5 hình họa mặt đất bí ẩn nhất hành tinh
Thế giới chúng ta đang sống vẫn còn vô số những bí ẩn, trong đó có một thứ khó hiểu nhất lại chỉ được nhìn thấy từ bầu trời, đó chính là: Hình họa mặt đất.
Có lẽ dạng hình họa mặt đất nổi tiếng nhất và được nhiều du khách ghé thăm nhất hiện nay là Đường kẻ Nazca ở Peru. Nguồn gốc và công dụng của hệ thống đường kẻ này vẫn đang là câu hỏi đánh đố các nhà khảo cổ học kể từ khi họ khám phá ra nó trong thập niên 1920. Ngoài ra, còn một số hình họa mặt đất huyền bí khác đang nằm rải rác trên khắp thế giới.
1. Hình họa thảo nguyên Kazakhstan
Thường được gọi là “Đường kẻ Nazca của xứ Kazakhstan”, cụm các hình họa trên nền đất này gồm xấp xỉ 260 đường vẽ nằm ngay tại vùng Turgai, miền Bắc Kazakhstan hay còn được biết đến dưới cái tên là Địa mạo hình họa thảo nguyên, bao gồm nhiều loại hình học gồm hình vuông, hình chéo, hình tròn và hình họa như chữ thập ngoặc có 3 cạnh.
Các hình họa mặt đất Dương (nghĩa là nhà sáng tạo ra chúng đã sử dụng các nguyên liệu của đất như chất bẩn, đá hay gỗ và tạc chúng từ trên nền đất) theo chiều dài từ 89,9m lên đến hơn 396m. Nhà kinh tế học người Kazakhstan, ông Dmitriy Dey, đã tình cờ phát hiện ra địa điểm này vào năm 2007 trong khi đang duyệt phần mềm Google Earth.
Đã có một số tranh cãi về thời điểm chúng được hình thành, với một số báo cáo ước tính rằng các hình họa địa mạo kia có niên đại khoảng 8.000 năm tuổi, và số khác lại cho rằng niên đại của nó chỉ khoảng 2.800 năm. Một số nhà nghiên cứu tin rằng các hình họa này là tác phẩm của Mahandzhar, một dạng người du mục từng lang thang trên vùng này.
Tuy nhiên, cũng có những học giả khác tin rằng phải có một mục đích khác của những hình họa bất thường này. Một giả thuyết khác nói rằng chúng được tạo ra để theo dấu chuyển động của Mặt trời, nhưng những cuộc khảo cổ tại những gò đất này lại không tìm thấy điểm nào đáng để ý.
Gần đây, NASA đã cung cấp cho các nhà khảo cổ học các ảnh vệ tinh về nơi này với hy vọng rằng những hình ảnh này có thể vén màn sự thật về mục đích chính của khu di chỉ.
Blythe Intaglios
Nằm cách vài dặm về phía Tây của biên giới California-Arizona là khu di chỉ hình họa địa mạo Blythe Intaglios hay “Blythe Người khổng lồ” được tạo ra gồm 6 hình ảnh bao gồm hình người và muông thú. Hình khắc trên đất lớn nhất dài tới 50,9m trong khi hình khắc ngắn nhất chỉ 28,9m.
Bộ lạc địa phương Mohave (hay Mojave) tin rằng hình họa con người là đại diện cho Mustamho – Người sáng tạo ra bộ lạc của họ. Trong khi đó hình họa muông thú là đại diện cho Hatakulya, con sư tử núi, là người hầu của Mustamho.
Tuy nhiên, ấn tượng nhất là chúng rất khó để nhận diện trên mặt đất vì những hình khắc trên sa mạc không thật sự sâu lắm. Tuy vậy, một phi công lái máy bay trực thăng tên là George Palmer đã khám phá ra các hình họa địa mạo này trong một chuyến bay năm 1930.
Mặc dù các nhà nghiên cứu khảo cổ học còn chưa rõ ràng về niên đại tạo ra các hình họa địa mạo, người Mohave vẫn duy trì chúng như là một phần di sản nhiều thế kỷ của họ.
Đồi Bạch Mã
Một trong những hình họa hiện đại nhất thế giới, cũng là một trong những di chỉ cổ xưa nhất Trái đất, nằm ngay trên vùng đồi xanh mát ở Uffington, một giáo xứ ở Oxfordshire (Anh). Đồi Bạch Mã có niên đại vào khoảng giữa thời đại đồ Đồng và đồ Sắt (từ năm 1740 TCN đến 210 TCN), chứa một hình họa khắc trên đá phiến lâu đời nhất đất Anh.
Cùng với các hình họa địa mạo khác được tìm thấy trên khắp thế giới, các nhà khảo cổ học chỉ có thể đoán được nguồn gốc sử dụng ban đầu, mà một số người tin rằng nó là một biểu tượng phồn thực hay có lẽ là chỉ dẫn ranh giới lãnh địa nào đó.
Biểu tượng đồi Bạch Mã đã được hình thành qua thời gian, các chuyển động của lớp đất ở bề mặt và thời gian đã tạo nên hình dáng như con ngựa nằm bên dưới, thứ mà ngày nay chúng ta thấy rất rõ ràng. Ngày nay, di chỉ đồi Bạch Mã thuộc quyền sở hữu và quản lý bởi Qũy ủy thác quốc gia Anh, đây là một nơi phổ biến cho các chuyến dã ngoại bằng dù lượn, đi bộ và ngắm chim chóc.
Nến Paracas
Ở Peru, ngoài Đường kẻ Nazca, còn có một tác phẩm đất ấn tượng không kém nằm cách đó chỉ 116 dặm về hướng Tây Bắc được biết đến dưới cái tên là Nến Paracas. Nơi này nằm trên bán đảo Paracas dọc theo Vịnh Pisco. Nến Paracas là một hình họa địa mạo lớn giống như một cây nến khổng lồ phân làm nhiều nhánh trải dài 182,8m từ đầu đến chân và được khắc sâu vài mét vào bề mặt của ngọn đồi.
Xét nghiệm đồng vị carbon trên đất cho thấy di chỉ này đã có xấp xỉ từ năm 200 TCN, và các nhà khảo cổ học không chắc lắm rằng vào thời kỳ đó, nhân loại đã biết cách dùng nến chưa. Không may là, không có bất kỳ tài liệu lịch sử nào liên quan đến di chỉ hình họa này. Các nhà nghiên cứu nói rằng hình họa có lẽ là một cây đèn hiệu điều hướng cho cánh thủy thủ.
Gò đất Effigy
Cho đến ngày hôm nay, những nhà sáng tạo ra quần thể gò đất này vẫn còn là một điều bí ẩn. Quần thể gò đất Effigy nằm tọa lạc dọc biên giới 2 tiểu bang Iowa-Wisconsin (Mỹ) có thể là công sức của các thợ xây gò Effigy, một nhóm người bản địa Mỹ từng ngụ cư ở đây.
Trong khoảng giữa thời gian từ năm 1400 TCN và năm 750 TCN, những người này đã dựng lên những gò đất theo hình dáng chim chóc, hươu nai, rùa, gấu và báo, cùng với những hình họa ít tinh xảo hơn và những cấu trúc mang hình nón và hình chữ nhật.
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra rằng nhiều gò đất này từng dùng làm nơi an táng và tổ chức các nghi lễ, và kết luận rằng hậu duệ của những người thợ xây thời xa xưa đã nghe lại những câu chuyện được lưu truyền từ những thế hệ cao niên. Tuy nhiên, giới sử gia lại tin rằng những hình họa trên gò đất này cũng dùng để đánh dấu các sự kiện thiên tượng hay những lãnh thổ bí ẩn nào đó.
Những cuộc khai quật các gò đất cũng làm phát lộ hài cốt con người, và hôm nay, quần thể gò đất Effigy dùng làm một đài tưởng niệm quốc gia và được quản lý bởi Cục Vườn quốc gia Mỹ.
Theo BPL