‘Nữ anh hùng châu Phi’ qua đời vì ung thư
Nhà hoạt động môi trường người Kenya Wangari Maathai hôm nay qua đời ở tuổi 71 vì căn bệnh ung thư.
Bà Maathai nhận giải Nobel Hòa bình tại thủ đô Oslo, Na Uy, năm 2004. Ảnh: AFP. |
Bà Maathai mất tại một bệnh viện ở thủ đô Nairobi của Kenya sau một quá trình chiến đấu lâu dài với căn bệnh quái ác, AFP cho hay. Sự ra đi của Maathai khiến nhiều người xúc động bởi bà đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp bảo vệ môi trường.
“Chúng ta tiếc thương một biểu tượng toàn cầu, người đã để lại một dấu ấn mãi mãi trên thế giới trong việc bảo vệ môi trường”, Tổng thống Kynea Mwai Kibaki nói.
Trong khi đó, gia đình bà cho hay: “Sự ra đi của giáo sư Maathai là một mất mát lớn lao đối với những ai biết đến bà như một người mẹ, người thân, người cộng sự, người đồng nghiệp, một hình mẫu tiêu biểu, và một nữ anh hùng, hay những người khâm phục quyết tâm của bà để tạo nên một thế giới hòa bình hơn, lành mạnh hơn, tốt đẹp hơn”.
Desmon Tutu, một người từng giành giải Nobel mang quốc tịch Nam Phi, cho rằng Maathai thấu hiểu và đã làm việc trong những mối liên hệ không thể tách rời giữa nghèo đói, các quyền lợi và sự bền vững của môi trường. “Bà Maathai là một nữ anh hùng châu Phi thực sự”, ông Tutu nói.
Những người hâm mộ và ủng hộ bà Maathai cũng dành những lời để nói về bà trên các trang mạng xã hội. Họ cho rằng sức sáng tạo và tính kiên định của Maathai sẽ khiến tất cả phải nhớ đến bà. “Bà đã sống tốt, bà đã có một cuộc chiến đấu cam go. Chúng tôi đã được đứng trên vai của một người anh hùng”, người dùng Facebook có tên Elizabeth Maloba viết. Trong khi đó, một người dùng khác có tên Titus Mugo chỉ viết ngắn gọn: “Hãy yên nghỉ, Mẹ Kenya.”
Maathai trở thành một nhân vật quan trọng tại Kenya kể từ khi lập ra Phong trào Vành đai Xanh vào năm 1977, với mục đích hoạt động bảo vệ môi trường. Tổ chức của Maathai đã trồng được 40 triệu cây trên khắp lục địa đen.
Năm 2004, bà giành được giải Nobel Hòa bình vì công việc trồng lại rừng ở Kenya. Maathai trở thành người phụ nữ châu Phi đầu tiên, người Kenya đầu tiên và nhà hoạt động vì môi trường đầu tiên nhận được vinh dự này.
Là người phụ nữ đầu tiên ở Đông và Trung Phi có học vị tiến sĩ, Maathai còn đồng thời là người đứng đầu Hội Chữ thập Đỏ Keyna trong những năm 70 của thế kỷ trước. Ngoài công việc bảo vệ môi trường, bà còn tham gia quốc hội Kenya từ năm 2022 và giữ vị trí trợ lý bộ trưởng môi trường trong giai đoạn 2003-2005.
Trong những năm gần đây, Maathai đã lập nên những nhóm vì môi trường và phát động một số chiến dịch về biến đổi khí hậu cũng như bảo vệ môi trường. Không chỉ ở Kenya, bà còn tham gia vào những nỗ lực cứu rừng ở Congo, nơi có rừng nhiệt đới lớn thứ hai thế giới.
Bà Maathai đã ly hôn. Trước khi mất, bà sống cùng 3 người con và một cháu gái.
Nhật Nam