Ai là vị vua đầu tiên hai lần lên ngôi ?

29/09/11, 12:09 Tin Tổng Hợp

– Lịch sử Việt Nam có nhiều nhân vật mang những đặc điểm về cuộc đời hay sự nghiệp rất lạ lùng và thú vị, trong số đó có chuyện đăng quang lên ngôi. Chúng ta thường nghe đến chuyện Lê Thần Tông và nhiều tài liệu viết trong thời gian gần đây đều cho rằng ông là người duy nhất trong số hơn 100 vị vua Việt Nam có hai lần lên ngai vàng làm vua. Thực sự có đúng như vậy hay không?

Tìm trong sử sách ta thấy rằng trước Lê Thần Tông đã có Lý Huệ Tông là người từng hai lần làm vua, một lần ông xưng vương và lần thứ hai xưng đế.

Tự ý lên ngôi rồi lại được truyền ngôi


Lý Huệ Tông tên húy là Lý Hạo Sảm, có tên khác là Lý Kiểu, sinh tháng 7 năm Giáp Dần (1194) tại hoàng cung ở kinh đô Thăng Long. Vua là con trưởng của Lý Cao Tông, mẹ là hoàng hậu họ Đàm (không rõ tên). Lý Huệ Tông lên ngôi ngày 28 tháng 10 năm Canh Ngọ (1210), đến tháng 10 năm Giáp Thân (1224) truyền ngôi cho con gái rồi đi tu, ở ngôi tổng cộng 14 năm.

Trước khi làm hoàng đế đã có thời gian ông từng làm vua, bấy giờ vào đời Lý Cao Tông, vì có loạn Quách Bốc nên triều đình phải bỏ Thăng Long đi phiêu dạt, thái tử Lý Hạo Sảm chạy đến trú nạn tại thôn Lưu Gia ở Hải Ấp (nay thuộc huyện Hưng Nhân, Thái Bình); mới đến vùng này, nghe tiếng con gái của Trần Lý có nhan sắc, bèn lấy làm vợ.

Hứa Vĩ Văn
Diễn viên Hứa Vĩ Văn đóng vai vua Lý Huệ Tông trong phim Trần Thủ Độ.

Nhà Trần Lý vốn xuất thân làm nghề đánh cá, sau trở nên giàu, người quanh vùng theo phục, tự xây dựng lực lượng riêng, nhân có Thái tử đến bèn dựa vào gây thanh thế. Thái tử sau khi lấy con gái của Trần Lý liền phong cho ông tước Minh Tự, phong em vợ Trần Lý là Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ, Phạm Ngu làm Thượng phẩm phụng ngự. Mấy người này chiêu tập binh mã dưới danh nghĩa giúp Thái tử Sảm rồi lập ông làm vua, lấy tôn xưng là Thắng Vương.

Biết tin con mình tự ý xưng vương, lập triều đình riêng và phong tước tùy tiện nên Lý Cao Tông rất tức giận. Khi ấy, mặc dù vẫn phải lánh nạn ở Quy Hoá giang nhưng vua vẫn muốn đánh dẹp, bèn sai Phạm Du đi liên lạc với họ lực lượng của Đoàn Thượng, Đoàn Văn Lôi ở vùng Hồng Châu (nay thuộc Hải Dương) nhưng mưu không thành. Trần Lý và Tô Trung Từ nhân đó muốn giành thế mạnh với các nhóm quân khác bèn mang binh lực về kinh thành Thăng Long đánh Quách Bốc.

Cuối năm Kỷ Tị (1209) loạn Quách Bốc bị dẹp nhưng Trần Lý tử trận, Tô Trung Từ trở thành người đứng đầu lực lượng họ Trần đã đón vua Lý Cao Tông về cung và trở thành trọng thần của triều đình.

Tháng 3 năm Canh Ngọ (1210), Lý Cao Tông sai quan Thượng phẩm phụng ngự là Đỗ Quảng đem quân đến nhà Tô Trung Từ đón Thái tử Sảm về kinh. Chuyện tự xưng vương trước đó vua không xét tới nên thái tử thoát tội rồi được truyền ngôi, lên làm hoàng đế tháng 10 năm Canh Ngọ (1210).

Con mất sớm, cha lại lên ngôi

Tuy nhiên Lý Huệ Tông cũng không phải là người đầu tiên hai lần lên ngôi vua mà người đó là Hùng Vương ngành thứ 18. Theo ghi chép của Ngọc phả đền Hùng (Hùng triều ngọc phả) thì họ Hồng Bàng truyền được 18 ngành, mỗi ngành gồm nhiều đời vua. Ngành vua thứ 18 có hiệu là Hùng Duệ Vương truyền được 5 đời vua, cai trị 150 năm; bản Thần tích xã Vi Cương (Phú Thọ) vua cuối của ngành này tên húy là Huệ Lang, sinh ngày mồng 3 tháng 3 năm Canh Thân, hóa ngày mồng 5 tháng 5.

Hùng Vương. Tranh minh họa
Hùng Vương. Tranh minh họa

Hùng Duệ Vương ngành thứ 18 đời cuối cùng truyền cho trưởng nối ngôi xưng là Hùng Kinh Vương nhưng ông chỉ làm vua được 6 năm thì mất, những người con trai khác cũng đã mất sớm, chỉ còn hai con gái là Tiên Dung và Ngọc Hoa nên Hùng Duệ Vương lại lên làm vua lần thứ hai, về sau già yếu quá mới có ý cho con rể là Nguyễn Tuấn (Sơn Tinh, tức Tản Viên Sơn Thánh) kế vị nhưng vì Nguyễn Tuấn không muốn nên vua đành giao cho ông tạm thay quyền trị quốc.

Thần tích xã Vi Cương chép rằng: “Ban đầu truyền ngôi cho con trưởng là Kinh Vương cai trị được 6 năm thì mất. Vua truyền cho rể hiền là Tản Viên Sơn nhiếp chính, thay mệnh vua cha chế định thiên hạ. Được 10 năm, cha con đồng lòng hóa thành thượng tiên chính giác, đại pháp thần nông, làm người tiên vạn cổ bất diệt, rồi nhường ngôi cho Thục An Dương Vương, cũng là tôn diệt Hùng Vương, là tông phái hoàng đế triều trước, là cháu 16 đời làm Bộ chúa phụ đạo.

Hùng Duệ Vương có 100 cung phi. Vua trị nước, sau mê tửu sắc, sinh được 20 hoàng tử, 6 công chúa; hoàng tôn miêu duệ gồm 21 chi với 194 cháu chắt. Việc trị nước đến lúc cáo chung, cơ đồ nhà Hùng mạt vận, 20 hoàng tử cùng 4 công chúa đã mất, không có người kế dõi.

Về sau chỉ hai người, một người là Mỵ Châu Tiên Dung công chúa gả cho Chử Đồng Tử hóa tiên bất diệt, một là Mỵ Nương Ngọc Hoa công chúa gả cho Tản Viên Sơn Tinh. Vua nhường quyền cho rể hiền được 10 năm thì nhường ngôi lại cho Thục An Dương Vương. Duệ Vương và Tản Viên Sơn Thánh, hai cha con cùng hóa thành tiên bất diệt, vạn đời xưa nay thực đáng là bậc minh vương đại thánh, đời sau không ai sánh kịp”.

Bản Ngọc phả cổ truyền về mười tám chi đời thánh vương triều Hùng thì ca ngợi Hùng Duệ Vương, người đầu tiên hai lần làm vua như sau:

“Duệ Vương là người tư chất như thánh, tài lược anh hùng, thừa hưởng tổ tông bồi đắp, cơ nghiệp thịnh trị…Bên trong chú trọng võ bị, bên ngoài phòng ngự biên cương, dốc lòng dựng nước giàu mạnh để giữ yên trong nước, luôn xem gương đời trước để trị nước, tuân theo mệnh trời, kính trọng quỷ thần, muốn trời ban điềm lành giúp nước. Do vậy vua càng sùng trọng kính tín thần nhân, truyền hịch cho thần dân trong nước trong nước tu tạo từ vũ, nghi trượng trang nghiêm, hàng ngày dâng tiến hương hoa, tỏ lòng thành phụng thờ, còn các quan châu huyện đều mỗi tháng hai kỳ đến miếu sở tại, mật đảo bách thần để mạch nước trường thọ”. 

Lê Thái Dũng

Ad will display in 09 seconds

Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

Ad will display in 09 seconds

Vì sao Phật chỉ nhận cúng dường của cô gái nghèo

Ad will display in 09 seconds

Vì sao kẻ đồ tể lại được về đất Phật ?

Ad will display in 09 seconds

Ý nghĩa của "Ba nén hương" và "Vái ba vái" khi lễ Phật

Ad will display in 09 seconds

Những câu chuyện đáng ngẫm: Lấy vợ cho Hà Bá

Ad will display in 09 seconds

Khoa học đã lừa gạt chúng ta như thế nào?

Ad will display in 09 seconds

Bí ẩn dự án du hành thời không Montauk

Ad will display in 09 seconds

Linh dược Hỷ Lai Chi - Tặng phẩm của Phật Dược Sư thời Mạt Pháp

Ad will display in 09 seconds

Cách chọn đồ đệ của lão thợ khóa khiến nhiều người bất ngờ

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói đời là bể khổ, Phật đà khai thị 4 điều này

  • Vì sao không làm việc gian dâm nhưng  vẫn bị Thần trách phạt?

    Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

  • Vì sao Phật chỉ nhận cúng dường của cô gái nghèo

    Vì sao Phật chỉ nhận cúng dường của cô gái nghèo

  • Vì sao kẻ đồ tể lại được về đất Phật ?

    Vì sao kẻ đồ tể lại được về đất Phật ?

  • Ý nghĩa của "Ba nén hương" và "Vái ba vái" khi lễ Phật

    Ý nghĩa của "Ba nén hương" và "Vái ba vái" khi lễ Phật

  • Những câu chuyện đáng ngẫm: Lấy vợ cho Hà Bá

    Những câu chuyện đáng ngẫm: Lấy vợ cho Hà Bá

  • Khoa học đã lừa gạt chúng ta như thế nào?

    Khoa học đã lừa gạt chúng ta như thế nào?

  • Bí ẩn dự án du hành thời không Montauk

    Bí ẩn dự án du hành thời không Montauk

  • Linh dược Hỷ Lai Chi - Tặng phẩm của Phật Dược Sư thời Mạt Pháp

    Linh dược Hỷ Lai Chi - Tặng phẩm của Phật Dược Sư thời Mạt Pháp

  • Cách chọn đồ đệ của lão thợ khóa khiến nhiều người bất ngờ

    Cách chọn đồ đệ của lão thợ khóa khiến nhiều người bất ngờ

  • Vì sao nói đời là bể khổ, Phật đà khai thị 4 điều này

    Vì sao nói đời là bể khổ, Phật đà khai thị 4 điều này

x