Tam giác quỷ Bermuda – bí ẩn nối tiếp truyền thuyết
Tam giác quỷ Bermuda là một khu vực tọa lạc ở phía Tây Bắc Đại Tây Dương, bao quanh bờ biển phía Đông bang Florida (Mỹ) và Puerto Rico. Bên cạnh đó, một phần của tam giác này còn kéo dài tới khu vực lân cận bang South Carolina (Mỹ). Sở dĩ, vùng biển này có tên Bermuda do nó được đô đốc người Tây Ban Nha lần đầu tiên tìm thấy vào năm 1503.
Nhìn chung, Tam giác quỷ Bermuda là một khu vực đầy nắng, gió, không có các mùa phân chia rõ rệt. Đây là một trong hai địa điểm trên Trái đất mà la bàn sẽ không chỉ đúng về hướng Bắc. Rất nhiều người còn nói, các quy luật vật lý cũng không còn đúng ở nơi này.
Christopher Columbus, nhà thám hiểm nổi tiếng đã tìm ra châu Mỹ, từng ghi lại những dòng nhật ký rợn tóc gáy về cuộc hành trình của ông qua khu vực này vào năm 1492. Columbus đề cập đến sự lệch hướng dị thường của các công cụ điều hướng, cho đến những ánh đèn chiếu sáng lạ lùng ở đường chân trời. Trong cuốn sổ ghi chép, ông còn mô tả về “một ngọn lửa khổng lồ” lao từ trên cao xuống biển.
Một sự cố lạ thường khác cũng xảy ra tại Tam giác quỷ Bermuda vào năm 1872. Sử sách ghi lại rằng, tàu Mary Celeste rời Genoa (Ý) vào ngày 7/11/1872. Đến ngày 4/12/1872, các thủy thủ trên tàu Gratia Dei nhìn thấy tàu Mary Celeste đang trôi nổi một cách ngẫu nhiên trên biển. Khi đến gần Mary Celeste, họ phát hiện con tàu này hoàn toàn trống trơn, không một bóng người. Ngay cả các xuồng cứu hộ cũng không được tìm thấy dù “con tàu ma” nhìn chung vẫn trong tình trạng chạy tốt.
Câu chuyện nổi tiếng nhất được ghi chép cẩn thận và đầy đủ về sự cố ở Tam giác quỷ Bermuda chính là sự cố “Chuyến bay số 19”.
“Chuyến bay số 19” là sự kiện 5 chiếc máy bay TBM Avenger của Hải quân Mỹ bị biến mất trong quá trình bay huấn luyện ngày 5/12/1945 từ căn cứ Không lực Hải quân Ft. Lauderdale, bang Florida (Mỹ).
Trước khi biến mất, Trung úy Charles Taylor – chỉ huy “Chuyến bay số 19” đã gửi các thông điệp radio về căn cứ chỉ huy, báo cáo về những ảnh hưởng thị giác bất thường như: lạc đường, sự xuất hiện của vùng nước màu trắng, đại dương “nhìn không giống mọi khi” và la bàn xoay không kiểm soát.
Một thủy phi cơ Martin Mariner thuộc đội tìm kiếm được cử đến cũng phát nổ chỉ trong 23 phút sau khi cất cánh, đưa tổng số người được coi là tử vong lên con số 33, bao gồm tất cả 14 thành viên đội bay thuộc “Chuyến bay số 19” và 13 thành viên đội cứu hộ. Tất cả các tín hiệu nhận được đều nằm ở khu vực giáp ranh Tam giác quỷ Bermuda.
Ngày 8/4/1952, tàu chở hàng Laifudan của Nhật chở đầy lúa mạch, đang chạy trên khu vực này cũng đột ngột mất tích. Năm 1997, một tàu thủy hạng trung đi vào vùng này ngay lập tức rơi vào tình trạng mất kiểm soát, hoàn toàn mất định hướng rồi lật xuống biển. Hơn 300 người trên tàu đều thiệt mạng.
Điều khó hiểu hơn là vào năm 1970, máy bay chở khách cỡ lớn của Mỹ lúc đi qua vùng biển này cũng đột nhiên mất liên lạc với đài chỉ huy ở sân bay. Máy bay biến mất trên màn hình radar theo dõi trong 10 phút, sau đó lại hiện ra và đáp xuống. Tất cả các đồng hồ trên máy bay đều chạy chậm 10 phút.
Theo thống kê, từ đầu thế kỷ 20 đến nay, có 30 máy bay, 100 tàu và khoảng 1.000 người đã biến mất tại khu vực Tam giác quỷ. Tất cả xác tàu bè, máy bay đều không tìm thấy, trong đó có cả chiếc tàu vận tải khổng lồ USS Cyclops của Mỹ (mất tích không để lại dấu vết cùng 306 thành viên thủy thủ đoàn và hành khách).
Những lời đồn đoán về Tam giác quỷ cũng từ đó mà ra. Theo truyền thuyết, có người cho rằng đây là khu vực bị yểm bùa của những thổ dân châu Mỹ nhằm tránh sự xâm chiếm của người ngoài. Có người lại cho rằng đây là một trận đồ bát quái chưa được phá bỏ. Hay như tác giả của truyện Đôrêmon đã dành hẳn một tập truyện dài về khu vực này (tập truyện “Lâu đài dưới đáy biển”), cho rằng đây là căn cứ của một thế lực siêu nhiên nào đó.
Các nhà khoa học trên thế giới cũng từng đưa ra nhiều lời lý giải cho sự biến mất bí ẩn của tàu thuyền và máy bay trên khu vực Tam giác quỷ.
Một số nhà khoa học về địa chất từ Nhật, Đức và Mỹ đã tìm thấy trữ lượng khí mê-tan rất lớn trong vùng Tam giác quỷ Bermuda. Họ cho rằng: trong độ sâu từ 500 đến 2.000m, băng mê-tan (methane hydrate) có thể hình thành nếu trữ lượng mê-tan lớn và nhiệt độ cho phép. Nếu áp suất và nhiệt độ thay đổi theo thời gian, khí mê-tan sẽ dần dần thoát ra khỏi các “tảng gần giống như băng” này.
Khi có thay đổi đột ngột, ví dụ như xảy ra động đất dưới đáy biển hay chuyển dịch kiến tạo mảng, một phần lớn của băng mê-tan này có thể bị phân rã ra thành các thành phần cấu tạo (nước và mê-tan). Mê-tan dạng khí nổi lên trong bọt khí, làm giảm tỉ trọng của nước. Lực đẩy của tàu thủy và tàu ngầm giảm đi nhanh chóng, mạnh đến mức khiến chúng bị nhấn chìm xuống mặt nước hoặc đến tận đáy biển.
Ngoài ra, hiện tượng này còn hình thành điện tích khi bọt khí nổi lên, ma sát với nước, từ đó tạo nên một dòng điện, giải thích cho việc những thiết bị, dụng cụ từ trường và điện không hoạt động được nữa.
Tuy vậy, những lý giải trên đều chưa có cơ sở khoa học chắc chắn và còn nhiều điểm chưa thật hợp lý. Và do vậy, Tam giác quỷ Bermuda đến nay vẫn là một khu vực đầy kỳ bí với chúng ta.