Eurozone đối mặt với khủng hoảng hệ thống
Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang phải đối mặt với cuộc “khủng hoảng mang tính hệ thống”.
Trong cuộc họp của Nghị viện châu Âu tại Strasbourg (Đức) mới đây, ông Jose Manuel Barroso kêu gọi cần phải có những biện pháp mạnh hơn nữa để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công.
“Nếu chúng ta không tăng cường hợp tác, hội nhập và cả kỷ luật thì chúng ta sẽ khó duy trì được khu vực đồng tiền chung này”, ông Barroso nhấn mạnh.
Bình luận này của ông được đưa ra sau khi các số liệu về lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao 3%.
Theo cơ quan thống kê châu Âu, trong tháng 10, tỷ lệ lạm phát của 17 nước thành viên trong khu vực vẫn không đổi so với tháng trước đó do giá năng lượng vẫn cao. Tỷ lệ này cao hơn so với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, tỷ lệ này sẽ giảm trong những tháng tới.
Ông Barroso cũng khuyến cáo rằng tỷ lệ tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ vẫn ở mức thấp và tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức khoảng 10% trong 2 năm tới.
Số liệu chính thức công bố hôm thứ 3 vừa qua cho hay, tỷ lệ tăng trưởng của toàn khu vực trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 chỉ tăng 0,2% so với quý 2/2011.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu cũng khẳng định rằng, sự hợp tác chặt chẽ về mặt tài chính giữa các thành viên trong khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ không gia tăng bất lợi cho 10 nước thành viên còn lại. “Tăng cường sự thống trị của đồng Euro cũng là củng cố khối liên minh của chúng ta”, ông nhấn mạnh.
Đề cập đến 10 nước châu Âu khác nhưng không nằm trong đồng tiền chung châu Âu, ông cho rằng, hầu hết các nước này cũng đang có thiên hướng gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Các nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu phải đồng lòng cùng nhau giải quyết vấn đề nợ nần bằng cách mà ông gọi là “trái phiếu ổn định” hay những gì mà thị trường gọi là trái phiếu của đồng euro.
“Những trái phiếu như vậy, nếu được thiết kế tốt, thì sẽ tăng cường ổn định tài chính và kỷ luật tài chính trong khu vực”, ông nói.
Tuy nhiên, Đức là nước có tỷ lệ nợ thấp nhất trong khu vực lại cực lực phản đối bất kỳ giải pháp nào khiến cho món nợ riêng trở thành món nợ chung của khu vực. Ủy ban Châu Âu dự kiến sẽ công bố kế hoạch phát hành trái phiếu vào cuối tháng này.
Trong khi lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu hầu như không đổi thì vẫn có sự cách biệt lớn giữa các nước thành viên. Cộng hòa Ireland có mức lạm phát thấp nhất ở 1,1%, trong khi đó Pháp là 2,5%. Estonia, Slovakia và Hà Lan lại có mức lạm phát cao nhất khoảng 4% hoặc hơn.
Số liệu của cơ quan thống kê châu Âu cũng chỉ ra rằng tỷ lệ lạm phát trung bình của 27 quốc gia châu Âu cũng ở mức 3,4%, trong đó cao nhất là Anh với 5%.
Một trong những thủ phạm chính khiến lạm phát gia tăng đằng sau việc giá cả gia tăng, là giá dầu, nhiên liệu và giá vận tải tăng ở mức 5,8%. Chỉ khi nào giá nhiên liệu đi xuống thì lạm phát của khu vực eurozone mới về mức 2%.
Trước đó, hôm 3/11, Ngân hàng ECB cũng đã hạ lãi suất trong khu vực đồng tiền chung châu Âu từ mức 1,5% xuống còn 1,25%.
Vào thời điểm đó, tân chủ tịch ECB ông Mario Draghi cũng phát biểu trước báo giới rằng tăng trưởng kinh tế của khu vực có thể vẫn còn yếu và khối này đang phải đối mặt với một “môi trường không chắc chắn cao” để giải quyết cuộc khủng hoảng trong các thị trường tài chính.
Howard Archer, chuyên gia kinh tế trưởng về khu vực châu Âu và Anh của Tổ chức IHS Global Insight lại hy vọng ECB sẽ hành động để vực dậy nền kinh tế trong quý 4/2011 bằng cách cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm phần trăm xuống còn 1% trong hai tháng tới.
Nhật Anh
Theo BBC