6 phong tục đám cưới truyền thống phổ biến của phương Tây
Bạn có biết truyền thống bánh kem trong ngày cưới, váy trắng cô dâu hay đi hưởng tuần trăng mật tới nay vẫn luôn phổ biến rộng rãi ở các quốc gia trên thế giới. Các phong tục ấy thật ra đã có từ thời rất xa xưa, và cho đến nay mặc dù đã bị biến đổi khá nhiều nhưng vẫn là những nghi thức mang rất nhiều ý nghĩa trong ngày cưới của đôi vợ chồng.
Tại phương Tây, các đám cưới truyền thống ở nhiều quốc gia có sự tương đồng, đều có lễ đính hôn, tiệc độc thân, nghi thức dắt tay cô dâu vào lễ đường, bánh cưới, tuần trăng mật,…
Nhưng bạn có bao giờ thắc mắc các truyền thống này bắt nguồn từ đâu và tại sao chúng vẫn được thực hiện cho đến ngày nay? Dưới đây là một số phong tục truyền thống đám cưới phổ biến và nguồn gốc của chúng.
Tiệc độc thân
Ngày nay, người ta thường tổ chức tiệc độc thân (bachelor) với những người bạn bè thân thiết để chia tay quãng thời gian độc thân trước khi bước vào đời sống vợ chồng.
Tài liệu tham khảo đầu tiên về tiệc độc thân có từ thế kỷ 19 và có thể được tìm thấy trong từ điển tiếng Anh Oxford, nhưng thực tế, các bữa tiệc trước ngày kết hôn của chú rể đã có từ thế kỷ 5 TCN tại vương quốc Sparta cổ đại.
Điều thú vị là thuật ngữ “bachelor” ban đầu có nghĩa là một hiệp sĩ trẻ đang được huấn luyện, và được nhắc đến trong “Truyện cổ Caunterbury” của nhà văn Geoffrey Chaucer ở thế kỷ 14. Trong đó, ông đã dùng thuật ngữ này để chỉ một người đàn ông chưa lập gia đình.
Váy cưới trắng
Truyền thống cô dâu mặc áo cưới trắng bắt nguồn từ vương quốc Anh và do nữ hoàng Victoria khởi xướng.
Vào năm 1840, khi kết hôn với Hoàng tử Albert, nữ hoàng Victoria mặc một chiếc váy ren màu trắng. Nắm bắt xu hướng truyền thống của các cô dâu hoàng gia thường mặc áo choàng gấm trang trí công phu, Nữ hoàng đã tạo ra một xu hướng thời trang mới và tin tức về chiếc váy của bà lan khắp Đế quốc và khắp Bắc Mỹ.
Những người thuộc tầng lớp thượng lưu nhanh chóng theo gót nữ hoàng. Tuy nhiên xu hướng này không được tầng lớp trung lưu ở Vương quốc Anh đón nhận hoàn toàn cho đến tận sau Thế chiến 2.
Dắt tay cô dâu vào lễ cưới
Trong nhiều đám cưới, một thành viên nam của gia đình sẽ dắt tay cô dâu tiến vào lễ đường để trao cho chú rể. Người này thường là cha cô dâu mặc dù không phải lúc nào cũng như vậy.
Truyền thống này mang ý nghĩa rằng thành viên gia đình sẽ đồng hành cùng cô dâu trên đường đến cuộc sống mới. Nghi thức đã trở thành một phần của các đám cưới trên khắp thế giới trong nhiều thế kỷ qua.
Ngoài ra, ta cũng có thể hiểu theo hướng rằng con gái thường được xem là tài sản của người cha. Vì vậy khi người cha trao con gái cho chú rể nghĩa là ông đã chuyển quyền sở hữu và trách nhiệm của mình cho chồng cô dâu.
Bánh cưới
Những chiếc bánh cưới có thể có kiểu dáng rất cầu kỳ, đẹp mắt và đắt tiền. Theo truyền thống, bánh cưới có dạng tầng, và được tô điểm bằng mọi thứ từ hoa lá đến những “viên ngọc” ăn được.
Tuy nhiên bánh cưới không phải là điều gì mới mẻ mà có nguồn gốc từ thời La Mã cổ đại. Thời đó, một chiếc bánh đơn giản sẽ được làm bể trên đầu cô dâu để mang lại may mắn.
Trong thời kỳ Trung cổ, bánh cưới thường được xếp chồng lên nhau càng cao càng tốt. Đây được xem như một dạng thử thách dành cho cô dâu và chú rể. Nếu như họ có thể đặt nụ hôn trên chiếc bánh kem cao nhất, họ sẽ có thể có được một hôn nhân tốt đẹp.
Từ thế kỷ 17 đến thế kỉ 19, “bánh cô dâu” thường được phục vụ trong các tiệc cưới. Đôi khi bên trong sẽ có một chiếc nhẫn thủy tinh và bất kỳ ai tìm thấy chiếc nhẫn sẽ có thể là người kết hôn tiếp theo. Theo thời gian, bánh cưới được dùng để thể hiện địa vị xã hội và sự giàu có. Chiếc bánh càng to và lộng lẫy thì vị thế xã hội của họ càng cao.
Tuần trăng mật
Sau khi đám cưới kết thúc, cặp đôi sẽ bắt đầu tuần trăng mật tại một nơi tuyệt đẹp nào đó để tận hưởng niềm hạnh phúc mới.
Thuật ngữ “hony moon” (Tuần trăng mật) bắt nguồn từ nghi thức hai vợ chồng uống rượu lên men từ mật ong đều đặn trong vòng một tháng (một chu kỳ Mặt trăng) sau lễ kết hôn. Ngày nay, dù không còn mấy người làm theo tập tục đó nhưng cách gọi “trăng mật” vẫn được sử dụng để thể hiện sự ngọt ngào của tình yêu.
Năm 1542, tác giả Samuel Johnson mô tả tuần trăng mật là “tháng đầu tiên sau khi kết hôn, khoảng thời gian không có gì ngoài yêu thương và niềm vui thích”. Thú vị là một nghiên cứu năm 2015 cho thấy đi hưởng tuần trăng mật làm giảm nguy cơ ly dị.
Bế cô dâu qua ngưỡng cửa
Tục lệ chú rể bế cô dâu qua ngưỡng cửa hoặc qua cửa có ý nghĩa khác nhau trong các nền văn hóa khác nhau.
Ở La Mã cổ đại, người ta tin rằng nếu cô dâu bị vấp ngã ở ngưỡng cửa sẽ mang lại điều xui xẻo cho hôn nhân. Vì vậy việc chú rể bế cô dâu qua cửa được xem là cách có thể ngăn chặn điều này.
Dĩ nhiên sẽ có nhiều cô dâu và chú rể không biết tất cả nguồn gốc của những lễ nghi truyền thống trong ngày trọng đại của mình. Nhưng nếu như những truyền thống này có thể giúp cho cặp đôi có được một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, thì xem ra có càng nhiều nghi thức truyền thống càng tốt!
Hồng Liên, Theo The Vintage News