800 dặm tốc hành: Dịch vụ chuyển phát nhanh thời cổ đại, thổ phỉ không dám cướp
Thời cổ đại để vận chuyển hàng hóa và truyền đi các loại tin tức, người ta có nhiều phương thức khác nhau phân theo mức độ cấp thiết của kiện hàng, trong đó có một loại gọi là “Bát bách lý gia cấp” (tám trăm dặm tốc hành), khi thổ phỉ gặp loại vận chuyển này sẽ không dám mạo hiểm cướp bóc.
Thời xưa không có phương tiện giao thông phát triển, mọi người nếu muốn ra ngoài thì ngoại trừ dùng ngựa, chỉ có thể đi bộ; muốn truyền tin tức kịp thời cần phải dùng hết tốc độ mà chạy thật nhanh. Câu nói “Bát bách lý gia cấp” cũng chính vì vậy mà ra đời.
Trong truyện Thủy Hử có một nhân vật được mô tả như sau: “Đôi chân cường tráng đuổi kịp thiên lý mã, quần áo thường xuyên bám bụi, thuật Thần Hành Thái Bảo quả thật hiếm thấy, đoạn đường 800 dặm, đi từ sáng đến chiều đã trở về”. Ông chính là Thần Hành Thái Bảo – Đới Tung. Đây là nhân vật phụ trách vận chuyển các văn kiện quan trọng cho nghĩa quân Lưu Sơn, tốc độ chạy của ông có thể nói là hàng cao thủ trong “Bát bách lý gia cấp”.
Vào thời cổ đại, khi có việc khẩn cấp cần đưa tin thì mới được dùng “Bát bách lý gia cấp”, mới nghe thôi đã cảm thấy rất nhanh rồi. Quy định sử dụng “Bát bách lý gia cấp” là chạy 300km một ngày. Thuở xưa, thổ phỉ thường hay đánh chặn những người làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa trên đường, nhưng từ trước đến nay đều không dám cướp “Bát bách lý gia cấp”.
Tại sao lại như vậy? Là bởi vì quanh thắt lưng của người đưa “Bát bách lý gia cấp” có buộc một vật rất đặc biệt, chỉ vào tình huống vô cùng khẩn cấp, ví như ý chỉ của hoàng đế hoặc đại sự theo lệnh của quan thì mới có thể dùng “Bát bách lý gia cấp”. Trong lịch sử có ghi chép sự kiện Đồng Trị đế vì muốn giết An Đức Hải, lo sợ Từ Hy thái hậu biết chuyện sẽ ngăn cản nên đã dùng “Bát bách lý gia cấp” để truyền đi thánh chỉ của mình.
Thật ra, trên đường đi, có nhiều hơn một người làm nhiệm vụ truyền chiếu chỉ của triều đình. Bởi vì vào thời cổ đại, việc truyền tin và thư tín phần lớn đều là dùng người điều khiển ngựa nên thường sẽ có các dịch trạm (trạm dừng chân) trên đường vận chuyển, người cưỡi ngựa sẽ dừng lại khi đến dịch trạm. Hơn nữa, những bức thư họ truyền đi đều có ghi dòng chữ “Trao ngay lập tức”. Thường họ sẽ đổi người và ngựa khác sau khi đến dịch trạm để tiếp tục lên đường, như thế mới có thể đảm bảo được tốc độ yêu cầu.
Để có thể đi nhanh hơn, người đưa tin sẽ buộc một lá cờ màu vàng quanh thắt lưng của mình, màu sắc vô cùng rõ ràng. Như vậy người của dịch trạm từ xa nhìn thấy lá cờ màu vàng ấy sẽ chuẩn bị sẵn sàng để lên đường. Lá cờ màu vàng này giúp họ thuận lợi di chuyển thông suốt trên đường. Hơn nữa, luật pháp thời xưa quy định người đưa “Bát bách lý gia cấp” được ban cho kim bài, hễ có người nào gây trở ngại trên đường sẽ bị xử tội chết. Kim bài do hoàng đế ban tặng, phàm là kẻ nào chống đối đều bị xử tử. Luật pháp thời đó thường rất nghiêm khắc, thổ phỉ tuyệt đối sẽ không mạo hiểm như thế.
Đồng thời, những tên cướp cũng biết rằng văn kiện được vận chuyển bằng “Bát bách lý gia cấp” sẽ không có vật quý giá, nên nếu cướp giữa đường sẽ bị giáng tội chém đầu, mất nhiều hơn được. Thổ phỉ khi ấy cũng có nguyên tắc riêng của mình, mặc dù ngày thường gây chuyện đánh cướp nhưng hễ là việc liên quan đến hoàng đế thì cũng dè chừng, tránh họa sát thân. Do vậy, “Bát bách lý gia cấp” là một phương thức truyền tin nhanh nhất.
Chuyện kể rằng năm đó Dương quý phi rất thích ăn vải, nhưng vì đường xá xa xôi, để ăn được vải tươi là việc rất khó. Vì vậy, Đường Huyền Tông liền hạ lệnh cho dùng “Bát bách lý gia cấp”, vung roi thúc ngựa cho người đem vải vận chuyển về triều, kết quả thu được vải tươi vẫn còn lá. Điều này đã khiến thi nhân Đỗ Mục tức giận hạ bút viết: “Nhất kỵ hồng trần phi tử tiếu, vô nhân tri thị lệ chi lai” (Tạm dịch: Ngựa trạm phi nhanh bốc lên những đám bụi hồng, nàng phi tử đang cười. Không ai biết rằng quả lệ chi đã về đến Trường An).
Thông qua hoạt động bưu dịch thời xưa sẽ truyền đi các loại tin tức trọng yếu, duy trì hòa bình, có thể nói bưu dịch đóng vai trò quan trọng không kém sự tồn tại của quân đội. Hoạt động bưu dịch của Trung Quốc trải qua nhiều đời cho đến triều đại nhà Thanh thì suy tàn, sau đó bị thay thế bằng ngành bưu chính hiện đại.
Mộc (Theo Sound Of Hope)