Đến lượt Nhật Bản rớt tín nhiệm
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã đánh tụt điểm của Nhật Bản dài hạn do những lo ngại về thâm hụt ngân sách và mức vay nợ tại quốc gia này.
Moody’s đã cắt điểm Aa2 của Nhật và thay vào đó là điểm Aa3, trong khi chính họ nói tình hình tại đây đang rất ổn định. Vụ hạ điểm này đã được Moody’s “đánh tiếng” từ hồi tháng 5.
Thâm hụt ngân sách và khoản nợ công khổng lồ đã đẩy Nhật mất một hạng tín nhiệm. Ảnh: bullshouse.com |
Nhật Bản tuy là nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới nhưng lại là nước có mức nợ công cao nhất trong số các nước phát triển, lên tới 10.000 tỷ USD, gấp đôi GDP (5.000 tỷ USD). Chính cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 và thảm họa kép sóng thần, động đất hồi tháng 3 năm nay đã tăng thêm áp lực cho kinh tế Nhật.
Trong tuyên bố của mình, Moody’s cho biết: “Việc hạ điểm này liên quan đến khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ của Nhật và số nợ chính phủ của họ không ngừng lớn lên kể từ cuộc suy thoái toàn cầu năm 2009. Một vài nhân tố đã gây khó khăn trong việc giảm mức gia tăng tỷ lệ nợ trên GDP. Trận động đất tháng 3 cũng đã ảnh hưởng lớn tới quá trình phục hồi của họ”.
Trong cảnh phục hồi tốt hơn các nhà phân tích trông đợi, Nhật vẫn đối mặt với mức nợ và tiêu dùng đang tăng lên, phát sinh từ quá trình tái thiết đất nước sau thảm họa.
Kể từ thời điểm đó, chi tiêu của người Nhật giảm mạnh so với trước đây. Việc này cũng khiến Chính phủ gặp không ít khó khăn khi thu được ít tiền hơn thông qua các khoản thuế, và ảnh hưởng trực tiếp tới các kế hoạch ngân sách về sau này.
Cùng lúc đó, Moody’s cũng cảnh báo các vấn đề liên quan tới năng lượng sẽ trở thành rào cản để Nhật phục hồi nhanh chóng hơn.
Sản lượng điện của Nhật đã bị tác động nặng nề sau thảm họa hạt nhân tại nhà máy Fukushima Daiichi. Chính phủ phải lên tiếng kêu gọi người dân tiết kiệm điện tối đa và cắt giảm nguồn năng lượng hạt nhân đầu ra.
Như vậy, chỉ tính trong tháng 8 đã có Mỹ, Việt Nam và Nhật nằm trong danh sách bị hạ điểm tín nhiệm. Pháp tuy vẫn được đánh giá cao và bày tỏ quan điểm lạc quan, nhưng với khoản nợ công chiếm tới 85% GDP thì tình hình này khó có thể kéo dài mãi. Nhiều nhà phân tích và đầu tư cũng đã tỏ thái độ nghi ngờ về điểm AAA của Pháp .
Anh Quân (tổng hợp)