Những địa ngục trần gian ở Đông Nam Á
Trên thế giới, đa phần người bị buôn bán là ở khu vực Đông Nam Á, và khoảng một nửa trong số đó bị ép làm các công việc sex.
Khoảng 1,4 triệu người người bị buôn bán là ở Đông Nam Á |
Những gì xảy ra tiếp theo thì hầu như họ không bao giờ có thể hình dung ra.
Giấy tờ tùy thân của các phụ nữ này đều bị các tay buôn người giữ, và nói rằng mọi chi phí ăn ở và đi lại đều do chúng chi trả. Do đó, tất cả những ngời phụ nữ này đều bị buộc làm các công việc sex.
Theo thống kê, khoảng 1,4 triệu người (khoảng 56%) người bị buôn bán là ở Đông Nam Á (Nguồn: Sáng kiến Toàn cầu của LHQ về đấu tranh chống nạn buôn người – UN. GIFT)
Đa phần nạn nhân đều trong độ tuổi từ 18-24. 98% số người bị ép làm các công việc sex là phụ nữ và bé gái. Buôn người vì mục đích tình dục là dạng phổ biến nhất trong các dạng buôn người tại khu vực này. UN.GIFT phát hiện ra rằng “làn sóng di dời do các xung đột, thất nghiệp và nghèo đói” đều góp phần khiến cho họ dễ bị rơi vào tay bọn buôn người hơn.
Tại nhiều quốc gia Đông Nam Á, cha mẹ thường kỳ vọng con gái mang nhiều tiền về cho gia đình, và đôi khi họ không quan tâm tới việc kiếm tiền bằng cách nào.
Địa ngục tinh thần và thể chất
Phụ nữ bị buôn bán vào các nhà chứa thường bị ép phải tiếp 15 khách mỗi đêm – và ở mọi nơi, họ không được phép từ chối các “khách” tiềm năng vì bất cứ lý do nào.
Rất nhiều trong số họ trở nên nghiện ma túy để có thể tiếp tục các công việc của mình. Điều này cũng có nghĩa là số tiền mà họ nhận được từ các chủ câu lạc bộ sẽ bị chia làm các phần khác nhau, trong đó có phần chi trả cho ma túy và phần còn lại cho thức ăn, quần áo. Như vậy, họ không được hưởng gì từ nền “công nghiệp” này.
“Liza” là một nạn nhân bị bán làm nô lệ tình dục tại Philippines kể lại: một đêm, chủ câu lạc bộ ép cô phải nhảy trên sàn dù cho cô vừa mới từ bệnh viện về và bị băng huyết (sảy thai).
“Đêm đó có một doanh nhân người Trung Quốc tại câu lạc bộ. Ông ta là bạn của chủ câu lạc bộ và nói rằng ông ấy muốn tôi trở thành bạn gái chỉ của riêng ông ấy. Tôi được đưa tới căn hộ của ông ta và bị còng tay vào ghế” – Liza kể.
“Ông ấy biến tôi thành nô lệ của ông. Cuối cùng thì tôi cũng có thể khiến ông ấy tin tưởng và sau đó thả còng tay. Đó cũng là lúc tôi có thể chạy trốn” – Liza nói tiếp.
“Các nạn nhân của buôn người cho hoạt động tình dục thường bị tra tấn về thể chất cũng như tinh thần. Những kẻ buôn lậu sẽ đe dọa họ rằng chúng sẽ giết cả gia đình của họ nếu họ không làm việc” – Aimee Torres, chủ tịch và cũng là người sáng lập ra Quỹ Majestic Dreams nói.
Tất cả những phụ nữ này đều có sức khỏe rất kém do tình trạng lạm dụng tình dục và thể chất, cũng như tình cảm, đời sống vật chất tồi tàn và ma túy. Những nguy cơ lây nhiễm các bệnh tình dục và thai sản phụ thuộc vào độ tuổi và mức độ bóc lột.
Con số người (trưởng thành) làm các công việc về sex vào khoảng 70.000 người (dựa trên một báo cáo do Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện). Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ tin rằng con số này phải trên 300.000 người.
Những đứa trẻ bị bóc lột
Cũng trong báo cáo đó ước tính có khoảng 60.000 trẻ em liên quan tới nạn mại dâm tại Thái Lan. Tuy nhiên, rất khó có con số chính xác bởi vì loại hình kinh doanh này thường diễn ra trong thế giới “ngầm” và có bản chất “kín đáo”.
Theo lời của Patchareeboon Sakulpitakphon – nhân viên chương trình “Chấm dứt nạn mại dâm trẻ em, khiêu dâm trẻ em và buôn lậu trẻ em vì các mục đích tình dục” (ECPAT), nạn bóc lột trẻ em ngày càng diễn ra bí mật hơn, điều này khiến cho việc đấu tranh chống lại nạn lạm dụng trẻ em trở nên khó khăn hơn,
“Hiện nay, trẻ em có xu hướng bị chuyển thẳng tới những người lạm dụng tại các khách sạn thông qua một thỏa thuận được sắp đặt trước, có thể là do nhân viên của các cơ sở giải trí” – Sakulpitakphon giải thích.
Trẻ em sa chân vào công việc này thường vì rất nhiều lý do khác nhau; một trong những nguyên nhân phổ biến nhất là bị bắt cóc. Hoặc họ có thể bị ép làm các công việc tình dục “nếu như họ có nghĩa vụ phải hỗ trợ cho gia đình về mặt tài chính… Trong khi những tên buôn lậu kiếm bộn tiền nhờ việc buôn bán trẻ em thì lũ trẻ hầu như chẳng nhận được gì” – Sakulpitakphon nói.
Đường về
Khi Liza trốn khỏi hang cọp, cô vẫn không từ bỏ công việc trong thế giới sex. Cô chuyển từ câu lạc bộ này sang câu lạc bộ khác. “Tôi không nghĩ là mình còn có thể trở về Iligan (quê của cô) sau tất cả những gì đã xảy ra” – Liza giải thích.
Trong suốt thời gian này, Liza đã tìm hiểu về Liên hiệp chống buôn bán phụ nữ tại châu Á – Thái Bình Dương và đã nhận được sự trợ giúp và tư vấn. Việc này đã giúp cô hình thành nên một liên hiệp mới có tên Bagon Kamalayan [“Nhận thức mới”] với những phụ nữ là nạn nhân của buôn người để làm các công việc về sex.
“Tôi rất vui vì tôi có thể giúp đỡ những phụ nữ khác, trong khi trước đó tôi thậm chí còn không thể tự cứu mình” – Liza nói.
Giống như những tổ chức làm việc với các nạn nhân của nạn “buôn lậu tình dục”, CATW-AP tập trung vào “việc khuyến khích các nạn nhân… việc tập trung này sẽ chủ yếu là chữa trị và hỗ trợ họ tự thu vén cuộc sống” – Giám đốc điều hành Jean Enriquez cho biết. “Chúng tôi tập trung vào một bối cảnh rộng lớn hơn của vấn đề buôn người. Chúng tôi giúp đào tạo cho các nạn nhân, do đó họ có thể là những thủ lĩnh tốt hơn và chủ trương chống lại tận gốc vấn đề – đó là thất nghiệp, tình dục hóa phụ nữ và sức mạnh của nam giới đối với phụ nữ trong xã hội”.
Các chương trình như vậy có vai trò then chốt trong việc giúp những nạn nhân không bị sa chân trở lại lối cũ, hoặc quyết định không rời khỏi môi trường cũ.
“Rất nhiều phụ nữ và trẻ em trở lại các nhà chứa bởi vì nhiều chương trình chỉ cung cấp các kiến thức cơ bản và kỹ năng nghề nghiệp – chẳng hạn như trở thành người giúp việc. Và rồi bạn nghĩ về nó… bạn có thể sẽ nói rằng bạn có thể là một gái điếm hoặc một dạng tôi tớ khác” – Torres giải thích.
Tomica Baquet – phó chủ tịch của Quỹ Majestic Dreams – nói: “Một vấn đề khác cần phải nói tới đó là số lượng việc làm có sẵn cho họ… Họ phải chắc chắn rằng họ có một lựa chọn khác”.
(Theo vietnamnet)