Khoảng cách lương tối thiểu và mức sống tối thiểu ngày càng rộng
Theo quyết định của Chính phủ, từ tháng 10/2011, mức lương tối thiểu chung áp dụng là 830.000 đồng/ tháng. Đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài (FDI), sẽ là mức điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) thống nhất: Vùng I: 2 triệu đồng; vùng II: 1,78 triệu đồng; vùng III: 1,55 triệu đồng; vùng IV: 1,4 triệu đồng.
Nhìn nhận về vấn đề này, đại diện Viện Công nhân – Công đoàn, mức điều chỉnh hợp nhất LTT khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước được mới được áp dụng là là một quyết tâm rất lớn của Chính phủ, tuy nhiên, mức điều chỉnh đó cũng chỉ đạt 65% mức sống tối thiểu của người lao động. Trên thực tế, sau nhiều lần điều chỉnh và lựa chọn phương án LTT ở mức thấp, đã dẫn đến khoảng cách giữa LTT và mức sống tối thiểu ngày càng rộng ra. Việc trả lương thấp, không tương xứng với công sức của người lao động đã dẫn đến quan hệ lao động căng thẳng và đình công gia tăng, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp FDI. Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2011 đến nay đã xảy ra khoảng 200 cuộc đình công và 80% trong số đó đều có nguyên nhân từ tiền lương, tiền thưởng.
Nhiều chuyên gia cũng trong lĩnh vực nghiên cứu xã hội cùng nhận định mức lương hiện tại áp dụng tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng so với nhu cầu thực đời sống của người lao động. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân thừa nhận, tiền lương đang là một trong những công việc khó khăn nhất của Việt Nam. Về cơ chế điều hành, điều chỉnh mức lương tối thiểu chung ngày càng phụ thuộc vào ngân sách.
Mức lương tối thiểu hiện chỉ đáp ứng 65% mức sống tối thiểu của người lao động. (Ảnh minh họa)
Tại Hội thảo chính sách tiền lương tối thiểu – kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ – TB &XH) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa tổ chức, đại diện Vụ Lao động – Tiền lương, Bộ LĐ- TB&XH cho biết: Theo qui định của Điều 56, Bộ luật Lao động, mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Tuy nhiên, trên thực tế việc xác định mức sống tối thiểu của người lao động là hết sức khó khăn; luôn biến động, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội quốc gia, vùng. Về loại hình, hình thức, Bộ luật Lao động qui định mức LTT chung, LTT vùng, LTT ngành, song trên thực tế mức LTT ngành chưa có qui định cụ thể và tổ chức đại diện cấp ngành chưa đầy đủ nên chưa thực hiện được…
Về cơ chế áp dụng, qui định lương công chức, viên chức (nhân với hệ số lương) cũng như nhiều chế độ phí, trợ cấp xã hội (tỷ lệ trên LTT chung) gắn với mức LTT chung làm cho quá trình điều hành LTT theo luật định khó khăn do phụ thuộc vào khả năng của ngân sách Nhà nước. Điều này dẫn đến tiền lương của cán bộ, công chức có xu hướng ngày càng thấp so với thị trường.
Mới đây, trong buổi thảo luận, cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), nội dung về tiền lương đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTV) dành nhiều quan tâm cũng như bàn bạc khá kỹ lưỡng. Phía Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng cho rằng, tiền lương là vấn đề cơ bản nhất, cần được chú trọng trong dự án Bộ luật Lao động. Đây chính là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi các bên và là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tranh chấp lao động, đình công diễn ra phức tạp hiện nay.
P. Thanh