Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột mất về tay Trung Quốc
Giới kinh doanh xuất khẩu cà phê Việt Nam đang đứng ngồi không yên khi thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của tỉnh Đăk Lăk đã bị đăng ký bảo hộ độc quyền trong vòng 10 năm tại Trung Quốc.
Cụ thể, hai nhãn hiệu “BUON MA THUOT & chữ Tàu” và “BUON MA THUOT COFFEE 1896 & logo” gắn liền với nhiều sản phẩm trong đó có cà phê, đã được Trung Quốc cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền cho Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd. Hai nhãn hiệu này được đăng ký lần lượt vào ngày 14/11/2010 và 14/6 năm nay, tại tỉnh Quảng Đông.
Không chỉ có cà phê Buôn Ma Thuột, một thương hiệu khác nổi tiếng về cà phê ở Việt Nam là Đăk Lăk cũng đã bị công ty Itm Entreprises (Société Anonyme) ở Pháp đăng ký độc quyền nhãn hiệu dưới tên của mình. Chứng nhận do cơ quan Sở hữu trí tuệ Pháp cấp từ ngày 25/9/1997, được đăng ký bảo hộ ở hơn 10 quốc gia khác.
Hai nhãn hiệu “BUON MA THUOT & chữ Tàu” và “BUON MA THUOT COFFEE 1896 & logo” đã được Trung Quốc cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền cho công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd. |
Bross & Partners là một công ty luật hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và đại diện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, đã phát hiện việc bị mất thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột vào tay doanh nghiệp Trung Quốc và lên tiếng cảnh báo.
Giám đốc Bộ phận Sở hữu trí tuệ Công ty Luật Bross & Partners, ông Lê Quang Vinh cho biết việc thương hiệu cà phê của Việt Nam bị nước ngoài đăng ký bảo hộ độc quyền là rất nguy hiểm. “BUON MA THUOT (hoặc DAK LAK) đều là chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và là tài sản của nhà nước. Việc chủ thể nước ngoài sở hữu nó đồng nghĩa với việc tài sản của nhà nước bị rơi vào tay người khác”, luật sư Vinh cho biết.
Mặt khác, theo luật sư Vinh, việc này sẽ làm xuất hiện nguy cơ cà phê Việt Nam bị kiện hoặc bị ngăn chặn xuất khẩu ngay tại cửa khẩu biên giới các nước do xâm phạm độc quyền nhãn hiệu. Về lâu dài, niềm tin của khách hàng nước ngoài đối với cà phê Việt Nam có thể suy giảm nghiêm trọng do không thể phân biệt được đâu là cà phê từ Buôn Ma Thuột thật và đâu là cà phê Buôn Ma Thuột “rởm”.
“Chúng tôi đã tư vấn cho Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đăk Lăk, đánh giá khả năng thành công khá cao nếu tiến hành vụ kiện yêu cầu bỏ bảo hộ độc quyền nhãn hiệu BUON MA THUOT Trung Quốc”, ông Vinh cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam Lương Văn Tự cũng cho rằng việc doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột là sai, bởi lẽ thuộc chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Vì vậy tỉnh Đăk Lăk quản lý thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột phải kiện để yêu cầu doanh nghiệp Trung Quốc từ bỏ quyền sử dụng nhãn hiệu này.
Ông Tự cho rằng, vụ việc này sẽ tác động lâu dài đến xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.
Cục trưởng cục sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học công nghệ, Trần Việt Hùng nhận định, đây không phải là lần đầu tiên thương hiệu Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu. Trước đây kẹo dừa Bến Tre, cà phê Trung Nguyên…. cũng gặp tình trạng tương tự và đã khởi kiện dành được phần thắng ngay tại Trung Quốc.
Ông Hùng cũng chung ý kiến là cần khởi kiện để đòi lại quyền sở hữu thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. UBND thành phố Buôn Ma Thuột, nơi sở hữu thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột phải là nguyên đơn khởi kiện, còn Cục sở hữu trí tuệ sẽ hỗ trợ về mặt hành chính, cơ sở pháp lý.
“Hiện nay chưa có doanh nghiệp cà phê nào của Buôn Ma Thuột báo cáo là bị ảnh hưởng bởi nhãn hiệu bị đăng ký độc quyền ở Trung Quốc, nhưng về lâu dài có thể sẽ xảy ra trường hợp như của kẹo dừa Bến Tre. Vì vậy chúng ta nên khởi kiện sớm để đòi lại thương hiệu”, ông Hùng nhấn mạnh.
Thiếu nữ bên cây cà phê Buôn Ma Thuột. Ảnh: Q.T. |
Trao đổi với VnExpress.net, giảng viên Kinh tế Luật – Đại học quốc gia TP HCM, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn phân tích, ảnh hưởng của việc thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký độc quyền sẽ rất khó lường. Vấp phải sự cố này, việc xuất khẩu cà phê chắc chắn sẽ gặp khó vì người tiêu dùng thế giới nhầm lẫn thương hiệu và vấp quy định sở hữu độc quyền. Điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của doanh nghiệp, kéo theo sản lượng xuất khẩu chắc chắn sụt giảm.
Theo ông Sơn, chưa chắc mục đích doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bản quyền thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột hay Đăk Lăk là tranh giành khách hàng. Việc này có thể tác động tiêu cực khác là ngăn chặn và hạn chế sự xuất hiện của sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk chính hiệu trên thị trường quốc tế.
Để đòi lại thương hiệu, theo ông Sơn, tỉnh Đăk Lăk có thể làm theo hai cách. Thứ nhất bằng con đường ngoại giao, đàm phán. Thứ hai, tiến hành một vụ kiện đòi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định trong khuôn khổ WTO. Trong đó cơ sở pháp lý là nhãn hiệu cà phê này gắn liền với địa danh Buôn Ma Thuột có nguồn gốc từ Việt Nam và là một vùng đặc sản lâu đời.
Trong trường hợp khởi kiện, chi phí sẽ rất lớn nhưng nếu các doanh nghiệp ở vùng sản xuất cà phê này biết cùng nhau chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm thì dù thắng hay thua kiện cũng tác động tích cực đến ý thức cộng đồng quốc tế về cà phê Việt Nam.
“Giá trị nội địa và giá trị quốc tế không còn khoảng cách khi Việt Nam gia nhập WTO. Việt Nam có rất nhiều đặc sản. Vì vậy các doanh nghiệp và cả nhà nước cần phải ý thức gìn giữ những giá trị này trong cuộc chạy đua cạnh tranh thương mại toàn cầu”, ông Sơn khuyến cáo.
Buôn Ma Thuột được xem là “thánh địa” của cà phê Việt Nam, với hơn 100.000 ha diện tích trồng cây nguyên liệu. Sản lượng cà phê bình quân vùng khoảng 300.000 tấn một năm, xuất khẩu ra khoảng 60 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Sản lượng cà phê cả nước một năm chừng một triệu tấn.
Nhóm phóng viên