5 loại thực phẩm đặc biệt tốt cho phái nữ theo y học cổ truyền
Dưới đây là 5 loại thực phẩm đặc biệt tốt cho phụ nữ, được khuyến nghị bởi các bác sĩ y học cổ truyền. Đó là những thực phẩm vẫn thường xuất hiện trong bữa ăn, nhưng không phải ai cũng biết công dụng tuyệt vời của chúng.
1. Củ mài (củ từ)
Củ mài hay củ từ được coi là một loại thực phẩm kỳ diệu. Cách thức chế biến phổ biến nhất là xào hoặc nấu canh. Trong y học cổ truyền, củ mài được công nhận mang lại nhiều lợi ích sức khoẻ vì nó giúp thanh lọc thận và tỳ (lá lách).
Y học cổ truyền tin rằng thận là cái gốc của sinh mệnh, quyết định các yếu tố di truyền và khả năng sinh sản. Còn tỳ có chức năng hấp thu và vận chuyển chất dinh dưỡng để nuôi các bộ phận khác trong cơ thể, y học cổ truyền gọi là có công năng vận hóa. Vì vậy, vai trò của tỳ trong hệ thống tạng là đặc biệt quan trọng.
Dưới đây là 8 lợi ích sức khỏe của việc ăn củ từ:
- Bổ tỳ và dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa
- Ích thận, dưỡng sinh
- Bổ phổi, khỏi ho
- Hạ đường huyết
- Nâng cao tuổi thọ
- Ngăn chặn tình trạng hôn mê gan
- Làm dịu tâm trạng và điều hòa giấc ngủ
- Chữa thiếu khí huyết và đau dạ dày.
2. Gừng
Gừng là một gia vị phổ biến trong nhà bếp, với vị cay và thơm, nó mang lại hương vị khá độc đáo cho các món ăn. Ngoài để nấu ăn, gừng còn là một thảo dược hiệu quả trong y học cổ truyền. Hàng ngàn năm qua, các y học gia Ấn Độ và Trung Quốc cổ đại vẫn thường dùng gừng như một loại thảo dược trị bệnh.
Y học cổ truyền Trung Quốc tin rằng gừng tốt cho hệ tuần hoàn và giúp cân bằng âm dương trong cơ thể. Tác dụng chữa bệnh của nó bao gồm “hồi phục dương khí” và “thải trừ hàn khí”. Làm ấm dạ dày và bổ sung dương khí ở tỳ, gừng giúp hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa buồn nôn và giảm chứng đau dạ dày co thắt do lạnh, theo sách Bản Thảo Kinh Tập Chú.
Theo nhiều y học gia, gừng là một loại thực phẩm rất tốt cho phụ nữ. Nghiên cứu hiện đại cho thấy gừng có hiệu quả trong việc giảm triệu chứng tiền kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh và ốm nghén hoặc buồn nôn ở phụ nữ mang thai. Đối với các bà mẹ mới sinh, uống trà pha với gừng già có thể làm ấm cơ thể, tăng tốc độ bài tiết của máu còn sót lại từ tử cung.
Dưới đây là 7 công dụng chữa bệnh của gừng:
- Chống viêm, ngăn ngừa ung thư và oxy hóa
- Bổ tỳ và dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa, giảm buồn nôn
- Giảm triệu chứng đau bụng kinh
- Làm giảm bớt chứng đau nửa đầu
- Hạ đường huyết và cholesterol
- Giảm hen suyễn
- Tăng cường hệ thống miễn dịch.
3. Câu kỷ tử
Câu kỷ tử (tên khoa học là Lycium Barbarum) đã được sử dụng từ hàng ngàn năm trước ở Tây Tạng để điều trị các vấn đề về thận, gan, mắt, trầm cảm, tiểu đường và bệnh lao. Y học cổ truyền tin rằng câu kỷ tử là loại quả bổ thận, ích gan và lợi mắt. Trà hoa cúc dùng kèm câu kỷ tử là thức uống phổ biến, có tác dụng làm giảm đau nhức, mệt mỏi và tăng cường thị lực.
Với vị ngọt và hơi chua, câu kỷ tử có hương vị dễ chịu hơn so với nhiều vị thuốc bổ khác. Tất nhiên, ngoài màu sắc hấp dẫn và hương vị dễ chịu, loại quả này còn chứa một hàm lượng lớn chất chống oxy hóa, giúp trẻ hóa làn da, với sự góp mặt đặc biệt của zeaxanthin. Zeaxanthin được cho là đã đóng một vai trò quan trọng trọng việc bảo vệ các tế bào cảm thụ ánh sáng ở võng mạc mắt, theo nghiên cứu của Harvard.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí “Cập nhật và bổ sung kiến thức y học” năm 2008, những người tham gia được bổ sung câu kỷ tử vào chế độ ăn trong 14 ngày đã cải thiện đáng kể về sức khỏe nói chung, và đạt hiệu ứng tốt về thần kinh tâm lý và chức năng tiêu hóa. Các kết quả tương tự cũng đã được báo cáo trong các nghiên cứu gần đây.
Lợi ích của việc ăn hoa quả câu kỷ tử bao gồm:
- Lợi ích thị giác
- Chống lão hóa, chống viêm
- Tăng cường hệ thống miễn dịch và phòng chống ung thư
- Giải độc gan
- Bổ sung dinh dưỡng cho hệ thống sinh sản và tiêu hóa
- Hạ đường huyết và huyết áp
- Cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm mệt mỏi và hỗ trợ giảm cân
- Tăng cường sức sống và cải thiện tinh thần.
Lời khuyên về câu kỷ tử: “Càng nhiều càng tốt” là 1 suy nghĩ sai lầm, nếu ăn câu kỷ tử quá nhiều sẽ dễ bị tiêu chảy. Mỗi ngày chỉ nên ăn khoảng 20-30 gram loại quả này, tránh ăn khi đang cảm lạnh.
4. Hạt mè đen
Hạt mè đen là nguồn cung cấp tuyệt vời các khoáng chất như đồng, man-gan, ma-giê, can-xi, phốt-pho, sắt và kẽm. Đồng trong hạt mè đen có thể làm giảm đau và sưng liên quan đến viêm khớp dạng thấp; ma-giê và can-xi rất quan trọng trong việc điều hòa huyết áp, và ngăn ngừa chứng đau nửa đầu.
Hạt mè đen cũng rất giàu vitamin B, vitamin E, và chất xơ. Thiếu vitamin B và sắt có thể dẫn đến rụng tóc và lão hóa sớm. Vitamin E trong hạt mè có tác dụng trì hoãn lão hóa và nuôi dưỡng làn da. Hai hợp chất độc đáo được tìm thấy trong hạt mè, sesamin và sesamolin, đã thể hiện được khả năng hạ thấp cholesterol. Sesamin cũng có thể bảo vệ gan khỏi các tổn thương do oxy hóa.
Y học cổ truyền cho rằng hạt mè đen giúp tăng cường năng lượng, nuôi dưỡng não, phục hồi màu tóc, giúp làm dịu đường hô hấp, và làm ẩm da.
Dưới đây là 7 lợi ích của việc ăn hạt mè đen:
- Chống lão hóa hiệu quả
- Nuôi dưỡng làn da và xương
- Cải thiện sức khỏe tim mạch
- Hạ huyết áp và cholesterol
- Ngăn ngừa ung thư ruột kết
- Hỗ trợ sức khỏe đường hô hấp
- Giải quyết tình trạng mất ngủ của phụ nữ ở tuổi mãn kinh.
5. Nấm
Nấm chứa một số trong những loại thuốc tự nhiên hiệu quả nhất hành tinh. Theo Paul Stamets, một nhà nghiên cứu nấm nổi tiếng thế giới, có 140.000 loài nấm, nhưng chỉ 10% trong số đó quen thuộc với các nhà khoa học. Hiện nay, có khoảng 100 loại nấm đang được nghiên cứu về lợi ích sức khỏe, với một nửa có khả năng vượt trội về tăng cường hệ miễn dịch.
Vì nấm là loài dị dưỡng, chúng hấp thụ và tổng hợp chất dinh dưỡng từ bất kỳ nơi nào mà chúng sinh trưởng, do đó điều quan trọng là phải biết nấm được trồng ở đâu, vì một số loại có hàm lượng kim loại nặng cao, cũng như các chất gây ô nhiễm nước và không khí.
Giống như một hàng phòng vệ chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, nấm có tính kháng sinh rất mạnh, điều này cũng có hiệu quả đối với con người. Các thuốc kháng sinh Penicillin, streptomycin, tetracycline tất cả đều được chiết xuất từ nấm. Dưới đây chỉ là một số ví dụ về cách nấm giúp ích cho sức khỏe của bạn:
Mộc nhĩ trắng, hay nấm tuyết thường được dùng ở châu Á như một loại thuốc bổ khí và tăng cường khả nămg miễn dịch. Trong y học cổ truyền, nấm tuyết được đánh giá cao và được sử dụng như một loại thuốc bổ giúp làn da trẻ trung và khỏe mạnh hơn.
Dương Quý Phi (719-756) được xem là người phụ nữ đẹp nhất trong lịch sử Trung Hoa. Khi được hỏi về bí quyết chăm sóc sắc đẹp là gì, Quý phi đáp: “Nấm tuyết”.
Y học cổ truyền cũng sử dụng nấm để bào chế xi rô ho điều trị viêm phế quản mãn tính, và các bệnh đường hô hấp khác. Nấm tuyết có hơn 70% chất xơ và rất giàu vitamin D. Nghiên cứu mới nhất cho thấy nấm tuyết có tác dụng:
- Hạ đường huyết
- Giảm cholesterol
- Bảo vệ cơ thể khỏi tia bức xạ
- Thúc đẩy khả năng chống oxy hóa của cơ thể
- Tăng cường miễn dịch
Nghiên cứu còn chỉ ra rằng nấm tuyết rất giàu protein, carbohydrate, chất béo, chất xơ thô, có nhiều muối và các vitamin, cùng 18 loại axit amin khác nhau. Theo y học cổ truyền, nấm tuyết bổ phổi, dạ dày và thận, đảm bảo độ rắn chắc của xương, giúp duy trì 1 thể trọng lý tưởng, và sẽ giúp cho làn da của bạn luôn mịn màng.
Theo Vision Times