5 năm tiểu học của con, 16 điều quan trọng cha mẹ nhất định phải biết
Giai đoạn tiểu học tuy chỉ có 5 năm, nhưng lại là giai đoạn phát triển quan trọng nhất. Dưới đây là 16 điều mà các bậc phụ huynh và thầy cô giáo cần phải biết để giúp các em phát triển toàn diện hơn.
Tiểu học là giai đoạn phát triển quan trọng nhất trong quá trình trưởng thành của một đứa trẻ. Ở độ tuổi 6-12 tuổi, ngoài việc học tập thì có một số vấn đề khác cũng không kém phần trọng yếu. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
1. Khả năng thích ứng hoàn cảnh
Xét từ góc độ tâm lý, thì cảm giác an toàn, sự thỏa mãn và phụ thuộc vốn là điều quan trọng đầu tiên mà một đứa trẻ cần. Ở trong một môi trường mới, nếu chúng cảm nhận được rằng ở đó chúng được hoan nghênh, được thừa nhận, được thấu hiểu… sẽ khiến chúng cảm giác được an toàn. Như vậy sẽ khiến cho chúng hiểu rằng chúng thực sự thuộc về nơi đó. Vậy nên, ở trong hoàn cảnh này, điều chúng cần nhất và trước tiên đó là sự đón nhận của gia đình, sau đó mới là sự đón nhận của tập thể.
2. Không chỉ có trường học là nơi đánh giá năng lực
Vì sao không phải chỉ có trường học?
Một nguyên nhân chủ yếu là, ở trường học chỉ có một tiêu chuẩn đánh giá, đó là học tập, còn tiêu chuẩn đánh giá của những nơi khác so vơi trường học lại có sự khác biệt.
Ví như, ở trường đứa trẻ có thành tích không mấy xuất sắc, nhưng ở nơi khác chúng lại có năng lực trong các hoạt động khác, Vì vậy, tại những môi trường này chúng nó sẽ được công nhận, tán thưởng. Điều này tránh được việc đánh giá phiến diện trong môi trường trẻ lớn lên, giúp trẻ hiểu được rằng bản thân mình có những thế mạnh khác nhau.
3. Cần có một nơi có thể khiến cho trẻ thoải mái tâm sự
Cùng với việc trẻ ngày một lớn lên, thì những chuyện “bí mật”, “khó nói” cũng ngày càng nhiều. Chúng biết rằng cha mẹ luôn luôn đặt kỳ vọng vào mình, cho nên có những chuyện chúng không thể chia sẻ với cha mẹ được. Vì vậy cần phải có một nơi để trẻ có thể thoải mái tâm sự những điều thầm kín trong lòng. Đây là điều cần thiết. Điều này có thể giúp trẻ phát triển năng lực tư duy, tăng thêm trình độ biểu đạt và nhận thức vấn đề.
4. Cần có người dẫn dắt, hướng dẫn
Trẻ từ 6 – 12 tuổi là giai đoạn gọi là “tuổi teen”, cần có một người bạn “tinh thần” chỉ dẫn cho chúng những điều nên và không nên làm. Người này có thể làm bạn đồng hành cùng với trẻ, cùng nhau tìm hiểu những vấn đề mới mẻ, tìm hiểu xem chính mình muốn cái gì, tại sao và làm như thế nào để có thể giải quyết vấn đề ? Có thể đưa ra những ý kiến hoặc gợi ý cho chúng, khuyến khích chúng.
Người bạn “tinh thần” này có thể là cha mẹ, thầy/cô giáo, cũng có thể là một thành viên khác trong gia đình mà trẻ mến mộ hoặc là một người có tiếng tăm hoặc có ảnh hưởng trong xã hội.
5. Cần tạo thói quen tự biểu đạt tư tưởng
Cha mẹ cần phải tạo điều kiện cho trẻ có thói quen biểu đạt tư tưởng của mình.
Khi trẻ hỏi “vì sao” thì cần trả lời giải thích cho chúng hiểu. Hoặc cha mẹ cũng thỉnh thoảng hỏi lại trẻ “vì sao?”, cho trẻ cơ hội suy nghĩ và giải thích vấn đề theo cách nhìn nhận của chúng. Thậm chí đôi lúc cha mẹ phải cùng với trẻ tìm hiểu và đưa ra phương pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề ấy. Đây là cách giúp trẻ sắp xếp và biểu đạt tư tưởng của mình.
6. Cần không ngừng tìm hiểu xác định điều mình muốn
Chúng ta sống đều luôn tự hỏi: “Ta là ai? Ta muốn cái gì? Điều gì khiến ta vui vẻ?”. Chúng ta sẽ nhận ra rằng: Hạnh phúc khiến người ta mạnh mẽ, không theo đuổi những gì mình không mong muốn, nhưng người khác lại ép buộc chúng ta phải theo đuổi chúng.
Trong xã hội hiện nay, phần lớn mọi người đều nghĩ đến những điều mà mình cần phải có, mà không phải là những gì chúng ta thực sự mong muốn. Nếu không biết chính mình muốn cái gì sẽ khiến cho ta mờ mịt. Đặc biệt đối với lứa tuổi tiểu học, nếu không sớm giáo dục chúng hiểu những vấn đề này thì khi lớn lên, chúng sẽ không xác định được mục tiêu của mình, từ đó mà dễ mất phương hướng, dẫn đến những hành vi không đúng đắn.
Như vậy cha mẹ cần phải làm gì? Cách tốt nhất đó là dùng phương thức đặt ra câu hỏi “vì sao, vì cái gì” cho các vấn đề. Trải qua quá trình không ngừng đặt câu hỏi, tự suy xét như vậy, sẽ khiến cho trẻ không ngừng học hỏi và hiểu rõ mong muốn của mình.
7. Đúc rút kinh nghiệm, ghi chú lại những bài học kinh nghiệm
Ngay từ nhỏ cần phải tập cho trẻ có thói quen thực hiện việc này, sau khi lớn lên chúng đã có một cuốn tập hợp kinh nghiệm.
Tự mình viết lại những kinh nghiệm sẽ giúp rất nhiều cho quá trình trưởng thành của trẻ: Thứ nhất là khả năng viết tăng lên khi viết được một cuốn kinh nghiệm như thế; thứ hai là sẽ khiến cho trí não phát triển thông minh, vạch ra được phương pháp tốt nhất để học tập; thứ ba là có thể biến cuốn ghi chép này thành kinh nghiệm có thể áp dụng cho công việc sau này.
8. Đặt ra mục tiêu và kế hoạch thực hiện
Khi trẻ bắt đầu từ lúc 9 tuổi, cha mẹ nên gợi ý cho chúng cần đặt ra mục tiêu cho mình và lên kế hoạch để thực hiện được mục tiêu đó. Đối với trẻ, điều quan trọng chính là đưa ra mục tiêu và sau đó vận dụng mọi khả năng của mình để đạt được. Điều này sẽ giúp trẻ nâng cao nhận thức, hơn nữa khi chúng thực hiện được mục tiêu đã đề ra chúng sẽ vui vẻ, tự tin hơn.
Hơn nữa thông qua quá trình này, cha mẹ cũng có thể phát hiện được con mình hiểu rõ bản thân mình không để kịp thời có biện pháp giúp đỡ chúng trưởng thành.
9. Cần gần gũi với thiên nhiên
Con người sống cần phải giao hòa với thiên nhiên. Tuy nhiên ngày nay do tính chất phát triển phức tạp của cuộc sống xã hội cho nên việc tiếp xúc với thiên nhiên ngày càng bị hạn chế. Vì vậy để cho trẻ tiếp xúc, gần gũi với tự nhiên là một điều không kém phần quan trọng. Việc gần gũi với thiên nhiên sẽ giúp các em cảm nhận được sự biến hóa và phát triển của tự nhiên xung quanh mình, đồng thời giúp các em ý thức được trách nhiệm của mình đối với môi trường xung quanh. Cần phải để các em hiểu được rằng, con người phải sống có trách nhiệm đối với thiên nhiên.
10. Cần theo đuổi hoạt động thể thao mình ưa thích
Tham gia các hoạt động thể thao và nghệ thuật xuất phát từ sự yêu thích của bản thân, cũng là một trong những phương pháp để giải tỏa tâm lý cho trẻ. Cha mẹ cùng trẻ vui chơi thể thao… là cơ hội để trao đổi, thảo luận những vấn đề khác ngoài việc học tập, từ đó mà gia tăng sự gần gũi, thấu hiểu lẫn nhau.
11. Tổ chức các hoạt động chung định kỳ hàng năm
Gia đình thường tổ chức các hoạt động chung định kỳ hàng năm như thi đấu, du lịch, hay tiệc tùng … sẽ trở thành nét văn hóa riêng, truyền thống riêng. Điều này cũng không kém phần quan trọng trong giai đoạn trưởng thành của trẻ.
Giai đoạn trưởng thành sau tiểu học có những trạng thái tâm lý bất thường, các hoạt động gia đình này sẽ giúp gắn kết tình cảm gia đình, cha mẹ và con cái gần gũi nhau, giúp trẻ vượt qua được thời kỳ tâm lý phức tạp của độ tuổi này. Đồng thời qua đó, trẻ cũng sẽ học hỏi được những kiến thức không có trong sách vở, để chúng hiểu rằng không chỉ học tập ở trường mà còn học hỏi mọi lúc, mọi nơi.
12. Có bộ sưu tập kỷ niệm của riêng mình
Bất kể là thu thập cái gì, từ vật có giá trị hoặc không có giá trị, từ sưu tập kỷ niệm của những lần du lịch, thi đấu, sưu tập búp bê …. giúp cho trẻ tạo cho mình một thế giới yêu thích của riêng mình. Từ những thứ thu thập được sẽ giúp trẻ dần hình thành và hiểu rõ bản thân, giúp trẻ xác định được mục tiêu của mình.
Sưu tầm còn là một thói quen sinh hoạt lành mạnh và đầy sáng tạo. Vì vậy cần phải giáo dục cho trẻ trong độ tuổi này có thói quen sưu tầm, thu thập những thứ mình thích, giúp cho chúng nhận thức được nhiều điều thú vị trong cuộc sống.
13. Tự mình hoàn thành công việc
Tự mình làm ra một món đồ là sự rèn luyện năng lực làm việc của trẻ. Đặc biệt thông qua quá trình trẻ tự hoàn thành một công việc, một tác phẩm nào đó, chúng sẽ có cảm giác thỏa mãn, thích thú với thành công của mình. Điều này rất có ý nghĩa.
14. Cần có trải nghiệm tiếp xúc xã hội
Mỗi một đứa trẻ cũng là một nhân tố của xã hội, vì vậy chúng cũng cần tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Chính trong việc tiếp xúc này mà chúng có thể nhận ra những điều khác biệt giữa người với người, khác biệt về văn hóa, từ đó mà có những nhận định, cái nhìn về tổng thể xã hội, đồng thời nhận ra chính mình.
Ở lứa tuổi học sinh tiểu học, trẻ rất ít có điều kiện tiếp xúc với xã hội, cho nên một khi bước ra xã hội sẽ khiến chúng cảm thấy lo lắng. Vì vậy trẻ cần được thể nghiệm như nhờ sự giúp đỡ của người lạ, hỏi đường …., hoặc tự mình sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, tất nhiên phải lấy yếu tố an toàn làm điều kiện tiên quyết.
15. Cần có kinh nghiệm về thất bại
Thất bại đôi khi cũng có những giá trị của nó, đối với sự trưởng thành của trẻ đó sẽ là những kinh nghiệm quý báu. Khi đứa trẻ trải qua một vài sự kiện thất bại hoặc không như ý, chúng sẽ cảm giác được dư vị của sự thất bại, sau này khi đối mặt với thất bại đứa trẻ sẽ có thể tự mình đánh giá và thừa nhận vấn đề. Đó cũng là động lực để đứa trẻ cố gắng làm tốt những lần sau.
Có rất nhiều bậc cha mẹ không chấp nhận được thực tế là thất bại, nên nhiều khi đối diện với thất bại của trẻ thì phản ứng quá mạnh. Điều này khiến cho tâm lý của đứa trẻ trở nên nặng nề, dần dần chúng sẽ có tâm lý trốn tránh. Đây sẽ là một trở ngại lớn đối với quá trình trưởng thành của trẻ.
16. Biết nói “không” và từ chối
Các bậc cha mẹ đặc biệt khó mà đưa ra lời cự tuyệt đối với trẻ, khi họ từ chối trẻ một vấn đề nào đó, họ cảm thấy lo lắng trẻ nghĩ mình không thương chúng…
Nếu ở tuổi nhi đồng mà đứa trẻ không bao giờ trải qua việc bị từ chối lần nào thì cuộc sống của chúng rất yếu ớt. Lúc nào chúng cũng được thỏa mãn mong muốn của mình, lúc nào cũng được bảo hộ, vậy thì sau khi lớn lên, khi rời xa vòng tay gia đình, chúng phải đối diện cuộc sống như thế nào đây?
Mặt khác trẻ cũng cần phải hiểu được cần nói “không”. Nếu trẻ không có cơ hội nói từ “không”, chúng sẽ không hiểu và tôn trọng quyền lợi của mình. Khi một đứa trẻ nói từ “không” để từ chối vấn đề nào đó thì quá trình nói từ “không” đó thể hiện được sự tự quyết và giá trị quyền lợi bản thân.
Giai đoạn tiểu học ảu trẻ chỉ có vẻn vẹn trong 6 năm ngắn ngủi. Trong 6 năm này, việc quan trọng không chỉ là học tập, mà còn vần phải lưu ý giáo dục cho trẻ những vấn đề khác. Không chỉ học kiến thức ở sách vở, trẻ còn cần có những kiến thức khác về cuộc sống, môi trường sống và những người xung quanh. Trên đây là 16 điều không kém phần quan trọng, các bậc cha mẹ cần phải lưu tâm.
Đức Hạnh, theo cmoney.tw