Kiểu đi học “độc” chỉ có ở Việt Nam
Học sinh Hà Nội đến trường bằng xe ngựa
Với chi phí khá rẻ (200.000 đồng/tháng), lại đỡ mất thời gian, nhiều phụ huynh ở xã Tiên Dược (Sóc Sơn, Hà Nội) đã nhờ xe ngựa đưa con mình đi học.
Những chiếc xe ngựa đưa đón học sinh tồn tại đã 2 năm nay và hiện có nhiều phụ huynh ủng hộ cách làm này. Thông thường mỗi xe ngựa chở được trên 20 học sinh, hôm nào đông lên tới 30 người. Không gian xe khá chật hẹp nên các bạn phải ngồi chen chúc nhau.
Học sinh xã Tiên Dược, Sóc Sơn, Hà Nội đang đi học bằng xe ngựa.
Ba năm nay, học sinh trường tiểu học bán trú Tứ Kỳ, thị trấn Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương cũng đi học bằng xe ngựa.
Đội sách bơi qua sông
Hàng chục học sinh bản ông Tú và bản Ka Oóc (xã Trọng Hoá, huyện Minh Hoá, Quảng Bình) phải bơi qua sông đến trường mỗi ngày. Để áo quần và sách vở không bị ướt, các bạn ấy chuẩn bị sẵn một bao nilon lớn, cho quần áo và cặp sách vào bao, buộc kín lại. Qua đến bờ sông bên kia lại lấy quần áo ra mặc vào.
Sau khi bơi qua dòng nước “tử thần” các học sinh lại chỉnh tề trang phục để tới trường.
Chông chênh “cưỡi” mảng qua sông
Để đến trường học chữ, từ bao đời nay, hàng trăm học sinh dân tộc Mường ở các bản Trô, bản Pắc Nặm, bản Ang (xã Giao An, huyện vùng cao Lang Chánh, Thanh Hóa) chỉ có cách duy nhất là “cược tính mạng” qua sông trên chiếc bè mảng mong manh.
Bề mặt sông Âm mùa nước lũ rộng chừng hơn 100 mét, nếu là sức người lớn thì chỉ mất khoảng 10 – 15 phút là qua được bờ sông bên kia, nhưng sức các học sinh thì phải mất chừng 20 – 30 phút mới sang sông được. Qua được bờ sông bên kia cũng là lúc hai lòng bàn tay các học sinh bỏng rát, cũng có bạn áo quần ướt sũng, mặt mũi lấm lem…
Vì không thể đưa xe đạp qua sông nên nhiều lúc phải đi bộ đến trường, có bạn còn phải băng rừng đến 4 – 5km. Những ngày đi học, các học sinh phải rời nhà từ tờ mờ sáng mới kịp giờ lên lớp.
Chiếc mảng được ghép tạm bợ từ những cây luồng do dân bản đóng ghóp, trên chiếc mảng ghép tạm bợ không hề có một chiếc phao cứu sinh.
Không có điều kiện làm cột bê tông với ròng rọc dây cáp, bất đắc dĩ dân bản đã tận dụng một sợi dây điện cáp quang do một công ty viễn thông bỏ sót lại để thay thế dây cáp… Chiếc dây mong manh có thể đứt phăng bất cứ lúc nào.
Vì chiếc mảng chỉ chở được rất ít người nên việc học sinh chậm giờ đến trường là chuyện thường.
Học sinh bon Đắk R’moan, xã Đắk R’moan, thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông chông chênh “cưỡi” bè vượt hồ thủy điện Đắk R’tíh đến trường.