Vòng quanh thế giới động vật nghe kể chuyện thiên nhiên
Vừa đáp xuống một cành cây, chú chim cắt này đã phải đối mặt với ánh mắt không mấy thân thiện của chú sóc xám.
Người dân đang vây quanh một chú voi đã bị đánh thuốc mê và chuẩn bị được chuyển từ Narok, Kenya đến khu bảo tồn động vật Maasai Mara cách đó 100km. Đây là một trong những hành động của Ủy ban Bảo vệ Thiên nhiên hoang dã Kenya trong nỗ lực di chuyển nơi sinh sống của khoảng 200 chú voi từ Narok đến khu bảo tồn, nhằm bảo vệ chúng khỏi việc bị giết do đi vào khu vực sinh sống của người dân địa phương.
Một nhân viên chăm sóc đang mang bữa ăn là lá cây đến cho những chú hươu cao cổ ở khu bảo tồn động vật hoang dã Calauit ở Busuanga, Philippines. Khu bảo tồn này có diện tích khoảng 3700 héc ta và là nơi sinh sống của rất nhiều loài động vật đang bị đe dọa tại Châu Phi.
Chú hươu nâu Philippines bị cụt chân này đang trú ngụ tại một trung tâm giải cứu động vật của nhà nước tại thủ đô Manila. Rất nhiều loài động vật tại đất nước này đang có nguy cơ tuyệt chủng do bị săn bắt bởi người dân để làm thức ăn hoặc bán cho những lái buôn.
Sau một chặng bay dài trong chuyến di trú, một đàn cò trắng đang “nghỉ ngơi” tại thành phố Qinhuangdao, Trung Quốc. Được xem là một “trạm dừng” cho những đàn chim di trú từ Đông Bắc Châu Á đến Úc, hàng năm, thành phố này thu hút hàng triệu cá thể chim với hơn 400 loài.
Khoảng khắc “phiêu” với điệu nhảy của “nàng” bọ ngựa Địa Trung Hải này được ghi lại bởi nhiếp ảnh gia Hasn Baglar.
Bức ảnh này nằm trong bộ ảnh mang tên An Eventful Affair with a Vixen (tạm dịch: Chuyện tình sôi động với nàng cáo) đã mang lại cho nhiếp ảnh gia người Đức Klaus Echle giải thưởng Fritz Pölking 2011. Để có được bộ ảnh này, Klaus Echle và một nhà khoa học đã phải đi theo một “nàng cáo” tên Sophie suốt sáu tháng ròng.
Bức ảnh tuyệt đẹp chụp một đàn cá chàm xanh đuôi vàng được chụp tại rặng đá ngầm Phil, Tufi, Papua New Guinea.
Đôi bướm sặc sỡ này đang tận hưởng không khí tuyệt vời của thời tiết ấm áp vào mùa thu ở Morpeth, Northumberland, Anh.
Một đôi cá bảy màu được nuôi trong bể. Những nhà khoa học đang cảnh báo về việc thả giống cá này ra ngoài môi trường tự nhiên có thể mang đến nhiều hiệu ứng tiêu cực. Một nghiên cứu gần đây cho biết cá bảy màu cái có thể tự sinh sản mà không cần cá đực.
Ngày 22/09 là ngày Tê giác Thế giới, và trong bức ảnh này là một nhân viên kiểm lâm ở công viên quốc gia Kruger, Nam Phi, đang cầm một phần sừng của một chú tê giác được giải phẫu để lấy sừng nhằm tránh việc bị giết bởi những tên săn trộm. Mỗi năm đất nước này mất hàng trăm chú tê giác chỉ vì nạn săn trộm để lấy sừng.
Chú mèo con lông nâu này có tên là Garfield. “Cậu ta” dường như tin rằng sẽ chẳng ai thấy được mình nếu trốn trong chậu hoa bằng gốm rồi che một mắt đi. Quả đúng như cái tên của mình, Garfield tỏ ra rất nghịch ngợm.
Bộ mặt “sảng khoái” của chú cáo sau khi “vớ” được dòng nước mát trong một ngày nắng nóng. Với trí thông minh của mình, loài cáo luôn tìm đến những địa điểm có nước sạch và mát để xóa tan “cảm giác” oi bức. Chú cáo này quả là rất may mắn khi tìm thấy một ống nước bị rò rỉ.
Chú chim cánh cụt trụi lông này đã bị bố mẹ bỏ rơi chỉ vài ngày sau khi sinh. Các nhân viên Viện Hải dương học tại tỉnh Liaoning, Trung Quốc phát hiện ra “chú ta” trong tình trạng khá nguy kịch. Bị bố mẹ hắt hủi, nằm trơ trọi trên lớp băng lạnh, chỉ cần chậm vài phút nữa thôi, chú chim cánh cụt này sẽ chết vì thiếu đi lớp lông dày bảo vệ.
Sau khi phục hồi sức khỏe, các nhân viên Viện Hải dương học đã trả chú về với bố mẹ nhưng dường như bố mẹ của chú không tỏ ra quan tâm. Vì vậy, các nhân viên làm việc tại đây đã quyết định tự nuôi chú chim cánh cụt kém may mắn này.
Những chú sóc đỏ 5 tuần tuổi đang say giấc trên “chiếc giường” của mình tại Trung tâm chăm sóc động vật hoang dã ở Anh. Chúng bị rơi khỏi tổ sau khi cơn bão Katina đi qua vùng Northumberland.
Chú khỉ này đang nghĩ gì mà trông ưu tư thế nhỉ? Bức ảnh được ghi lại bởi nhiếp ảnh gia Karsten Wrobel tại Vườn Quốc gia Tangkoko, đảo Sulawesi, Indonesia. Tư thế này của chú khỉ gợi chúng ta nhớ đến tác phẩm điêu khắc “The Thinker” nổi tiếng.
Tại vườn thú Quingdao, tỉnh Shandong, Trung Quốc, một chú chó “bỗng dưng” trở thành… y tá đặc biệt cho ba chú hổ Siberia mới sinh vì mẹ của chúng không đủ sữa để chăm sóc con mình.
Bức ảnh đầy ấn tượng về tình cảm giữa con người và loài mãnh thú rừng sâu. 12 năm trước đây, cô Ana Juilia Torrest đã giải cứu chú sư tử Jupiter từ một rạp xiếc “khét tiếng” về việc buôn bán trái phép và ngược đãi thú rừng. Để cứu giúp những sinh vật tội nghiệp, cô Ana đã thành lập Trung tâm Lorena cách đây 17 năm. Tính đến nay, cô đã bảo vệ trên 600 động vật với đủ các loài, kích cỡ.
Nhân viên “Thế giới gấu trúc” Fuzhou tại miền Nam Trung Quốc quyết định tặng chú gấu Long Fei một quả bóng rổ trong dịp sinh nhật thứ 11 của “cậu”.
Trong khi đó, “cô” hà mã Mae Mali đang kỷ niệm ngày sinh lần thứ 45 của mình với một chiếc “bánh ga – tô” tại vườn thú Dusit, Bangkok, Thái Lan.
Nhưng tất cả sẽ chẳng thấm vào đâu nếu so sánh với Ricky, chú vượn tròn 50 tuổi, đang chuẩn bị mở hộp quà đặc biệt của mình.