6 kỹ năng cứu người bạn nhất định phải biết
Trong những tai nạn bất ngờ, kỹ năng sơ cứu khẩn cấp đóng một vai trò quan trọng. Nếu không biết sơ cứu đúng cách, chấn thương mà bạn gặp phải rất có thể sẽ trở nên trầm trọng, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Dưới đây là một số cách sơ cứu quan trọng bạn nên biết.
1. Bị rắn cắn
Nhìn vào vết cắn có thể phân biệt đâu là vết cắn của rắn độc, đâu là vết cắn của rắn bình thường. Các loại rắn thường (trăn, rắn nước, rắn bông súng, rắn lục cườm…) không có răng độc mà chỉ có răng hàm nên khi cắn để lại vết cắn hình vòng cung, dấu răng đều nhau, đôi khi để lại răng trên vết cắn.
Còn vết cắn của rắn độc thường để lại dấu răng độc to hơn răng thường. Rắn độc có hai tuyến nọc và hai răng độc nên khi cắn thường để lại hai dấu răng, cũng có khi là ba hoặc bốn dấu răng. Máu rỉ ra từ chỗ bị răng độc găm vào rất rõ.
Nếu bị nhóm rắn hổ cắn thì phải cấp cứu khẩn trương vì chất độc của loại này rất mạnh, thời gian tử vong nhanh. Cần buộc garô (tại những chỗ có thể) phía trên vết cắn 3-5 cm, rửa sạch vết cắn, tẩy nọc, rạch rộng vết cắn chừng 1-2 cm để hút máu tại chỗ rắn cắn. Sau đó, mau chóng đưa bệnh nhân tới viện.
Nếu bị nhóm rắn lục cắn thì không cần các phương pháp như garô, rạch vết thương và hút máu. Garô có thể khiến bệnh nhân dễ bị hoại tử còn rạch vết thương dễ khiến không cầm máu được. Trường hợp này chỉ cần băng ép vùng bị thương, tẩy nọc rồi nhanh chóng chuyển người bị nạn tới bệnh viện.
2. Co giật
Đặt một miếng vải mềm vào bên trong miệng của bệnh nhân đang lên cơn co giật sẽ giúp họ không cắn vào lưỡi mình. Nếu để vật cứng vào miệng có thể khiến họ gãy răng, gãy xương quai hàm. Sau đó chuyển họ đến một nơi thoải mái rồi đặt họ nằm trên một cái gối dưới đầu trước khi gọi xe cứu thương.
3. Axit, hóa chất rơi vào mắt
Nếu lỡ bị hóa chất rơi vào mắt, hãy nhanh chóng rửa mắt dưới vòi nước chảy liên tục từ 10 – 15 phút. Nước sẽ giúp tẩy đi những loại hóa chất bên trong mắt. Đương nhiên, sau đó hãy nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để có được biện pháp điều trị tốt nhất.
4. Bị hóc
Không nên cố móc ngón tay vào bên trong cổ họng vì có thể vô tình càng đẩy vật lạ rơi vào sâu hơn. Bạn có thể đứng phía sau, dùng hai tay xốc, ép vào bụng bệnh nhân chừng 5 lần hoặc nhiều hơn. Lực ép sẽ khiến vật lạ văng ra ngoài. Tuy nhiên, nếu đã áp dụng nhiều phương pháp mà tình hình không biến chuyển, tốt hơn hết hãy chở bệnh nhân tới gặp bác sĩ.
5. Bong gân
Khi bị bong gân, tuyệt đối không dán cao nóng hoặc dùng nhiệt để chữa vì sẽ càng làm tình trạng sưng tấy trở nên trầm trọng hơn. Bạn có thể chườm 1 viên đá lạnh lên chỗ bị thương trong khoảng 15 – 20 phút. Đá lạnh có thể làm giảm sưng, tiêu viêm. Sau đó hãy băng garô chỗ bị sưng lại, tránh vận động mạnh trước khi tới bệnh viện chụp chiếu.
6. Cứu người đuối nước
Đuối nước là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Khi không có kỹ năng bơi lội tốt, hãy nhớ bơi ra cứu người là biện pháp cuối cùng. Hãy thực hiện trình tự sau: Với tay, ném phao, chèo thuyền và bơi ra.
Nếu người bị nạn ở gần thành bể bơi, cầu neo, hãy nằm thẳng trên mặt đất và với tay ra phía người bị nạn. Có thể tận dụng gậy, cành cây ở xung quanh để người bị đuối nước vin vào. Nếu quanh đó có phao cứu nạn, mau chóng ném xuống phía người bị nạn. Nếu có thuyền, hãy cố gắng chèo thật nhanh ra cứu người.
Cuối cùng, bơi ra cứu người là giải pháp cuối cùng. Hãy mang theo phao hoặc áo bơi để người bị nạn mặc. Tiếp cận người bị nạn từ phía sau. Trong trường hợp cần thiết, có thể đánh mạnh vào mặt người bị nạn để người đó bất tỉnh trước khi tiến hành cứu người. Người bị đuối nước rất hoảng loạn. Nếu không tiếp cận đúng cách, họ thường có xu hướng gây nguy hiểm cho chính người bơi ra cứu họ.
Theo daikynguyenvn.com