Sự thật đằng sau việc Trung Quốc tuyên bố ngừng lấp biển tạo đảo
TP – Sáng 16/6, Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức họp báo bất thường để thông báo: Trung Quốc “sắp hoàn thành công trình bồi lấp nền đất một bộ phận các đảo bãi ở Nam Sa” (tức Trường Sa) và “sẽ chuyển sang xây dựng cơ sở hạ tầng để đáp ứng các nhu cầu về phòng ngự quân sự và hoạt động dân sự”.
Trung Quốc tuyên bố hoàn thành bồi đắp đá Chữ thập Ông ta nói: “Trung Quốc xây dựng các đảo bãi ở Nam Sa, ngoài việc đáp ứng nhu cầu về phòng ngự quân sự, phần nhiều hơn là phục vụ các nhu cầu dân sự các loại để thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế trên các lĩnh vực cứu hộ trên biển, phòng chống, giảm nhẹ tai họa, nghiên cứu biển, quan trắc khí tượng, bảo vệ môi trường, an toàn hàng hải và sản xuất nghề cá”. Một mũi tên nhằm hai đích Tuyên bố ngừng lấp biển tạo đảo rõ ràng là một mũi tên nhằm hai đích: Một là “bẫy’ các bên liên quan mặc nhiên thừa nhận các đảo nhân tạo Trung Quốc đã bồi lấp trái phép là “chuyện đã rồi”. Hai là, đánh lừa dư luận bằng việc tạo ra ảo giác rằng Bắc Kinh đang xuống thang, đang hạ nhiệt căng thẳng. Trong khi đó Trung Quốc vừa đạt được mục đích lấp biển tạo đảo nhân tạo, vừa ung dung bắt tay vào hoạt động xây dựng sân bay, bố trí vũ khí, phương tiện…để biến các đảo nhân tạo thành pháo đài ở biển Đông. Những lời của Lục Khảng lập tức được báo chí Trung Quốc hùa theo. Đi đầu vẫn là “Thời báo Hoàn cầu” – tờ nhật báo nổi tiếng bởi những tư tưởng dân tộc cực đoan. Báo này cố tình đánh đồng hành động phi pháp của mình với việc các nước trong khu vực củng cố các đảo nổi đã có từ trước, khi viết: “Sau khi Việt Nam, Philippines xây dựng rất nhiều công trình trên các đảo, bãi mà họ chiếm đóng, hoạt động tác nghiệp của Trung Quốc lần này chỉ là sự bổ sung”. “Thời báo Hoàn cầu” cố tình “ru ngủ” dư luận khi viết: “Bãi Vĩnh Thử (Chữ Thập) sẽ trở thành điểm đứng chân quan trọng của Trung Quốc ở Nam Sa (Trường Sa), cách mà Trung Quốc sử dụng nó quyết không phải nhằm bức người như bên ngoài (ý nói quốc tế) tuyên truyền. Trung Quốc chân thành hy vọng ở các đảo, bãi mới này sẽ xuất hiện trung tâm dịch vụ lớn nhất, sôi nổi nhất khu vực Nam Sa”. Cũng “Thời báo Hoàn cầu” ngày 16/6 đăng ý kiến của Lưu Phong – một “chuyên gia” về vấn đề hải dương của Trung Quốc, ngụy biện rằng hoạt động của họ ở Trường Sa không phải là lấp biển xây dựng đảo nhân tạo, mà chỉ là dùng tàu hút sa thạch dưới nước để phun lên bãi đá có sẵn, nên dùng từ “bồi đắp nền đất” là chuẩn xác nhất. Chu Phong, Chủ nhiệm Trung tâm hiệp đồng nghiên cứu Nam Hải thuộc Đại học Nam Kinh trong một bài báo ngày 19/6, ngụy biện việc Trung Quốc lấp biển tạo đảo là “hợp tình, hợp lý, hợp pháp, không ảnh hưởng đến bất cứ quốc gia nào” và còn ngang ngược úp mở về khả năng Trung Quốc sẽ thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông. Dư luận quốc tế không mắc lừa Tuy nhiên, tuyên bố ngừng lấp biển tạo đảo của Trung Quốc đã không nhận được phản ứng tích cực từ phía Mỹ. Ngay trong ngày 16/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby đã thẳng thừng tuyên bố: “Kế hoạch của Trung Quốc không đóng góp vào việc giảm căng thẳng, không hỗ trợ các giải pháp hòa bình và ngoại giao, nó cũng chẳng thể củng cố những yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp”. Ngày 17/6, John Kirby khẳng định: Tại cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ- Trung ngày 22/6 tới đây, vấn đề biển Đông sẽ vẫn là một nội dung quan trọng. Ngày 19/6, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell khi trả lời phỏng vấn báo “Ashahi Shimbun” đã khẳng định: Việc lấp biển tạo đảo và xây dựng các công trình, thiết bị ở vùng biển tranh chấp là hành động khiêu khích, sẽ dẫn đến vấn đề lớn hơn; Trung Quốc cần phải chấm dứt những hành động kiểu này. Báo chí Mỹ cũng phản ứng mạnh mẽ trước tuyên bố của Lục Khảng. Trang web của tờ “Nhật báo phố Wall” ngày 16/6 đã chạy tiêu đề “Trung Quốc sẽ xây dựng căn cứ quân sự trên các đảo bãi Nam Hải” khi đưa tin về Trung Quốc tuyên bố kết thúc công trình lấp biển tạo đảo. Báo này phân tích tuyên bố của Lục Khảng và rút ra kết luận: “Trung Quốc đang chuyển từ lấp biển tạo đảo sang xây dựng căn cứ quân sự và các thiết bị hạ tầng khác”. Hãng ABC ngày 16/6 cho rằng: Việc lấp biển tạo đảo đã gây nên mối lo ngại về việc Trung Quốc lợi dụng các đảo nhân tạo này làm căn cứ quân sự và khống chế tuyến hàng hải ở Nam Hải. Tuyên bố của Lục Khảng đã gây nên phản ứng mạnh mẽ trong chính giới và dư luận Nhật Bản. Nhật Bản tuyên bố, quyết không cho phép Trung Quốc biến việc lấp biển tạo đảo thành chuyện đã rồi. Đài NHK cho việc Trung Quốc lấp biển tạo đảo là nhằm mục đích quân sự. Tờ “Nihon Keizai Shimbun” nhận định: Việc Trung Quốc tuyên bố kết thúc công trình chỉ là hành động tạm thời che mắt Mỹ. Là quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hành động lấp biển tạo đảo của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Peter Galvez hôm 16/6 đã mạnh mẽ tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc hãy kiềm chế, không được áp dụng những hành vi ích kỷ này, cân nhắc yêu cầu của các nước, tuân thủ các nguyên tắc quốc tế như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982)”.? Dư luận Trung Quốc không đồng tình ủng hộ Quan điểm của chính phủ Trung Quốc và một số quan chức, học giả hùa theo không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của chính ngay các học giả Trung Quốc tôn trọng lẽ phải và sự thật. Học giả Lý Lệnh Hoa, một chuyên gia nổi tiếng về luật biển quốc tế ngày 20/6 đã viết bài đăng trên diễn đàn mạng Sina.com phê phán những luận điệu sai trái kể trên của Chu Phong, Chủ nhiệm Trung tâm hiệp đồng nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc. Sau khi cho rằng lấp biển tạo đảo là điều không nên làm, ông Lý Lệnh Hoa đã kịch liệt phê phán quan điểm của Chu Phong khi biện bạch cho ý định thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông. Trước đó, ngày 1/6, trong bài viết trả lời một bạn đọc Vũ Hán, ông Lý Lệnh Hoa cho rằng: Cho đến nay Trung Quốc vẫn kiên trì chủ trương quá khích và mơ hồ về cái gọi là “Đường 9 đoạn” trên Biển Đông không chỉ ảnh hưởng đến tự do hàng hải, mà còn gây nên sự bất bình mạnh mẽ của các nước Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia. |
Theo Tiền Phong