Biểu tình phản đối cuộc thi Hoa hậu Thế giới
Còn nhớ, vào năm 1970, một cuộc biểu tình phản đối cuộc thi Hoa hậu Thế giới đã diễn ra với sự tham gia của đông đảo chị em phụ nữ. Năm nay, khi cuộc thi nhan sắc này đến Anh, những người từng tham gia phong trào này đã tuyên bố một cuộc biểu tình mới sẽ diễn ra.
“Các vị nghĩ rằng, sau 40 năm, mọi chuyện sẽ thay đổi ư?”, Jo Robinson (70 tuổi) – một người tham gia biểu tình đã nói như vậy khi đang cầm trên tay biểu ngữ và ngọn cờ phản đối cuộc thi. Bà Jo Robinson từng tham gia biểu tình chống lại cuộc Hoa hậu Thế giới năm 1970 và giờ đây, bà lại tiếp tục hoạt động phản đối cuộc thi nhan sắc này.
“Hãy xem chuyện gì đang diễn ra nhé. Xã hội này mong đợi gì từ những cô gái trẻ. Có quá nhiều áp lực đè lên họ. Tôi tô son điểm phấn, tôi muốn mình lúc nào trông cũng thật xinh đẹp. Nhưng tới mức độ phải phẫu thuật thẩm mỹ thì có đáng không”, bà Jo chia sẻ.
Người phụ nữ 70 tuổi này là một trong 100 người tham gia biểu tình bên ngoài địa điểm tổ chức đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới năm 2011. Bà cũng là một trong số 7 người phụ nữ từng tham gia biểu tình chống lại cuộc thi này 41 năm trước.
Gần 100 phụ nữ đứng bên ngoài địa điểm tổ chức đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2011 để phản đối.
Cuộc thi Hoa hậu Thế giới năm 2011 cũng là dịp kỷ niệm 60 năm kể từ ngày cuộc thi này ra đời với chiến thắng thuộc về người đẹp 22 tuổi đến từ Venezula – Ivian Sarcos. Đêm chung kết đã diễn ra vào rạng sáng ngày hôm nay 7/11 (giờ Việt nam).
Sue Finch, một phụ nữ khác cũng tham gia biểu tình, thì bày tỏ sự “tức giận, phẫn nộ, thất vọng” khi cuộc thi Hoa hậu Thế giới được tổ chức tại London. “Chúng tôi từng nghĩ mình có thể dừng cuộc thi này lại nhưng không được. Nó đã trở lại và tệ hơn cả 40 năm trước. Ngành công nghiệp sắc đẹp ngày một phát triển”, bà Sue nói.
Một số người tham gia cuộc biểu tình đã có hành động quá khích và bị bắt. Trong số đó có bà Jo Robinson. Sau khi được thả, bà tiếp tục cuộc biểu tình tại một câu lạc bộ đêm nơi các thí sinh của Hoa hậu Thế giới 2011 đang vui vẻ sau đêm chung kết. Bà thậm chí đã ném bom cay từ bên ngoài câu lạc bộ này. Bà đã bị cảnh sát bắt và sẽ phải ra hầu tòa trong thời gian tới.
Tân hoa hậu thế giới Ivian Sarcos
Những người phụ nữ tham gia cuộc biểu tình đã bị phạt khoảng 100 bảng Anh mỗi người. Khác với suy nghĩ của những người phụ nữ tham gia biểu tình chống lại cuộc thi Hoa hậu Thế giới, nhiều phụ nữ vẫn tin tưởng rằng, cuộc thi sắc đẹp lớn nhất hành tinh này là một sự kiện đáng nói trong năm và là nơi tôn vinh nhan sắc của phái yếu.
Amber Greasley – đại diện của Úc tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới năm 2011 chia sẻ: “Chúng tôi đã luyện tập rất chăm chỉ và nỗ lực hết mình để có thể tỏa sáng và xinh đẹp trong phần thi áo tắm”. Còn người đẹp Sierra Leone thì khẳng định: “Chúng tôi đến đây với niềm tự hào của quê hương mình”.
Những cuộc biểu tình chống cuộc thi Hoa hậu Thế giới trong lịch sử Năm 1974: Người đẹp Helen Morgan của Anh đã bị buộc phải từ bỏ vương miện bốn ngày sau khi đăng quang sau khi bị phát hiện có con ngoài giá thú. Năm 1996: Một người đàn ông Ấn Độ đã tự thiêu bên ngoài địa điểm tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới ở Bangalore. Năm 2002: Một vài quốc gia đã biểu tình phản đối khi cuộc thi Hoa hậu Thế giới được tổ chức tại Negeria sau khi chứng kiến một phụ nữ bị ném đá tới chết vì tội ngoại tình. |
Mi Vân
Theo Independent