Bão có thể gây động đất
Các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng cho thấy một số trận động đất mạnh xảy ra sau những cơn bão lớn. Điều đó cho thấy mưa lớn và lở đất có thể gây nên địa chấn.
Binh lính và cảnh sát giúp người dân sơ tán khỏi một làng ở miền trung Đài Loan khi bão Morakot đổ bộ vào tháng 8/2009. Ảnh: AP. |
“Những cơn mưa lớn có thể là nguyên nhân gây địa chấn. Chúng gây nên lở đất và xói mòn nghiêm trọng khiến vật chất trên bề mặt trái đất dịch chuyển. Tình trạng đó gây nên hiện tượng dịch chuyển của đất dọc theo các đường phay”, AFP dẫn lời Shimon Wdowinski, giáo sư địa lý và địa vật lý hải dương của Đại học Miami tại Mỹ.
Wdowinski và một đồng nghiệp từ Đại học Quốc tế Florida phân tích dữ liệu từ những trận động đất lớn – có cường độ từ 6 độ Richter trở lên – tại Haiti và đảo Đài Loan trong 50 năm qua để tìm hiểu mối liên hệ giữa mưa, bão với địa chấn. Họ nhận thấy nếu một cơn bão lớn và dai dẳng xuất hiện trong một khu vực nào đó, động đất mạnh sẽ xảy ra trong vòng 4 năm tiếp theo, AFP cho biết.
Trong một số trường hợp gần đây, động đất xảy ra sớm hơn. Chẳng hạn, khi bão Morakot đổ bộ vào đảo Đài Loan năm 2009, một cơn địa chấn 6,2 độ Richter xuất hiện cùng năm và một trận động đất 6,4 độ Richter xảy ra vào năm 2010.
Bão Marakot khiến 614 người chết và 75 người mất tích, chôn vùi nhiều làng mạc và đổ một lượng nước mưa khổng lồ (3 m) xuống đảo Đài Loan. Nó được coi là một trong những thiên tai khủng khiếp nhất trong lịch sử của hòn đảo.
Vào năm 1996, bão Herb tràn vào Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan khiến vài trăm người thiệt mạng. Hai năm sau một trận động đất 6,2 độ Richter xảy ra. Một trận động đất nữa, có cường độ tới 7,6 độ Richter, xuất hiện.
Nhóm nghiên cứu cũng tìm hiểu trận động đất dữ dội tại Haiti tháng 1/2010 – thảm họa khiến hơn 225.000 người chết và một phần bảy dân số Haiti mất nhà. Họ nhận thấy nó xảy ra một năm rưỡi sau khi 4 cơn bão ập xuống đảo quốc này trong vòng 45 ngày.
Theo giả thuyết của nhóm nghiên cứu, mưa lớn và lở đất khiến một lượng đất, đá lớn dịch khuyển khỏi khu vực phía trên đường phay. “Do không còn bị đè ở phía trên, lực nén bên dưới đường phay được giải phóng, gây nên địa chấn”, Wdowinski giải thích.
Giả thuyết của nhóm Wdowinski chỉ phù hợp với những khu vực có các đường phay nằm trên mặt phẳng nghiêng, chẳng hạn như các vùng núi – nơi nước có thể đẩy đất ra khỏi những vết nứt nằm sâu trong tầng đá của vỏ trái đất.
Wdowinski và cộng sự sẽ tiếp tục nghiên cứu những điều kiện thời tiết ở Philippines và Nhật Bản để xem mối liên hệ giữa bão và động đất tồn tại ở hai nước đó hay không.
Minh Long