Những phong tục kỳ quặc nhất quả đất
Ở nhiều nơi trên trái đất vẫn còn những phong tục kỳ quặc như phụ nữ của bộ tộc Dani ở Indonesia thường chặt đứt đốt tay để thể hiện sự thương tiếc với những người thân qua đời hay làm xấu cô dâu tương lai trước khi cưới ở Scotland.
Đập vỡ chén đĩa trước khi cưới ở Đức
Ở Đức có một phong tục rất kỳ lạ. Trước khi cưới, gia đình, họ hàng, bạn bè của cô dâu, chú rể có tổ chức một bữa tiệc. Tại đây, những người thân của cô dâu chú rể tha hồ đập đĩa bát, vứt giấy bừa bãi, ngoại trừ việc đập gương và kính. Sau đó, cô dâu và chú rể sẽ đích thân dọn dẹp. Theo người Đức, việc này sẽ chuẩn bị tư tưởng cho cô dâu chú rể sẵn sàng cuộc sống chung, cùng nhau vượt qua gian nan thử thách.
Buffet cho khỉ
Một bữa đại tiệc cho khoảng 2.000 chú khỉ thường được tổ chức linh đình tại đền ở tỉnh Lopburi, cách bắc Bangkok (Thái Lan) khoảng 150 km. Tại đây, khoảng 4.000 kg hoa quả được chuẩn bị và bày sẵn để các quý khách khỉ chỉ việc chọn đồ ăn yêu thích. Những chú khỉ tha hồ đánh chén no say tùy theo khả năng.
Nhăn mặt ở Anh
Đây là một tục lệ truyền thống ở Anh từ năm 1267. Đã có nhiều cuộc thi về tục lệ này, điển hình như cuộc thi Nhăn mặt quốc tế được tổ chức tại Egremont (Anh). Rất nhiều người đã đăng ký cuộc thi này và tất cả đều cố làm trò sao cho khuôn mặt mình nhăn nhó nhất. Với một người có nhiều kinh nghiệm để chiến thắng trong các cuộc thi nhăn mặt, Peter Jackman đã hi sinh nhổ gần hết hàm răng của mình từ năm 2000 và chiến thắng trong nhiều cuộc thi nhăn mặt được tổ chức trong nước.
Lạc đà đấu vật
Tại Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên có những cuộc đấu vật của các đấu sĩ lạc đà. Cụ thể như hội đấu lạc đà Selcuk diễn ra thường niên, thu hút khoảng 20.000 người tới xem. Các đấu sĩ lạc đà cao tới 2 mét, nặng khoảng 500 kg sẽ được chọn làm các đấu sĩ. Mỗi trận đấu kéo dài khoảng 10 phút, 2 đấu sĩ vật lộn với nhau. Tuy nhiên, trước trận đấu, lạc đà đã được bịt miệng để không gây thương tích cho đối thủ. Những trận đấu này thường không khiến kẻ thua trận tử vong, khi thua trận lạc đà sẽ tìm cách chạy trốn vào đám đông khiến đám đông chạy tán loạn.
Tục đấu lạc đà này còn diễn ra ở một số nước khách như Iran, Afghanistan, Azerbaijan…
Làm xấu cô dâu
Đó là một truyền thống lâu đời ở Scotland. Cô dâu tương lai sẽ bị bạn bè vấy bẩn lên người bằng cách ném trứng thối, sữa thiu, lông động vật… vào người. Sau đó, cô dâu sẽ dạo quanh thị trấn để mọi người “chiêm ngưỡng”. Mục đích của tục lệ này là để chuẩn bị tinh thần cho cô dâu trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân và rằng tất cả những điều trên không có gì là quá ghê gớm, hoàn toàn có thể vượt qua trong cuộc sống vợ chồng.
Tượng Caganers
Tượng Caganers là tượng một người đang trong tư thế ngồi thải chất thải ra ngoài cơ thể, trên đầu đội mũ đỏ giống ông già Noel, tay kéo quần xuống gối, ở giữa 2 gót chân là “phế thải”. Đây là bức tượng thường được đặt cùng với Đức mẹ đồng trinh, chúa Jesus để đón chào Noel và là phong tục lâu đời ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italy. Pho tượng là biểu tượng quyền bình đẳng của con người. Ngày nay, Caganers được thay thế bằng tượng của các nhân vật nổi tiếng như các chính trị gia, ngôi sao điện ảnh, ngôi sao thể thao…
Tục bó chân ở Trung Quốc
Tục bó chân ở Trung Quốc kéo dài hàng nghìn năm ở đất nước này, những phụ nữ Trung Quốc sẽ phải cắn răng chịu đau để bó bàn chân lại để chân không bị to. Theo người Trung Quốc, việc bó chân đối với phụ nữ sẽ khiến bàn chân của họ bé xíu lại nên không thể dễ dàng rời khỏi nhà để có cơ hội “theo trai”.
Quá trình bó chân khiến người phụ nữ rất đau đớn. Các bé gái mới 4 đến 7 tuổi đã bị bó chân. Theo người Trung Quốc, ở giai đoạn này khung xương chân của các bé gái chưa phát triển và bó chân ở thời điểm này sẽ dễ dàng hơn. Bàn chân của bé sẽ được ngâm trong lá dược thảo và máu động vật ấm để ngăn ngừa hoại tử. Các bé gái được cắt móng chân càng sâu càng tốt để tránh nhiễm trùng sau này. Sau đó, bàn chân của bé gái sẽ bị bẻ gẫy và cuộc gọn vào trong dải lụa ướt, nén chặt đến kiệt nước. Quá trình này rất đau đớn nhưng tục lệ này đã kéo dài hàng nghìn năm ở Trung Quốc. Đến nay, tập tục này không còn tồn tại nữa.
Tục cắt ngón tay cái của bộ tộc Dani ở Indonesia
Sẽ không lấy gì là ngạc nhiên khi du khách tới bộ tộc Dani cư trú ở đảo New Guinea (Indonesia) đều bị khuyết các đốt ngón tay. Đó là tập tục lâu đời của bộ tộc này, chặt đứt những ngón tay chính là cách thể hiện sự thương tiếc đối với những người thân đã khuất của phụ nữ bộ tộc Dani.
Đảo New Guinea là nơi hẻo lánh của đất nước Indonesia. Khu vực này dường như ngủ yên và bị chìm vào quên lãng trước sự phát triển của cuộc sống thời hiện đại. Bởi vậy ở đây vẫn còn tồn tại hủ tục rợn người, hàng ngày những đốt tay của phụ nữ Dani vẫn bị chặt đi để thể hiện lòng tôn kính với tổ tiên và lòng tiếc thương với những người thân đã khuất.
Việc chặt ngón tay khiến những người phụ nữ Dani rất đau đớn. Ở cái vùng xa xôi hẻo lánh ấy, họ dùng hòn đá có cạnh sắc để cắt đứt ngón tay. Việc nhiễm trùng hay lở loét thường xuyên xảy ra vì họ phải tiếp xúc với đất bẩn trong cuộc sống hàng ngày.
Tập tục cấm tắm sau khi cưới
Đó là tập tục kỳ quặc của tộc người Tidong ở phía bắc Borneo. Trong vòng 3 ngày, 3 đêm sau khi cưới, cô dâu chú rể tuyệt đối không được tắm rửa gì hết. Những người thuộc tộc người Tidong này tin rằng như vậy sẽ mang lại may mắn và hạnh phúc bền lâu cho cặp vợ chồng. Việc cấm đi vào nhà tắm cũng đồng nghĩa với việc cặp vợ chồng mới chỉ được ăn và uống rất ít. Các thành viên trong gia đình sẽ đặc biệt “chăm sóc” rất kỹ đôi tân lang tân nương để khỏi xảy ra chuyện phạm quy.
Tục đeo đĩa vào môi của phụ nữ Ethiopia
Những phụ nữ thuộc bộ tộc Mursi ở miền Nam Ethiopia, gần biên giới với Sudan có tục đeo đĩa vào môi rất kỳ quặc. Khi ở tầm tuổi 15 đến 16, các teen nữ của bộ tộc này sẽ được các bà mẹ dùng đĩa lớn để gang rộng 2 vành môi sao cho có thể đặt vừa chiếc đĩa vào môi. Những chiếc đĩa đặt trên môi thường làm bằng gỗ hoặc sứ. Với những người phụ nữ ở đây, chiếc đĩa trên môi càng to thì họ càng đẹp.
Tục đục răng của phụ nữ Mentawai ở Indonesia
Bộ tộc Mentawai nằm ở tỉnh Tây Sumatra, Indonesia. Ở đây có một phong tục rất kỳ lạ là phụ nữ thường đục răng và họ coi đây là một hình thức làm đẹp. Kết quả là răng của phụ nữ ở đây sắc và nhọn đến kỳ quặc.
Để có được những chiếc răng sắc nhọn ấy, phụ nữ của bộ tộc Mentawai đã trải qua quá trình đục răng rất đau đớn. Họ sẽ được một pháp sư dùng chiếc đục sắc để đục răng mà không hề có bất kỳ sự can thiệp y học nào.
Theo Bưu Điện Việt Nam