Phát hiện và thử nghiệm nuôi giun ngoài vũ trụ
2 hố đen “khủng” |
Có lẽ, các bạn đã biết về sự tồn tại của hố đen tại trung tâm dải Ngân hà Milky Way – từng được cho là lớn nhất vũ trụ với khối lượng gấp 6,3 tỉ lần khối lượng của Mặt trời. Tuần qua, các nhà khoa học đã phát hiện ra 2 hố đen có kích thước còn lớn hơn cả hố đen kể trên.
Hố đen lớn tại tâm thiên hà.
Hố đen thứ nhất thuộc trung tâm thiên hà NGC 3842 có khối lượng gấp tận 9,7 tỉ lần khối lượng Mặt trời. Hố đen thứ hai nằm tại thiên hà NGC 4889 cũng có kích thước tương đương hoặc thậm chí còn lớn hơn.
Ngoài khối lượng, các nhà khoa học còn đánh giá hố đen dựa trên kích thước của vùng chân trời. Đây được coi là biên giới của lỗ đen mà trong đó, không một dạng vật chất hay năng lượng nào (kể cả ánh sáng) có thể thoát ra. Ước tính, vùng chân trời của hai lỗ đen vừa phát hiện lớn gấp 5 lần khoảng cách từ Mặt trời đến quỹ đạo sao Diêm Vương.
Hồ đen nằm tại tâm thiên hà NGC 3842 (góc trên, trái) lớn gấp nhiều lần hệ mặt trời của chúng ta (góc dưới, phải).
Với phát hiện này, các nhà khoa học bắt đầu đặt giả thuyết về sự tồn tại của những hố đen có kích thước lớn hơn nữa, với khối lượng gấp 10 tỉ lần Mặt trời trở lên.
Bí ẩn của những thiên hà cực đỏ |
Một nhóm các thiên hà phát ra ánh sáng đỏ và hồng ngoại vừa được phát hiện, hé lộ những bí ẩn về vũ trụ từ lúc khai sinh. Sử dụng kính viễn vọng không gian Spitzer, các nhà khoa học NASA đã phát hiện một nhóm 4 thiên hà màu đỏ nằm cách chúng ta 13 tỉ năm ánh sáng. Nói cách khác, ánh sáng từ những thiên hà này phải mất tận 13 tỉ năm mới đến được với chúng ta. Phát hiện này có thể giúp các nhà khoa học hiểu hơn về vũ trụ, được cho là hình thành 13,7 tỉ năm trước.
Nhóm 4 thiên hà màu đỏ vừa được phát hiện nằm ngoài rìa vũ trụ.
Trước phát hiện này, kính viễn vọng Hubble đã thu được hình ảnh của những thiên hà lâu đời hơn. Tuy nhiên, màu sắc đỏ rực của những thiên hà này đã gây ra ngạc nhiên lớn. “Những thiên hà này chính là mắt xích bị thiếu trong lịch sử tiến hóa thiên hà.” – một nhà khoa học phát biểu.
Bụi hoặc những ngôi sao già có thể tạo ra sắc đỏ cho thiên hà.
Có nhiều giả thuyết lý giải về màu sắc của cụm thiên hà màu đỏ trên. Thứ nhất, những thiên hà này chứa nhiều bụi. Thứ hai, chúng tập hợp nhiều ngôi sao “già” màu đỏ. Một lý do nữa được đưa ra là khi vũ trụ mở rộng, các thiên hà này ngày càng bị kéo ra xa chúng ta.
Kết quả là sóng ánh sáng do các thiên hà này phát ra bị kéo dài và chuyển sang màu đỏ. Nếu các bước sóng bị kéo dài ra nữa, chúng sẽ trở thành sóng hồng ngoại và không thể quan sát bằng mắt thường. Tuy nhiên, lý do thực sự đằng sau màu đỏ bí ẩn này vẫn cần thêm thời gian nghiên cứu.
Con người có thể sống “khỏe re” ngoài vũ trụ |
Trong tương lai, cuộc sống trên vũ trụ của con người (nếu có) sẽ bớt nhàm chán khi các nhà khoa học vừa công bố kết quả một thí nghiệm hết sức thú vị: Một giống giun tròn có khả năng sinh sản liên tiếp nhiều thế hệ ngoài vũ trụ. Điều này có nghĩa là con người và các loài động vật hoàn toàn có khả năng thích ứng trong môi trường ngoài Trái đất.
4.000 con giun tròn đã được đưa lên trạm quan sát ISS trong một thiết bị đặc biệt, mô phỏng điều kiện sống của chúng trên Trái đất. Tại quỹ đạo gần Trái đất của ISS, lực hút giảm xuống chỉ còn 1/10 trong khi nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ cao gấp 10 lần. Các nhà khoa học đã theo dõi ảnh hưởng của trọng lực qua các thế hệ giun và kết quả là hầu hết những con giun này đã phát triển khoẻ mạnh. Chỉ trong vòng 6 tháng, lứa giun ban đầu đã cho ra đời 12 thế hệ giun liên tiếp.
Mặc dù đối tượng của nghiên cứu là một loài giun tròn có cấu tạo cơ thể tương đối đơn giản nhưng “chúng vẫn chia sẻ tới 50% gen giống với con người”, theo chia sẻ của tiến sĩ Nathaniel Szewczyk thuộc Đại học Nottingham (Anh).
Việc sinh sản thành công của những con giun tròn mở ra hy vọng cho con người có khả năng khai phá và chinh phục vũ trụ. Điều đó đặc biệt có ý nghĩa nếu một thảm họa xảy ra với Trái đất, buộc chúng ta phải rời khỏi hành tinh xanh.