Sản phẩm lớn tiếp theo của Apple: TV Apple đa tính năng?
Ngày 24/10 (giờ Mỹ), cuốn tiểu sử về Steve Jobs của Walter Isaacson sẽ chính thức lên kệ. Cuốn sách dài 630 trang được tổng hợp từ những cuộc nói chuyện và phỏng vấn giữa tác giả và Steve trong suốt những năm qua.
Có thể nói Walter là người có cơ hội phỏng vấn Steve nhiều nhất, vì thường ngày vị CEO của Apple rất kín tiếng về những vấn đề mang tính riêng tư. Chính vì vậy, truyền thông thế giới những ngày này đang háo hức bàn luận về những gì được viết trong cuốn tiểu sử.
Tim Cook và Jonathan Ive, hai đồng sự đắc lực của Steve Jobs
Tài năng của Steve Jobs trong việc chèo lái Apple từ chỗ trên bờ vực phá sản trở lại vị trí dẫn đầu thị trường thì mọi người ai cũng biết. Tuy nhiên, quá trình vực dậy Apple của Steve có thể đã khó khăn hơn nhiều, nếu không có sự hỗ trợ từ hai đồng sự thân tín, Tim Cook và Jonathan Ive.
Tim Cook, một trong hai nhân vật thân tín nhất của Steve Jobs |
Steve chiêu mộ được Tim từ Compaq không lâu sau khi ông chính thức trở lại điều hành Apple. Tim lúc ấy có trong tay một bằng kỹ sư công nghiệp và một bằng MBA của đại học Duke. Khi gặp Tim, Steve thấy được một sự đồng điệu trong suy nghĩ “Tôi biết tôi muốn gì khi tôi gặp Tim, và ông ấy cũng vậy.”, Steve nói với Walter. Tại thời điểm đó, Steve muốn giảm lượng hàng tồn kho của Apple để hạn chế thiệt hại về tài chính. Vì thế, ông muốn xây dựng những nhà máy sản xuất linh hoạt, chỉ sản xuất sản phẩm khi có đơn đặt hàng. Tim đã đóng cửa 10 trong số 19 kho hàng của Apple, và đến năm 1998, Tim đã cắt giảm thời gian tồn kho trung bình từ 1 tháng xuống chỉ còn 6 ngày.
Về phần Tim, ông cũng chia sẻ những cảm nghĩ tương tự khi được hỏi về mối quan hệ với Steve Jobs. “Trực giác mách bảo tôi rằng gia nhập Apple là cơ hội có một không hai trong cuộc đời để được làm việc với một bộ óc sáng tạo thiên tài”, Tim nói. Ông cũng chẳng buồn bận tâm về ý kiến cho rằng Steve đã hưởng hết công lao của tập thể “một số người bày tỏ sự bực tức rằng Steve dành hết mọi vinh quang về mình, nhưng tôi thì chưa bao giờ quan tâm đến chuyện đó. Nói thật với anh, tôi thích tên của tôi đừng bao giờ xuất hiện trên báo”.
Tim Cook cũng chia sẻ với Walter kinh nghiệm của ông về những kỹ năng giao tiếp cần có khi làm việc với Steve. “Ngay từ rất sớm, tôi đã nhận ra rằng nếu bạn không bày tỏ ý kiến của mình, Steve sẽ gạt bỏ bạn ra ngoài ngay lập tức. Ông ấy thường đặt mình vào những vị trí khác nhau đề khơi mào cho các cuộc thảo luận, vì có khả năng chúng sẽ dẫn đến những kết quả tốt hơn. Vì thế, nếu bạn không cảm thấy thoải mái khi nói “không”, bạn sẽ không bao giờ tồn tại được ở đây”.
Steve thực sự tin tưởng Tim, ông đã nói với Walter về Tim như sau “tôi tin rằng Tim biết rõ những gì cần làm. Ông ấy có tầm nhìn giống tôi, chúng tôi có thể trao đổi với nhau những vấn đề mang tính chiến lược. Những lúc ấy, nếu không có Tim “đánh thức”, tôi rất dễ dàng quên đi mất nhiều thứ quan trọng”.
Bên cạnh Tim Cook, chỉ có một cái tên khác tại Apple là được Steve quý trọng vào hàng bậc nhất, đó là Jonathan Ive. Ở vai trò giám đốc thiết kế, Jonathan thường hay ăn trưa cùng Steve, và thảo luận với ông về thiết kế những sản phẩm mới. “Jonathan là người nắm rõ nhất những hoạt động cốt lõi của Apple. Nếu nói tôi có một người bạn tinh thần tại công ty, thì đó chính là Jony (tên thân mật của Jonathan Ive)”, Steve nói với Walter. Jonathan Ive chính là linh hồn của hàng loạt sản phẩm thành công của Apple trong những năm gần đây.
Các đối thủ lớn dưới cái nhìn của Steve
Apple là một tên tuổi lớn trên thị trường công nghệ thế giới, bên cạnh những cái tên khác cũng lớn không kém, điển hình như Google, Microsoft, HP…. Vì thế, rất nhiều người đã đặt câu hỏi: vậy Steve Jobs nghĩ gì về những đối thủ? Tác giả Walter đã tiết lộ một số nhận xét của Steve dành cho những nhân vật có máu mặt trong giới công nghệ.
Eric Schmidt: vị chủ tịch của Google có thể xem Steve là bạn, nhưng Steve thì không. Ông rất tức giận vì Google đã sao chép nhiều ý tưởng của iPhone để đưa lên hệ điều hành Android, và do đó ông ghét luôn cả Eric. “Google, các người đã ăn cắp ý tưởng của iPhone. Tôi sẽ sống chết đến hơi thở cuối cùng nếu cần thiết, và tôi sẽ dùng đến đồng xu cuối cùng trong số 40 tỷ USD Apple đang có trong ngân hàng để lấy lại sự công bằng. Tôi sẽ hủy diệt Android, vì đó là một sản phẩm ăn cắp”.
Larry Page: không căng thẳng như với Eric, đối với Larry, Steve thể hiện một thái độ gần giống như một người anh chỉ dẫn cậu em mới chập chững vào đời. “Hãy xác định xem Google muốn trở thành cái gì khi nó phát triển”. Một thời gian sau, Steve nói với Larry rằng những sản phẩm mà Google đang có “cũng được đấy, nhưng không thật sự nổi bật. Họ đang biến cậu trở thành một Microsoft thứ hai”. Chữ “họ” mà Steve dùng ở đây ám chỉ ai nhỉ, Eric chăng?
Steve Ballmer: bất chấp việc đang giữ trọng trách cao nhất tại hãng phần mềm nổi tiếng thế giới Microsoft, đối với Steve Jobs, Steve Ballmer chẳng khác gì một anh bán hàng. Nhận xét của Steve Jobs về Steve Ballmer phần nào giống với cựu CEO của Apple trước đây là John Sculley. Steve Jobs tin rằng những kiểu người như Steve Ballmer không nên điều hành một công ty.
Bill Gates: là một trong số rất ít những người mà Steve muốn gặp mặt lần cuối trước lúc ra đi, nhưng không vì thế mà Bill Gates lại nhận được những mỹ từ đẹp đẽ từ Steve. Ông cho rằng “về bản chất, Bill không phải là một người có đầu óc sáng tạo, và chưa bao giờ thật sự phát minh ra một thứ gì. Có lẽ đó là lý do tại sao bây giờ ông ấy thích đi làm từ thiện hơn là công nghệ. Bill đã ăn cắp ý tưởng của người khác mà không biết xấu hổ”. Về phần mình, Bill không gay gắt như Steve, ông chỉ xem Steve như là một người không bình t
hường, “đấy là một con người kỳ cục, kỳ cục ngay từ trong bản chất. Steve chưa bao giờ thật sự hiểu nhiều về công nghệ, nhưng ông lại có một tài năng thiên phú để làm những việc đó”.
Eric Schmidt và Bill Gates, hai trong số những nhân vật nhận được nhiều lời nhận xét “chói tai” từ Steve |
Hewlett-Packard: “Hewlett và Packard đã xây dựng nên một công ty tuyệt vời, và họ nghĩ rằng đã trao nó vào tay những con người có năng lực. Tuy nhiên, hiện tại HP đang tan rã và bị hủy diện dần dần. Tôi hi vọng những gì tôi để lại sẽ giúp Apple tránh khỏi một kết cục tương tự như HP”, Steve trả lời Walter khi được hỏi về thương hiệu máy tính HP.
Barack Obama: đây có thể xem là một ngoại lệ trong danh sách, bởi vì Obama không phải là đối thủ của Steve Jobs hay Apple như những nhân vật bên trên. Tuy nhiên, với Steve, Obama không thật sự là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa, và vị tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ lại đang tập trung theo đuổi những thứ không thể, thay vì đầu tư vào những cái có thể.
Sản phẩm lớn tiếp theo của Apple: một chiếc TV Apple đa tính năng?
Tờ Bưu điện Washington sau khi có dịp đọc qua bản thảo cuốn tiểu sử về Steve Jobs đã tiết lộ rằng Apple đang phát triển một chiếc TV kết nối Internet đa tính năng. Với sản phẩm này, Steve hi vọng sẽ làm thay đổi ngành công nghiệp TV, tương tự như điều mà Apple đã làm đối với ngành công nghiệp điện toán cá nhân, âm nhạc và viễn thông.
“Ông ấy rất muốn tạo ra một sản phẩm TV với cùng một triết lý đã được áp dụng cho máy tính, máy nghe nhạc và điện thoại: đơn giản và thanh lịch”, một đoạn trích trong cuốn sách sắp xuất bản của Walter. Steve nói tiếp “Tôi muốn tạo ra một chiếc TV thật sự dễ sử dụng. Nó có khả năng đồng bộ hóa dễ dàng với tất cả những thiết bị khác, và với cả iCloud. Giao diện người dùng của TV sẽ cực kỳ đơn giản”.
Sẽ có một chiếc TV thực sự gắn mác Apple trong tương lai chăng? |
Đây không phải là lần đầu tiên người ta nói đến một sản phẩm TV được thiết kế bởi Apple. Những lời đồn đoán đã xuất hiện từ năm 2009, rằng Apple đang phát triển một chiếc TV. Đến tháng 8 năm nay, những thôn tin như vậy lại một lần nữa được đăng tải, với nội dung cho biết có thể Apple sẽ cho ra mắt một sản phẩm TV vào cuối năm 2012 hoặc đầu năm 2013. Hiện tại, Apple đang có một sản phẩm có tên Apple TV, thực tế là một chiếc hộp có cổng kết nối với TV thông thường để thuê hoặc mua nội dung số từ iTunes. Apple TV không thật sự là một thành công lớn, nhưng nó phần nào cho thấy ý muốn gia nhập thị trường này của Apple.
Nhìn từ góc độ phần cứng và phần mềm, một sản phẩm TV đa chức năng là điều Apple hoàn toàn có thể làm được. Tuy nhiên, lý do chính khiến Apple vẫn chưa ra mắt một sản phẩm TV thực thụ có thể không nằm ở khía cạnh năng lực công nghệ, mà vì hãng chưa tìm được những mối quan hệ hợp tác cần thiết trong lĩnh vực này. Nhìn lại những sản phẩm thành công của Apple như iPod hay iPhone, hãng không chỉ tạo ra một sản phẩm, mà là cả một hệ sinh thái xung quanh nó, với những dịch vụ số như iTunes Store, App Store…. Một hệ sinh thái tương tự cho sản phẩm TV kết nối Internet là điều kiện tiên quyết trước khi Apple có thể ra đời bất kỳ sản phẩm gì liên quan đến lĩnh vực này.
Hối hận vì không mổ sớm, đã từng gặp lại cha đẻ của mình
Steve Jobs đã có 7 năm chống chọi với căn bệnh ung thư tuyến tụy. Tuy nhiên, đồng ý để các bác sĩ đụng dao đụng kéo lên người mình không phải là một quyết định dễ dàng đối với ông. Lúc đầu, Steve từ chối mọi phương án dính đến y học hiện đại, ông tìm kiếm phương thuốc từ việc châm cứu, ăn nhiều các loại hoa quả, ghé thăm những nhà tâm linh ngoại cảm và thực hành những liệu pháp ông tìm thấy trên Internet. Một số chuyên gia về ung thư cho rằng Steve có thể đã kéo dài được tuổi thọ, hay thậm chí là hồi phục hoàn toàn nếu như ngay từ đầu ông chấp nhận chữa trị bằng khoa học.
Steve đã hối hận về điều này. “Chúng tôi nói rất nhiều về chuyện đó”, Walter nhớ lại. “Ông ấy muốn nói về bệnh tình, để bày tỏ sự hối hận của mình. Tôi nghĩ ông ấy hiểu rằng đáng lẽ ông phải được mổ và điều trị sớm hơn”, trích lời Walter. Khi được hỏi “một người thông minh như Steve sao lại có quyết định ngu ngốc đến vậy?”, Walter trả lời “tôi cho rằng ông ấy nghĩ như thế này: nếu bạn phớt lờ điều gì đó mà bạn không muốn nó tồn tại, bạn có thể đạt được những kết quả kỳ diệu. Cách tư duy này có hiệu quả với Steve trong quá khứ, nên ông ấy áp dụng lại. Và thực tế là ông ấy đã phải hối hận vì điều đó”.
Chuyển sang khía cạnh gia đình, có một chuyện từ lâu đã được giới truyền thông đề cập đến, đó là việc cha ruột của Steve Jobs muốn gặp mặt ông nhưng Steve không đồng ý. Sau khi ông qua đời, người ta vẫn tin rằng Steve chưa bao giờ gặp mặt Abdulfattah Jandali, hiện đang làm quản lý tại một sòng bạc. Theo Walter, thực tế Steve đã từng gặp mặt cha đẻ của mình, khi Abdulfattah còn đang quản lý một nhà hàng. Ông gặp một cách bí mật, và không giới thiệu mình là con của Abdulfattah. “Khi tôi tìm kiếm mẹ ruột của mình, tôi cũng đồng thời tìm hiểu thông tin về cha tôi và biết được một số ít tin tức. Tôi không vui với những gì mà tôi biết được…. Tôi đã yêu cầu em gái mình là Mona Simpson không được nói với bố tôi rằng chúng tôi đã từng gặp nhau…đừng nói bất kỳ một điều gì về tôi”. Mãi đến gần đây thì Abdulfattah mới biết “vị khách đã boa hậu hĩnh” trước kia chính là con ruột của mình.
Lời kết
Trên đây là một số mẩu chuyện đáng chú ý sẽ xuất hiện trong cuốn sách “Steve Jobs” của tác giả Walter Isaacson được phát hành vào ngày 24/10. Cuốn sách hứa hẹn sẽ cung cấp cho độc giả nhiều thông tin lý thú về cuộc đời, sự nghiệp và cả con người của Steve Jobs, một trong những cái tên đáng nhớ nhất của nền công nghệ thế giới cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21. Hi vọng cuốn tiểu sử “Steve Jobs” sẽ sớm được phát hành tại Việt Nam.
(Theo Tinhte.vn)