7 phát minh từng bị nhân loại chê cười nhưng đã làm thay đổi cả thế giới
Trong lịch sử đã từng có những phát minh, khi vừa được công bố ra thế giới lần đầu tiên, chúng không được đón nhận, thậm chí còn bị chê cười, nhưng sau đó lại trở nên phổ biến và thay đổi cả thế giới. Dưới đây 7 phát minh như vậy.
1. Bóng đèn điện
Thomas Edison được coi là một trong những nhà phát minh giàu ý tưởng nhất trong lịch sử. Ông được một nhà báo đặt cho biệt hiệu là “Thầy phù thủy ở Menlo Park”. Với khoảng 1093 bằng sáng chế, ông đã có những đóng góp đáng kể cho sự thay đổi cuộc sống thế kỷ 20. Một trong số đó phải kể đến bóng đèn điện.
Vào ngày 31/12/1879, Edison đã công bố phát minh đèn sợi đốt của mình trước công chúng. Tuy nhiên, trái với sự mong đợi của Edison, không phải ai cũng thấy ấn tượng với phát minh này. Ủy ban Nghị Viện Anh cho rằng phát minh của Edison: “Cũng khá tốt đối với những người bạn phía bên kia đại dương, nhưng lại chưa đủ để gây sự chú ý của những người có đầu óc thực tế hay giới khoa học”.
Kỹ sư trưởng Tổng cục Bưu điện Anh còn nhận xét thứ ánh sáng phát ra từ bóng đèn chỉ lập lòe như đốm sáng trong bãi tha ma. Họ không đánh giá đây là ý tưởng khả thi và thiết thực. Thế nhưng, sự thành công vang dội của loại bóng đèn này sau đó đã khiến những “nhà phê bình” trên phải suy nghĩ lại. Đến nay, đây được coi là một trong những phát minh quan trọng và có ảnh hưởng nhất tới lịch sử nhân loại.
2. Cà phê
Cà phê xuất xứ từ Ả Rập vào khoảng thế kỷ thứ 6, thậm chí còn được tôn sùng như một loại tôn giáo, một thứ không thể thiếu đối với người dân lúc bây giờ… Thời đó, người dân phát hiện ở vùng Kaffa một loại cây lạ có lá xanh sáng, hoa trắng thơm ngát và quả chín đỏ. Họ thử nhai và cảm thấy tỉnh táo, sảng khoái. Dần dần, thói quen nhai cà phê phát triển rộng khắp Trung Đông bởi các bộ lạc du cư. Lúc bấy giờ, cà phê được đón nhận như một chất kích thích bởi những nền văn hóa cấm rượu.
Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ 15, các nhà thông thái của nhà nước Hồi Giáo đã cấm sử dụng cà phê vì nghĩ việc người dân tụ họp, đánh cờ, tán gẫu tại các quán cà phê sẽ gây ảnh hưởng tới không khí tôn nghiêm của vùng đất linh thiêng này. Thậm chí nhiều người còn cho rằng thức uống này là nguyên nhân gây ra nhiều dịch bệnh thường gặp thời đó.
Sau đó, lệnh cấm này đã bị bãi bỏ khi họ nhận ra lợi ích kinh tế của cà phê và cả giá trị cuộc sống nó đem lại. Ngày nay, cà phê là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta, từ nơi công sở cho đến bữa sáng của mỗi gia đình.
3. Máy bay
Vào năm 1903, anh em nhà Wright đã đặt một mốc son chói lọi trong lịch sử khi thực hiện những đường bay đầu tiên trên bầu trời bằng chiếc máy bay tự chế tạo của mình. Chuyến bay này chỉ kéo dài trong 12 giây, nhưng đó thật sự là “kỳ tích” thời bấy giờ khi người ta chưa dám ao ước tới một phương tiện giao thông trên bầu trời.
Thế nhưng, năm 1911, Đại tướng kiêm tổng tư lệnh đồng minh của Pháp trong thế chiến thứ nhất, Ferdinand Foch, đã phát biểu rằng: “Máy bay chỉ là một đồ chơi khoa học thú vị nhưng nó chẳng có chút giá trị quân sự nào”.
Thực tế đã chứng minh điều ngược lại, 8 năm sau, chiếc thủy phi cơ Curtiss thực hiện chuyến đi đầu tiên xuyên qua Đại Tây Dương từ Newfoundland tới Bồ Đào Nha. Và sau đó, hàng loạt những chiếc máy bay quân sự ra đời, và được hoàn thiện dần theo thời gian như chúng ta thấy ngày nay.
4. Ô dù
Khi mới được sản xuất, những chiếc ô che mưa che nắng không được đón nhận trên đường phố nước Anh. Người ta chê bai và dè bỉu những người sử dụng ô, đặc biệt là những người đàn ông, vì họ quan niệm rằng chiếc ô gắn liền với hình ảnh điệu đà của người phụ nữ.
Mãi đến cuối những năm 1700 thì ô mới được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi. Có lẽ người ta đã nhận ra giá trị sử dụng hữu ích và có thể sáng tạo ra nhiều kiểu thiết kế phù hợp với thị hiếu khác.
5. Máy tính cá nhân
Máy tính cá nhân là một phát minh công nghệ có tầm ảnh hưởng to lớn trong lịch sử nhân loại, ngày nay, nó rất thịnh hành và trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình. Thế nhưng, từng có thời gian con người ngại sử dụng máy tính, có lẽ vì cho rằng nó cồng kềnh và khó thao tác.
Cuốn sách xuất bản năm 1996 có tên: “Phụ nữ và Máy tính” cho rằng nhiều phụ nữ mắc chứng sợ máy tính. Họ cảm thấy lo lắng và bất an mỗi khi đọc hoặc nghe ai đó nói về máy tính.
6. Taxi
Vào thời gian đầu khi dịch vụ taxi ra mắt, người dân cảm thấy đi taxi như trò chơi may rủi, bởi vì khách hàng phải trả bất cứ giá nào mà tài xế yêu cầu cho dù quãng dường dài ngắn ra sao.
Nhưng mọi chuyện thay đổi từ năm 1907 khi một doanh nhân 30 tuổi có tên Harry N. Allen chỉ sử dụng dịch vụ trên quãng đường dài 1.2 km nhưng bị tài xế tính phí… 5 USD.
Quá tức giận, ông đã sắm cho mình một đội xe gồm 65 chiếc Darracq đỏ có xuất xứ từ Pháp và chuẩn bị một đội tài xế cho riêng mình, và bắt đầu công việc kinh doanh của mình từ đó. Đây có thể coi là hạm đội taxi hiện đại đầu tiên trong lịch sử. Và doanh nhân này nhận ra, khi anh tính mức phí phải chăng thì chất lượng dịch vụ lại tốt hơn hẳn.
7. Vắc-xin
Năm 1796, châu Âu chìm trong đại dịch đậu mùa và không ai tìm ra cách chữa trị căn bệnh này cho đến khi bác sỹ Edward Jenner thử nghiệm một phương pháp vô cùng liều lĩnh. Bệnh đậu mùa bao gồm các triệu chứng như nổi mụn đỏ, sau đó là mụn nước lan ra khắp cơ thể, kèm sốt và nhiễm trùng. Hậu quả nghiêm trọng nhất của căn bệnh là mù lòa và tử vong. Mặc dù nghiên cứu phương pháp chữa trị trong nhiều năm nhưng bác sỹ Jenner vẫn “bó tay”.
Một ngày khi tình cờ phát hiện ra bệnh “đậu bò”, bệnh đậu mùa ở bò, ông nhận thấy những người vắt sữa bò sau khi mắc bệnh này thì không bị bệnh đậu mùa nữa. Từ đó, ông nảy ra ý định lấy căn bệnh đậu bò sang người để phòng bệnh đậu mùa ở người: “Người ta sẽ mắc căn bệnh đậu bò không chết nhưng thoát khỏi bệnh đậu mùa chết người”.
Thế rồi Jenner đã đến gặp một người phụ nữ chuyên làm nghề vắt sữa bò đang bị bệnh đậu bò, và chiết lấy dịch từ các vết đậu bò trên cánh tay của cô rồi cấy dịch này vào cánh tay của cậu bé 8 tuổi khỏe mạnh cùng làng tên là James Phipps. Kết quả, Phipps đã có những triệu chứng của bệnh đậu bò. Tuy nhiên, 48 ngày sau, Phipps khỏi hẳn bệnh đậu bò. Jenner thấy vậy liền tiêm chất có chứa mầm bệnh đậu mùa vào người cậu, và thật kỳ diệu là: Phipps không hề mắc đậu mùa.
Không dừng lại ở đó, Jenner còn áp dụng cho chính con trai mình, dù đứa trẻ mới 10 tháng tuổi, và đúng như ông dự đoán, bé cũng không mắc bệnh đậu mùa. Dựa trên nguyên lý này, vị bác sĩ đã hoàn thành công nghệ chế tạo thuốc tiêm chủng, hay còn gọi là vắc-xin. Phương pháp “tiêm ngừa” của Jenner xét theo các tiêu chuẩn y đức ngày nay là hoàn toàn sai trái. Nhưng thực tế không nhờ sự liều lĩnh của ông thì cả châu Âu sẽ “biến mất” do đại dịch đậu mùa.
Theo Đại Kỷ Nguyên