Stanislav Petrov – Vị anh hùng của thế giới
Trung tá Stanislav Petrov có nhiệm vụ sử dụng máy tính và vệ tinh để cảnh báo Liên Xô nếu có bất kỳ một cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân nào của Hoa Kỳ. Trong trường hợp như vậy, chiến lược của Liên Xô là ngay lập tức khởi động toàn bộ vũ khí hạt nhân tấn công đáp trả Hoa Kỳ.
Ông đã ngăn chặn một thảm họa diệt vong toàn nhân loại. Tất cả chúng ta và con cháu của chúng ta đã nợ ông, mãi mãi…
Năm 1983 ở Nga, ông đã trở thành người anh hùng “vô danh” đối với nước Mỹ và toàn thể thế giới,và có lẽ là người anh hùng vĩ đại nhất mọi thời đại. Do bí mật quân sự, và các khác biệt về chính trị và quan hệ quốc tế, hầu hết người dân thế giới đều chưa từng nghe nhắc đến ông. Ông là Stanislav Petrov.
Sự kiện lạ lùng mà đã khiến ông trở thành anh hùng, đã xảy ra gần thủ đô Moscow của Liên Xô cũ, lúc rạng sáng ngày 26 tháng 9 năm 1983. Vì sự khác biệt múi giờ, lúc đó vẫn đang là buổi chiều Chủ nhật ngày 25 tháng 9 theo giờ Mỹ.
Trong cuộc Chiến Tranh Lạnh vào thời gian này, Mỹ và Liên Xô là những kẻ thù không đội trời chung. Hai siêu cường thế giới đã không tin tưởng lẫn nhau, và mối ngờ vực ấy đã dẫn đến một hậu quả nguy hiểm: Họ chế tạo hàng ngàn vũ khí hạt nhân, sử dụng chúng để chống lại nhau nếu một khi cuộc chiến giữa họ bùng nổ. Nếu xảy ra một cuộc chiến như thế, thì những quốc gia này rất có thể đã tàn phá lẫn nhau và phần lớn thế giới từ lâu, kết quả có lẽ đã là cái chết của hàng trăm triệu người.
Trung tá Stanislav Petrov có nhiệm vụ sử dụng máy tính và vệ tinh để cảnh báo Liên Xô nếu có bất kỳ một cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân nào của Hoa Kỳ. Trong trường hợp như vậy, chiến lược của Liên Xô là ngay lập tức khởi động toàn bộ vũ khí hạt nhân tấn công đáp trả Hoa Kỳ.
Vào cái ngày đặc biệt ấy, có điều gì đó đã nhầm lẫn. Máy tính đột nhiên nổi chuông báo động, cảnh báo một tên lửa của Mỹ đang hướng về phía Liên Xô. Trung tá Petrov cho rằng đã xảy ra một lỗi máy tính, bởi lẽ Hoa Kỳ không thể chỉ khởi động một tên lửa để tấn công Liên Xô – nó phải khởi động nhiều tên lửa mới đúng. Hơn nữa, hệ thống vệ tinh đang được sử dụng rất thiếu tin cậy. Vì thế ông đã bỏ qua cảnh báo, và kết luận rằng thực ra không có bất kỳ tên lửa nào đã được phóng từ Hoa Kỳ cả.
Nhưng chỉ một lát sau, tình huống trở nên rất nghiêm trọng. Lần này hệ thống máy tính cho biết một tên lửa thứ hai đã được Hoa Kỳ phóng đi và đang tiếp cận Liên Xô. Sau đó nó hiển thị tên lửa thứ ba, rồi thứ tư, thứ năm. Chuông báo động vang lên inh ỏi. Nút “Khởi động” trước mặt trung tá Petrov lúc ấy đang nhấp nháy sáng, có lẽ nó ngụ ý nhắc nhở Liên Xô phải khởi động một cuộc tấn công ồ ạt chống lại Hoa Kỳ.
Mặc dù trung tá Petrov có một cảm giác day dứt là hệ thống máy tính nhầm lẫn, nhưng ông không có cách nào để biết chắc chắn. Không có gì khác để xác minh. Rađa mặt đất của Liên Xô không có khả năng phát hiện bất kỳ tên lửa nào ở độ cao quá mức, và đến khi rađa mặt đất nhận được tín hiệu thì sẽ là quá muộn. Tồi tệ hơn, ông chỉ có một vài phút để quyết định báo cáo điều gì với lãnh đạo Liên Xô. Ông đã đưa ra quyết định cuối cùng: ông tin vào trực giác của mình và tuyên bố đó là một báo động giả. Ông nhận thấy rằng, nếu ông sai thì những tên lửa hạt nhân của Hoa Kỳ sẽ sớm rơi xuống Liên Xô.
Ông chờ đợi. Một phút rồi hai phút trôi qua. Mọi thứ vẫn yên tĩnh – không một tên lửa, không một sự phá hủy nào cả. Quyết định của ông đã đúng. Stanislav Petrov đã ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu. Ông là một anh hùng. Những người xung quanh ông đã chúc mừng sự phán đoán tuyệt vời của ông.
Nhưng ông đã không làm theo thủ tục quân sự, đã bất chấp sự cảnh báo của máy tính. Và chính vì điều đó, ông đã bị cấp trên tra khảo gay gắt về hành động của ông trong tình huống cực kỳ căng thẳng đó. Có lẽ bởi vì ông phớt lờ những cảnh báo đó, ông đã không còn được coi là một sĩ quan quân đội đáng tin cậy nữa. Trong quân đội quân lệnh luôn luôn phải được thực hiện, không được hỏi.
Cuối cùng, quân đội Liên Xô đã không khen thưởng hay tuyên dương hành đồng của Stanislav Petrov. Họ cũng không trừng phạt ông. Nhưng sự nghiệp quân sự đầy triển vọng của ông đã chấm dứt. Ông đã bị điều đến một vị trí ít nhạy cảm hơn rồi nhanh chóng bị cho nghỉ hưu sớm. Ông vẫn tiếp tục sinh sống ở Nga bằng tiền lương hưu còm cõi.
Nhờ hành động của Stanislav Petrov vào cái ngày năm 1983 ấy mà Trái Đất tránh khỏi một thảm kịch bi đát nhất trong lịch sử nhân loại. Stanislav Petrov cho biết ông không tự xem mình là một người anh hùng vì điều mà ông đã làm vào ngày hôm đó. Nhưng, với vô số sinh mạng được cứu thoát cùng với hành tinh xanh của chúng ta, không thể phủ nhận ông là một trong những vị anh hùng vĩ đại nhất mọi thời đại.
Còn có một điều may mắn kỳ lạ cho nhân loại chúng ta. Vào cái đêm định mệnh ấy, nhẽ ra Stanislav Petrov không ở đó. Ban đầu ca trực ấy vốn thuộc về người khác, nhưng sau vì một nguyên do bí ẩn nào đó, ông đã được lựa chọn trực máy để thay thế cho người kia. Nếu ông không ở đó mà là một sĩ quan chỉ huy khác, thì người đó sẽ không nghi ngờ gì về hệ thống báo động của máy tính, và thế giới đáng ra đã chìm vào một cuộc thảm sát hạt nhân hủy diệt toàn nhân loại. Đó là điều may mắn không thể nghĩ bàn đối với nước Mỹ và cả thế giới. Nhưng đối với Stanislav Petrov, sự kiện đó đã hủy hoại sự nghiệp, sức khỏe và sự yên bình trong tâm hồn ông. Đó là một món nợ mà thế giới này không bao giờ trả hết.
Sử Minh/Tin180