9 tòa nhà lâu đời và đẹp nhất Paris
Paris không những là thành phố xinh đẹp mà còn là thủ đô lịch sử. Điểm thu hút của nơi đây không chỉ có thời trang, thực phẩm mà còn cả văn hóa, nổi bật là các kiến trúc cổ kính. Dưới đây là 9 tòa nhà lâu đời và đẹp nhất Kinh đô ánh sáng.
1. Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris)
Được hình thành từ lâu trong lịch sử Paris, nhà thờ Gothic tuyệt đẹp này được xây dựng vào năm 1163 và mất hơn 100 năm mới hoàn thành. Điều độc đáo về việc xây dựng công trình này là sự tham gia của Giáo hội Công giáo và toàn thể người dân Paris với tiền của, nhân lực hay tri thức.
Maurice de Sully là giám mục của Paris vào năm 1160 và ông quan tâm đến Nhà thờ Đức Bà. Ông muốn tôn kính bà Maria, vì vậy đã đặt tên nó là Notre Dame de Paris, dịch ra là Nhà thờ Đức Bà Paris. Kể từ khi được xây dựng, nhà thờ Công giáo đã trở thành một trong những địa danh nổi tiếng được yêu thích nhất của Paris.
2. La Sainte-Chapelle
Người ta không biết tòa nhà xinh đẹp này được xây dựng khi nào nhưng các nhà sử học tin rằng nó được hoàn thành vào năm 1248. Nhà thờ Công giáo này được chia thành 2 tầng, tầng dưới là nhà nguyện và tầng trên là nơi lưu giữ các di tích của hoàng gia. La Sainte-Chapelle không chỉ được xây dựng với mục đích tôn giáo mà còn vì lý do chính trị.
Từ lúc được xây dựng đến nay, La Sainte-Chapelle đã trải qua 2 vụ cháy, một lần ngập úng và cuộc cách mạng Pháp. Trong cuộc cách mạng, những đồ trang trí bên ngoài cùng tất cả mọi thứ bên trong Giáo Hội, thứ đại diện cho sự sung túc và hoàng gia, đã bị phá hủy. Ngày nay, di tích này nổi tiếng với kính màu tuyệt đẹp.
3. La Sorbonne
La Sorbonne là một trong những trường đại học lâu đời nhất và được tôn kính nhất châu Âu. Robert de Sorbon đã thành lập nó vào năm 1257. Khi mở cửa lần đầu tiên, trường đại học này chỉ chuyên dụng cho thần học. Vào thời Trung Cổ, nơi đây chỉ thu nhận các tu sĩ, nhà luật học và thần học Do Thái và những người đến từ Giáo Hội Công Giáo.
4. Ngôi nhà số 51 đường Montmorency
Đây là ngôi nhà lâu đời nhất Paris được xây dựng vào năm 1407, đến nay nó được sử dụng làm nhà hàng. Con đường trước căn nhà được đặt tên Montmorency vào năm 1768 chịu ảnh hưởng của gia đình Montmorency. Đó là gia đình có ý nghĩa lịch sử: Anne Montmorency được biết đến là một người lính Pháp, Duke Francois de Montmorency đã bị nhốt trong pháo đài La Bastille 1 năm vì bị buộc tội tham nhũng chính trị và Henry de Montmorency bị xử chém.
5. La Conciergerie (Palais de la Cité)
Nằm ở phí Tây đảo Île de la Cité thuộc sông Seine, Quận 1 thành phố Paris, La Conciergerie được xây dựng vào thế kỷ thứ 14. Tòa nhà được xây dựng theo kiểu Gothic và được xem là một trong những ví dụ đầu tiên của loại kiến trúc này.
Ban đầu La Conciergerie là một phần của cung điện hoàng gia. Tuy nhiên trong cuộc cách mạng Pháp, nó đã trở thành nhà tù. Các phạm nhân bị giam tại đây trước khi bị đưa đi xử chém. Một tòa án cũng được đặt ở tầng 2 của La Conciergerie trong cuộc cách mạng. Theo một số tài liệu, hơn 2.000 phạm nhân đã bị đưa ra khỏi đây đến máy chém.
Nhà tù này là nơi rất quan trọng vì nhiều nhân vật lịch sử Pháp đã bị giam ở đây trước khi bị chém đầu. Ví dụ, Marie Antoinette, Maximilien Robespierre (người đứng đầu ban đầu của tòa án cách mạng) và Napoleon III.
6. Cung điện Luxembourg
Cung điện này được xây dựng năm 1615 bởi Vương hậu nước Pháp thời bầy giờ là Marie de Médicis và một kiến trúc sư tên là Salomon de Brosse và hoàn thành năm 1631. Rất nhiều người đã sống tại đây, đầu tiên là Marie de Médicis cho đến khi con trai là vua Louis XIII buộc bà rời đi, sau đó đến Gaston d’Orléans cùng vợ và con gái của ông. Danh sách này rất dài, và trong thực tế người ta nói rằng Cung điện được người chủ trước đó tặng cho mỗi cư dân kế tiếp.
Trong cuộc cách mạng Pháp, Cung điện Luxembourg cũng có chung số phận với dinh thự Conciergerie trở thành một nhà tù. Tới năm 1799 thì cung điện được chuyển cho Thượng nghị viện. Từ khi được xây dựng đến nay, tòa nhà này đã trải qua nhiều thay đổi, đặc biệt là bên trong để nâng cao chính trị trong quá khứ. Vào những ngày đầu, xung quanh cung điện có một công viên xinh đẹp.
7. Ngôi nhà số 3 đường Volta
Cho đến cuối những năm 1970, ngôi nhà này đã được xem là cổ nhất ở Paris. Ngôi nhà nổi tiếng này được giả định là xây dựng vào thế kỷ thứ 14, nhưng một số nghiên cứu khảo cổ học đã phát hiện ra những tài liệu chứng minh nó thực sự được xây dựng vào năm 1644, và cho thấy nó là bản sao của một ngôi nhà thời Trung Cổ được xây dựng cho một người Pháp giàu có.
Tuy nhiên, ngôi nhà số 3 đường Volta vẫn được xem là di sản quan trọng và được người Pháp yêu quý rất nhiều. Nó đã được cứu vào năm 1914 khi chiến tranh bắt đầu. Ngày nay, một nhà hàng Trung Quốc với những căn hộ phía trên đã choán mất cấu trúc xinh đẹp này.
8. Điện Invalides
Điện Invalides ban đầu là bệnh viện dành cho các thương bệnh binh của quân đội hoàng gia, gồm 3 khu là bệnh viên, nhà thờ và mái vòm. Ngày nay, tòa nhà này là một bảo tàng chiến tranh. Vua Louis XIV đã cho xây dựng bệnh viện này vào năm 1670. Tòa nhà phức hợp này mở cửa vào năm 1675 với 15 sân, cách sông 196m.
Nhà thờ và mói vòm được xem là “khách sạn” cho các binh lính chữa lành vết thương, những người muốn sống một cuộc sống yên bình. Trong suốt thế kỷ 17, Điện Invalides đã tiếp nhận hơn 4.000 binh sĩ bị thương.
9. Khải hoàn môn hay Bắc đẩu Khải hoàn môn
Đây có lẽ là một trong những di tích nổi tiếng nhất tại Paris sau tháp Eiffel. Napoleon đã cho xây dựng Khải hoàn môn vào giữa năm 1806 – 1836, nhưng do sự thay đổi chính trị nên kế hoạch ban đầu đã thay đổi liên tục. Tuy nhiên, kết quả vẫn khá ấn tượng.
Khung vòm đại diện cho quyền lực và thống nhất đất nước, và phấn đấu để vinh danh những người đã chiến đấu cho Pháp, đặc biệt là trong thời chiến tranh Napoleon, vì thế kiến trúc này được đặt tên là Khải hoàn môn.
Hai bên và phía trên của khung vòm được khắc tên của các vị tướng và những người lính chiến đấu trong chiến tranh. Bên dưới là “Mộ chiến sĩ vô danh”, trong đó chứa hài cốt của một người lính chiến đấu trong Thế chiến I, khiến Khải hoàn môn trở thành một tượng đài yêu nước.
Iris, theo Culture Trip