Những thảm họa thiên nhiên khủng khiếp nhất 2011
Động đất ở New Zealand, thảm họa sóng thần ở Nhật Bản, lũ lụt lịch sử Thái Lan và siêu bão Washi ở Philippines gần đây,…. là những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất 2011.
1. Động đất ở New Zealand (22-2)
Hai phụ nữ ôm nhau khóc trước một ngôi nhà đổ nát ở Christchurch – Ảnh: Reuters |
Trận động đất 6,3 độ richter ở Redcliffs, gần thành phố Christchurch, New Zealand đã khiến ít nhất 200 người thiệt mạng.
Hàng trăm người tham gia cứu hộ, tìm kiếm những người bị chôn vùi trong trận động đất xảy ra ở thành phố Christchurch, New Zealand. Nhiều trường hợp, nhân viên cứu hộ đã phải cắt cụt chi của những người bị mắc kẹt trong những tòa nhà bị sập để giải cứu họ. Xác người la liệt trên đường phố, nhiều người bị kẹt trong xe ô-tô và bị đè nát trong những tòa nhà sập.
Trận động đất ngày 22-2 ở Redcliffs là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất ở New Zealand trong vòng 80 năm qua.
2. Thảm họa kép ở Nhật Bản (11/3)
Hai anh em đi qua đống đổ nát sau trận động đất kinh hoàng
|
Bờ biển phía đông bắc của Nhật Bản hứng chịu sóng thần sau trận động đất 9 độ Richter hôm 11/3 khiến ít nhất 20.000 người chết và mất tích. Ngoài ra thảm họa kép còn tàn phá nhiều tỉnh, thành phố của Nhật Bản và gây nên cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima I và cho tới nay hậu quả của nó vẫn chưa thể giải quyết triệt để.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, tổng cộng 15.840 người thiệt mạng, 5.950 người bị thương và 3.642 người mất tích tại 18 tỉnh của Nhật Bản sau thảm họa kép vào ngày 11/3.
Sau động đất là những cơn sóng thần liên tiếp ập tới làm hơn 400 người đã thiệt mạng, trong đó có một du thuyền và một tàu du lịch đã bị mất tích trong trận động đất lớn nhất trong lịch sử nước Nhật.
Hàng nghìn người đã buộc phải sơ tán sau khi những cơn sóng lớn tràn vào đất liền, cuốn đi mọi thứ.
3. Siêu bão Irene Mỹ (28/8)
Nhân viên cứu hộ giúp một người trên chiếc thuyền buồm tại Norfolk, bang Virginia vào bờ an toàn Ảnh: The New York Times |
Siêu bão Irene kèm theo mưa lớn, lốc xoáy và sấm chớp đã đổ bộ vào thành phố New York của Mỹ khiến 38 người thiệt mạng, làm hư hại một số tòa nhà chọc trời ở Manhattan và gây ra ngập úng. Hơn 370.000 người ở New York phải sơ tán và giao thông trong thành phố bị tê liệt. Được biết, tổng thiệt hại kinh tế do bão Irene gây ra đối với nước Mỹ là 20 tỷ USD.
Tại những khu vực bão Irene đi qua, gió mạnh đã quật đổ các đường dây điện, các cây lớn trên đường khiến hàng nghìn người rơi vào cảnh không có điện để dùng, nhiều đường phố ngổn ngang cây đổ và không khí ngập tràn mùi ẩm thấp. 7 bang từ Bắc Carolina tới Connecticut (Bắc Carolina, Virginia, Maryland, Delaware, New Jersey, New York và Connecticut) phải thông báo tình trạng khẩn cấp.
4. Lốc xoáy ở Mỹ (24/5)
Cơn lốc xoáy kinh hoàng vào ngày 24/5 tại thành phố Joplin, bang Missouri của Mỹ đã khiến 116 người thiệt mạng. Trận lốc xoáy với sức mạnh khủng khiếp đã phá hủy các tòa nhà, lật tung nhiều ô tô, thậm chí là san phẳng toàn bộ một khu dân cư tại thành phố này.
Cơn lốc xoáy ở Joplin được cho là gây thiệt hại về người lớn nhất tại Mỹ trong vòng 6 thập kỷ.
Khoảng 1.150 người bị thương chữa trị tại các bệnh viện, khoảng 2.000 ngôi nhà bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn. Người dân sống cách Joplin khoảng 70 km cho hay họ nhặt được cả những mảnh vụn được cơn lốc xoáy đưa tới.
Mưa lớn, sấm chớp và những cơn gió mạnh cản trở các nỗ lực khắc phục hậu quả trận gió lốc. Hàng trăm nhân viên cứu hộ cùng với những chú chó nghiệp vụ tìm kiếm những người còn mắc kẹt trong những đống đổ nát.
Trận lốc ngày 24-5 có sức gió lên tới 320 km/giờ với đường kính khoảng 1km đã phá hỏng tới 30% nhà cửa ở thành phố Joplin. Trong số này có tòa nhà chung cư 2 tầng với 100 căn hộ đã bị mất hầu như toàn bộ tầng hai.
5. Lũ lụt lịch sử ở Thái Lan
Lụt lội khiến người dân Thái Lan đi lại khó khăn |
Trận lũ tồi tệ nhất trong lịch sử Thái Lan bắt đầu từ tháng 7 – tháng 11 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 606 người, và hơn 2 triệu người bị ảnh hưởng.
Từ giữa tháng 7, ảnh hưởng của cơn bão Nock Ten, lũ lụt đã nhấn chìm nhiều khu vực ở Thái Lan. Đến 21/11, vẫn còn 17/77 tỉnh thành của Thái Lan vẫn chìm trong nước lũ. Cuộc sống của hơn 5 triệu người dân bị ảnh hưởng.
Gần 1000 thuyền lớn đã được huy động để làm tăng tốc dòng chảy của nước lũ xuống vùng hạ lưu để ra biển.
Lính thủy đánh bộ Mỹ đã hỗ trợ bằng việc gửi đến Bangkok các bao tải cát để ngăn nước và một số mặt hàng thiết yếu khác. Ngoài nhiệm vụ cứu trợ cho đại sứ quán Mỹ tại Thái Lan, lực lượng này còn kết hợp với quân đội địa phương để giúp đỡ người dân trong công tác phòng chống và khắc phục sự tấn công của lũ.
6. Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ (23/10)
Cảnh tượng đổ nát sau động đất ở thành phố Van. Ảnh: AFP
|
Trận động đất mạnh 7,2 độ Richter rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ ngày 23-10 khiến 644 người thiệt mạng, 2.000 tòa nhà bị phá hủy, và hàng nghìn người mất nhà cửa.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Idris Naim Sahin cho biết, đã có 117 người chết tại các quận của thành phố Ercis và 100 người khác thiệt mạng tại thành phố Van; trong khi 740 người bị thương và hàng trăm người khác vẫn đang bị chôn vùi dưới đống đổ nát.
Các quan chức địa phương tại thành phố Ercis cho biết, họ đã nghe thấy những tiếng hét đau đớn vọng lên từ dưới lòng đất của những người bị kẹt lại trong nhiều nhà chung cư, kí túc xá sinh viên và các công trình công cộng khác.
Nhiều tổ chức từ thiện đã có mặt để giúp đỡ người dân trong khục vực bị ảnh hưởng bởi động đất. Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Thổ Nhĩ Kỳ – cơ quan nhân đạo lớn nhất của quốc gia này đã gửi đến thành phố Van 1.000 lều trại và 500 suất ăn hỗ trợ cho những người bị mất nhà cửa.
7. Lụt lở đất ở Brazil (12/1)
Lũ lụt và lở đất khiến công việc cứu hộ đang gặp rất nhiều khó khăn |
Ít nhất 370 người chết do bị nước lũ, bùn cuốn trôi khi một trận mưa lớn và lở đất kinh hoàng tấn công thành phố Rio de Janeiro, Brazil vào sáng ngày 12/1.
Trong đó, thị trấn Teresopolis, cách Rio khoảng 100km về phía bắc, có ít nhất 130 người đã thiệt mạng, Nova Friburgo có 107 người và Petropolis là 18 người.
Hàng nghìn người dân lội nước để tới những khu vực cao hơn cùng đồ đạc mà họ có thể mang theo. Các nhân viên cứu hộ dùng các loại máy hạng nặng, xẻng và tay để tìm kiếm nạn nhân của vụ lở đất.
8. Cháy rừng tại Texas, Mỹ (6/9)
Khoảng 250 lính cứu hỏa đã được triển khai để khống chế trận cháy rừng bằng xe ủi đất và xe tải bơm nước |
Ngày 6/9, ít nhất 500 ngôi nhà đã bị phá hủy, 5.000 người phải di tản và 400 người sống tạm bợ sau trận cháy rừng tồi tệ nhất trong 40 năm qua tại bang Texas (Mỹ).
Do ảnh hưởng của bão Lee, hàng trăm ha rừng ở Texas đã cháy dữ dội khiến hàng loạt ngôi nhà bị thiêu rụi, và ít nhất 2 người đã thiệt mạng.
Thống đốc bang Texas Rick Perry khi đó đang tranh cử chức Tổng thống Mỹ đã phải rút ngắn chiến dịch của mình và trở về Texas từ Nam Carolina hôm 5/9 để giải quyết tình trạng này. Giới chức địa phương cho hay, đây là vụ cháy rừng tồi tệ nhất từng xảy ra ở đông Austin trong nhiều năm trở lại đây.
9. Nạn đói hoành hành ở Sừng Châu Phi (25/6)
Nhiều phụ nữ xếp hàng bên ngoài trại cứu trợ gần thủ đô Mogadishu của Somalia nhận đồ cứu trợ |
Liên Hợp Quốc đã kêu gọi cứu trợ khẩn cấp của cộng đồng quốc tế đối với nạn đói thảm khốc của 11 triệu đàn ông, đàn bà và trẻ em ở vùng Sừng Châu Phi – Somalia do hạn hán lịch sử gây ra.
Theo báo cáo, gần 11 triệu người ở vùng Sừng Châu Phi – Somalia cần được cộng đồng quốc tế cứu giúp khẩn cấp vì tính mạng của họ bị đe dọa bởi nạn đói thảm khốc do hạn hán thể kỷ gây ra.
Khu vực Sừng Châu Phi bao gồm các nước như Somalia, Kenya, Ethiopia, Djibouti… Theo thông tin từ Liên Hợp Quốc, thảm họa hạn hán ở Sừng Châu Phi hiện tại là kinh khủng nhất trong vòng 60 năm qua, khiến hàng nghìn người dân ở khu vực Bắc Kenya, Ethiopia, Somalia, Eritrea và miền nam Sudan chịu ảnh hưởng nặng nề.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết, riêng ở Kenya đã có tới 65.000 trẻ em thiếu dinh dưỡng ở mức nguy hiểm đến tính mạng, tăng gấp 3 lần số người năm 2009.
Được biết, mỗi tuần có tới hàng nghìn người Somali đổ về trại tị nạn lớn nhất thế giới Dadaab (Kenya). Trong mấy tháng gần đây, có tới gần 40.000 dân tị nạn Somali đã chạy sang các nước láng giềng Kenya và Ethiopia.
10. Siêu bão Washi tấn công Philippines (17/12)
Ngày 17/12, siêu bão Washi với sức gió 90km/giờ đã bất ngờ tấn công vào miền nam Philippines, gây lụt lội trên diện rộng, gây ra mất điện ở nhiều khu vực và một số chuyến bay nội địa bị hủy bỏ.
Hội Chữ thập đỏ Philippines ngày 18/12 cho hay, số người chết do cơn bão Washi gây ra ở miền nam nước này đã lên đến 652 người, cùng với 808 người khác vẫn còn mất tích.
Thị trưởng thành phố Iligan Lawrence Cruz nói rằng, nước ở một con sông gần đó đã càn quét ít nhất 10 ngôi làng. Tai nạn xảy ra quá nhanh, khi người dân vẫn đang ngủ.
Cơ quan phòng chống thiên tai cho hay, lượng mưa khoảng 25 mm trong 24 giờ qua đã làm mực nước sông tăng lên và gây ngập lụt ở những khu vực trũng, cuốn trôi nhiều nhà cửa, gây mất điện ở nhiều khu vực và một số chuyến bay nội địa bị hủy bỏ.
Quân đội Philippines đã huy động 20.000 binh sĩ đến làm công tác cứu hộ trên đảo Mindanao.
Đỗ Hường (Tổng hợp)