Chứng khoán sáng 22/6: Vỡ mộng JVC
Cuối tuần rồi JVC bất ngờ công bố báo cáo thường niên với con số long lanh cho kế hoạch lợi nhuận 2015…
VN-Index đang được các blue-chips nâng đỡ rất mạnh. Cuối tuần rồi JVC bất ngờ công bố báo cáo thường niên với con số long lanh cho kế hoạch lợi nhuận 2015. Cổ đông nhỏ lẻ có được môt ngày nghỉ đỡ căng thẳng hơn nhưng “đùng một cái” có tin miễn nhiệm chủ tịch Hội đồng quản trị.
Hội đồng quản trị JVC đã ra nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị của ông Lê Văn Hướng và có hiệu lực ngay lập tức. Cùng với sự “bặt tin” bất thường của ông Hướng khi giá JVC đột ngột cắm đầu rơi tự do, việc miễn nhiệm chức vụ khiến thị trường càng tin vào những tin đồn. Không có bất cứ thông tin nào về lý do ông Hướng mất chức Chủ tịch. Đủ loại tin đồn lại được lan truyền khắp nơi và dĩ nhiên là cổ phiếu càng chịu ảnh hưởng. Bây giờ không phải là suy diễn kiểu “không có lửa làm sao có khói” nữa mà có vẻ như ngọn lửa đã bắt đầu bùng lên rồi! JVC tiếp tục bị bán sàn rất mạnh và lại có lực mua vào bắt đáy gần 2,4 triệu cổ. Nhà đầu tư nước ngoài mua thỏa thuận 695.070 cổ phiếu nữa. Như vậy JVC vẫn có thanh khoản, chỉ là thanh khoản không thể đáp ứng được nhu cầu thoát ra quá lớn. Khả năng JVC bị giải chấp là cực cao vì giá đã rơi quá mạnh trong 2 tuần qua và thanh khoản rất khó khăn. JVC trước đó được rất nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị mua và nằm trong diện cung cấp đòn bẩy tài chính. Thông thường khi giá sụt giảm đến một mức nào đó, nhà đầu tư sẽ phải tự xử lý. Vấn đề là đã không còn khe cửa hẹp nào để tự xử nữa và bây giờ đến lúc công ty chứng khoán xử giúp với hi vọng thu về một phần vốn cũng rất mong manh. Khoảng 12,64 triệu cổ phiếu JVC đang bị bán sàn và nhà đầu tư còn không buồn đặt giá cao hơn mức này. Rất nhiều nhà đầu tư tin vào các báo cáo phân tích của công ty chứng khoán rốt cục không thể tự vệ được trước các diễn biến quá bất ngờ này. JVC đã bốc hơi khoảng 48% giá trị công ty chỉ trong 11 phiên giao dịch. Trong khi JVC làm tan nát nhiều con tim thì thị trường đang trao lợi nhuận cho rất nhiều cổ phiếu khác. Điều này dẫn đến mong ước lớn nhất của cổ đông nhỏ lẻ tại JVC là bán đi được để bù đắp thiệt hại ở những mã tăng trưởng khác mà độ an toàn cao hơn. Điều này càng dẫn đến sự thiếu hụt cầu ở JVC. Một diễn biến bùng nổ đáng chú ý sáng nay là VNM, cổ phiếu khổng lồ này đang tăng 3,74%, một mức tăng chưa từng thấy trong vòng 5 tháng qua. VNM nhảy vọt lên vị trí thứ hai thị trường về quy mô giao dịch với gần 65,4 tỷ đồng giá trị khớp lệnh. Thông tin hỗ trợ mạnh cho VNM là kế hoạch tạm ứng cổ tức đợt 1/2015 với tỷ lệ tới 40% bằng tiền mặt và tăng vốn tỷ lệ 5:1. Kế hoạch này đặc biệt có lợi cho những nhà đầu tư dài hạn, vốn đã nắm giữ VNM từ lâu hoặc có giá vốn thấp. VNM tăng giá đã ảnh hưởng tốt đến VN-Index. Ngoài ra VCB cũng đang tăng 1,94%. Cộng hưởng là MSN tăng 4,61%, VIC tăng 0,98%, CTG tăng 1,44%, BID tăng 2,29%. Nói chung những cổ phiếu trụ ở HSX tăng giá rất tốt giúp VN-Index tăng 1,02%. Đặc biệt VNM, VCB, MSN, VIC giúp VN30 tăng 1,35%. Độ rộng thể hiện một sự phân hóa giá đáng kể: HSX chỉ có 83 mã tăng/87 mã giảm nhưng VN30 có 19 mã tăng/7 mã giảm. Các blue-chips đang thể hiện sức mạnh vượt trội và là đầu tàu kéo các chỉ số. Điều này cũng rất hợp lý vì chỉ số Midcap và Smallcap đang giảm. HNX lại là bước tranh trái ngược khi độ rộng thu hẹp ở cả toàn bộ thị trường lẫn trong rổ HNX30. HNX chỉ có 54 mã tăng/81 mã giảm và HNX30 là 15 mã giảm/4 mã tăng. HNX-Index giảm 0,39%, HNX30 giảm 0,46%. Điều khá bất thường là sàn HNX không có sự phân hóa theo nhóm ngành như ở HSX. Chẳng hạn ngân hàng chỉ có ACB tăng 0,46%. Nhóm chứng khoán giảm trong khi SSI tăng 0,85%, HCM tăng 1,78%. Nhóm dầu khí chỉ duy nhất PLC tăng 1,54%. Thanh khoản thị trường khá đuối sáng nay, hai sàn khớp lệnh 1.263,6 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với sáng phiên trước. HNX sụt giảm tới 29%. Dòng tiền đang vào HNX rất đuối cũng là lý do khiến sàn này sụt giảm và độ rộng kém. Nhà đầu tư nước ngoài giải ngân rất tốt trên HSX. Quy mô mua khoảng 132,6 tỷ đồng, tăng 7% so với phiên trước. Sau khi hai quỹ ETF kết thúc giao dịch nhưng sức mua của khối ngoại vẫn rất lớn: STB được mua 30,6 tỷ, SSI là 9,3 tỷ, VCB là 9 tỷ, BID: 7,8 tỷ, HAG: 7,7 tỷ; HHS: 7,1 tỷ, PVD: 6,8 tỷ, KBC: 6 tỷ… Bất ngờ trong tuần này là các giao dịch chốt lời được đẩy mạnh và đa số chuyên gia được hỏi đều giảm tỷ trọng xuống… |
Theo VnEconomy