Đại gia đầu tư vào nông nghiệp không phải “mốt”
(ĐTCK) Vingroup, Hòa Phát, Him Lam, Geleximco, Minh Phú, Hoàng Anh Gia Lai… sẽ là những tập đoàn nòng cốt tham gia cuộc cách mạng nông nghiệp mới của Việt Nam với kỳ vọng đem lại những đột phá trong phương thức sản xuất – kinh doanh, đầu tư vào nông nghiệp.
Tập đoàn Geleximco đang quan tâm đến lĩnh vực rau sạch và hoa quả Thêm nhiều “ông lớn” Tại Hội nghị Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp diễn ra ngày 28/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói rằng, Bộ đã thành lập Nhóm thu hút đầu tư nông nghiệp với sự tham gia của các cơ quan quản lý thuộc Bộ và 30 doanh nghiệp nòng cốt đầu tư cho nông nghiệp. Những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam như đã kể trên đều có mặt trong Nhóm 30 này. Mục đích của Nhóm là thường xuyên tổ chức gặp mặt giữa các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ với doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Từ khi thành lập cho đến nay, Nhóm đã tổ chức 3 cuộc gặp mặt do Bộ trưởng chủ trì theo các chuyên đề thảo luận khác nhau. Sau các cuộc gặp mặt, Bộ đã tập hợp kiến nghị của các doanh nghiệp và có văn bản chỉ đạo các cơ quan trực thuộc khẩn trương xem xét, giải quyết. Tới nay, hầu hết các kiến nghị đã và đang được giải quyết. Đồng thời, Bộ đã báo cáo các bộ, ngành về các kiến nghị liên quan. Bộ trưởng cũng nói rằng, đầu tư từ khu vực tư nhân vào nông nghiệp trong thời gian gần đây tăng đáng kể. Cụ thể, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng từ 2.397 doanh nghiệp năm 2007 lên 3.635 doanh nghiệp năm 2013, tăng bình quân 13,8%/năm, trong đó doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm phần lớn, khoảng 89%, tạo việc làm cho 265.000 lao động. Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Hòa Phát, một “tân binh” trong lĩnh vực này cho biết, câu chuyện Hòa Phát đầu tư vào lĩnh vực thức ăn chăn nuôi gần đây khá ồn ào trong dư luận. Tuy nhiên, với những người lãnh đạo của Tập đoàn này, đây là một chiến lược đã được tính toán kỹ, được định hướng nghiêm túc, chứ không có chuyện chạy theo “mốt” như nhiều người võ đoán. “Nông nghiệp là lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Chúng tôi muốn áp dụng những quy trình quản lý, công nghệ mới vào ngành thức ăn chăn nuôi, tiến tới có thể thay đổi một phần cấu trúc của ngành này khi mà hiện nay tỷ trọng của khối doanh nghiệp FDI rất lớn”, ông Dương nói. Cùng tiến quân vào nông nghiệp, đại gia Vũ Văn Tiền và Tập đoàn Geleximco đã thực hiện một chuyến khảo sát tại khá nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Ông Tiền chia sẻ, lĩnh vực mà Tập đoàn quan tâm là rau sạch và hoa quả. Không chỉ nhắm đến việc cung cấp cho thị trường nội địa, Tập đoàn còn hướng đến việc xuất khẩu ra nước ngoài. Dự án này nếu được triển khai, theo ông Tiền, sẽ có thêm các nhà đầu tư nước ngoài đồng hành cùng Geleximco. Nếu quyết tâm. không có gì không thể làm được. Hiện Việt Nam đã có nhiều nhà đầu tư thành công và trở thành những đầu tàu về ứng dụng khoa học công nghệ cao, phát triển thị trường tạo động lực phát triển cho nhiều vùng, địa phương như Vinamilk, Minh Phú, Bảo vệ thực vật An Giang, Vĩnh Hoàn, Mía đường Lam Sơn… Không dễ ăn Tiềm năng, song theo lời ông Vũ Văn Tiền, đầu tư vào nông nghiệp là công cuộc dài hơi, tốn kém và rủi ro cũng không ít. Trước đây, Geleximco đã bỏ vốn vào nông nghiệp song thất bại, đơn cử việc nuôi tôm quy mô 100 héc-ta tại Thái Bình. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, đầu tư của doanh nghiệp còn thấp, thiếu ổn định. Năm 2014, tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 1,01% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước, đa phần quy mô vốn nhỏ (số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm 55%). Trong 5 năm 2008 – 2013 chỉ có 3.486 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn 126.469 tỷ đồng, nhưng có 475 doanh nghiệp (15%) bị giải thể. Với các doanh nghiệp đầu tàu, mong muốn đầu tư lớn và bài bản vào nông nghiệp, thì đất đai luôn là yếu tố cản trở lớn nhất đối với họ. Hiện nay, chưa có chính sách tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp. Theo ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT CTCP Mía đường Lam Sơn, để liên kết tập hợp nông dân, thực hiện dồn điền đổi thửa nhằm đưa cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng mía, doanh nghiệp mất rất nhiều công sức. “Để dồn được 72 héc-ta, chúng tôi phải tổ chức 62 cuộc họp”, ông Tam nói. Hiện Vingroup cũng đã cơ bản hoàn tất các thủ tục để xin cấp phép đầu tư vào nông nghiệp Quảng Ninh với quy mô 100 héc-ta. Tập đoàn này có kế hoạch nâng diện tích đất lên, song mọi việc còn đang được xem xét. Anh Việt
|
Theo Đầu Tư Chứng Khoán