên 20.029 hành khách đi tàu cho thấy có 7% bị nôn mửa, 21% thấy khó chịu, 4% thấy rất mệt mỏi và 4% đổ bệnh thực sự. Theo các bác sĩ không chỉ tàu xe, nhiều người đi máy bay cũng bị nôn ói do say. Bác sĩ Đại Biên cho biết, đối tượng dễ bị say tàu xe nhiều là trẻ em tuổi từ 2 – 12, phụ nữ đặc biệt trong thời kỳ mang thai, hành kinh, hoặc sử dụng nội tiết tố, bệnh nhân bị chứng đau nửa đầu, người tâm lý yếu nghĩ rằng mình dễ say tàu xe.
“Say tàu xe là một rối loạn của tai trong gây ra bởi sự chuyển động. Não cảm nhận sự chuyển động thông qua ba con đường khác nhau của hệ thần kinh gửi tín hiệu đến từ tai trong và cơ thể. Khi đi tàu xe, máy bay, do có sự chuyển động, bộ phận tai trong gồm ốc tai, tiền đình ở một số người nhạy cảm bị kích thích không tương hợp với mắt nhìn sự chuyển động (mắt thấy được sự chuyển động nhưng tai trong truyền tín hiệu cho bộ não rằng không có chuyển động) tác động đến dạ dày khiến cho tình trạng say tàu xe diễn ra”- bác sĩ Nguyễn Đại Biên giải thích. Ngoài ra theo bác sĩ Biên một phần do yếu tố tâm lý của người đi xe, mùi thức ăn, mùi xăng dầu, đọc sách trên xe… Những người vốn có chứng say tàu xe chỉ cần nhìn thấy chưa cần bước lên đã thấy xây xẩm, muốn nôn oẹ. Thống kê tại Việt Nam cho thấy có khoảng 33% người dân dễ bị say tàu xe, trẻ em bị ảnh hưởng nhiều hơn người lớn.
|
Xử lý như thế nào?
Mặc dù say tàu xe diễn ra phổ biến nhưng rất ít người biết cách phòng ngừa sau tàu xe, nhất là trong trường hợp dùng thuốc. Theo bác sĩ Đại Biên việc xử trí say tàu xe hiện nay thường bằng thuốc. Theo đó có hai cách là dùng miếng dán sau tai và thuốc viên uống, tốt nhất nên sử dụng thuốc chống say tàu xe có tác dụng thời gian ngắn 4-6 tiếng.
Ngoài ra có thể dùng các biện pháp tự nhiên sau để phòng chống nôn, say tàu xe như trước khi lên tàu xe uống ¼ chén nước cốt gừng tươi, ngậm một lát gừng tươi… hoặc khoai lang, vỏ cam quýt cũng có thể day ấn huyệt. Đồng thời, tránh ăn uống quá nhiều bia rượu và thức ăn nặng mùi có chứa nhiều gia vị, hoặc các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ; không nên ngồi đối diện với hướng xe chạy hoặc nhìn ra phía sau…. Nếu phải di chuyển trong thời gian lâu thì nên tìm chỗ ngồi phía giữa thân tàu vì chỗ này ít bị chòng chành nhất; ngồi cạnh cửa sổ, mở cửa kính để có gió.
Theo Tiền Phong