Bong bóng vàng sẽ không bao giờ kết thúc?
Tóm tắt:
- Năm 1971, giá vàng chỉ là 35 USD/ounce, hôm nay giá 1.880 USD.
- Cách đây 31 năm, 1 ounce vàng = 7,6 lần chỉ số S&P 500. Nếu trở về tỷ lệ đó, giá vàng phải lên tới 10.000 USD/ounce.
- Giá vàng luôn tăng khi lãi suất của Mỹ dưới 2%.
- Chính sách của chính phủ là yếu tố quan trọng nhất tác động lên giá và xu hướng đầu tư.
- Bong bóng sẽ không kết thúc khi nhu cầu nắm giữ vàng của châu Á chưa dừng lại.
Giá vàng tiếp tục nóng lên trong tuần này, sau khi lập kỷ lục trên 1.900 USD/ounce, giá hiện giao dịch quanh 1.880 USD/ounce. Trong vòng 1 tháng qua, giá đã tăng tới 16% và chủ đề về bong bóng giá vàng đang lan khắp các thị trường.
Các chuyên gia phân tích của Gold Stock cho rằng, giá vàng đã đến lúc điều chỉnh, nhưng sẽ sớm tăng trở lại, và câu chuyện về một “bong bóng vàng” sẽ không bao giờ kết thúc.
40 năm trước, tổng thống Richard Nixon đã “đóng cửa sổ thị trường vàng”, kết thúc chế độ bản vị vàng được thiết lập tại Hội nghị Bretton Woods vào năm 1944 và bắt đầu một thập kỷ lạm phát cho nền kinh tế Mỹ.
Thời điểm đó, 1 USD có thể mua được 1/35 ounce vàng, hôm nay, 1 USD chỉ mua được 1/880 ounce vàng. Có nghĩa là, 1 USD của hôm nay chỉ tương đương 2 cent của năm 1971 tính theo giá vàng.
USD không phải chỉ là tài sản duy nhất tốt trong những thập kỷ gần đây. Vàng đã có sức mạnh tương đối so với chỉ số chứng khoán S&P 500. Biểu đồ dưới đây cho thấy, kể từ khi Nixon tuyên bố về vàng, giá đã tăng đáng kể và đạt đỉnh 850 USD/ounce vào năm 1980 (nếu theo lạm phát hiện tại, giá phải lên 1.952 USD mới bằng mức của năm 1980). Ở thời điểm đó, 1 ounce vàng cao gấp 7,6 lần chỉ số S&P 500. Hiệu suất tương đối của vàng với chứng khoán giảm sau đó, và đạt đỉnh 5,3 vào năm 1999. Hiện tại, giá vàng đang cao hơn 1,6 lần so với S&P 500.
Biến động của giá vàng so với chỉ số S&P 500 từ năm 1971 tới nay
Từ năm 1980 tới 1999, điều gì đã tác động lên giá vàng? Đó là sự thay đổi trong các chính sách của chính phủ, là giai đoạn quan trọng tác động đến nguyên lý đầu tư của các nhà đầu tư toàn cầu.
Các nhà phân tích của Gold Stock chỉ ra rằng, chủ tịch Fed Paul Volcker đã bắt đầu hướng nền kinh tế đến lãi suất thực dương trong năm 1980 và mục tiêu của ông đạt được vào năm 1992. Cùng năm đó, S&P 500 đã vượt qua vàng.
Để trở về giá trị tương đối của vàng so với S&P 500 là 7,6 lần trong giai đoạn 1979 – 1980, nhà phân tích John Doody của Gold Stock cho rằng, kim loại quý phải lên tới 10.000 USD/ounce. Kịch bản đó chắc chắn là ảo tưởng, nhưng nó cho thấy bong bóng giá vàng chưa thể kết thúc.
Lịch sử đã chứng minh, giá vàng luôn cao khi lãi suất thực của Mỹ dưới 2%. Nếu giờ đây lãi suất trở lại mức 2%, giá vàng có thể bước vào giai đoạn tiêu cực năm này qua năm khác.
Chính sách chính trị thay đổi xu hướng đầu tư và giá vàng
Một điểm quan trọng cần chỉ ra rằng, chính sách chính trị có tác động lớn lên giá vàng. Thời của tổng thống Bin Clinton những năm 1990, khi chính phủ có thặng dư ngân sách, nhà đầu tư có thể kiếm được tiền nhiều hơn ở trái phiếu kho bạc (khoảng 3%), so với lạm phát (2%). Nhà đầu tư khi ấy đã hầu như không có động cơ giữ vàng, giá vì thế chỉ ở quanh 250 USD/ounce.
Từ năm 2001, cuộc sống của người dân ngày càng thịnh vượng, lãi suất thực âm, thâm hụt thương mại gia tăng đã tạo ra sự mất cân bằng trong hệ thống kinh tế Mỹ. Sự mất cân bằng giữa chính sách tài khóa và tiền tệ đã làm cho vàng trở nên nổi bật hơn trong hệ thống ngoại hối của một quốc gia. Ngày nay, lãi suất của Mỹ gần 0, thâm hụt ngân sách lên tới 1,4 nghìn tỷ USD, nợ chính phủ gần 65% GDP – cao nhất kể từ năm 1950. Citigroup khi ấy cho rằng, giá vàng sẽ vượt 1.000 USD, 1.500 USD rồi 1.800 USD/ounce. Và ngày hôm nay đã chứng thực điều đó.
Thay đổi về nhu cầu vàng đầu tư, công nghệ, trang sức của Việt Nam, Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan trong 10 năm qua
Tất cả những vấn đề trên chỉ là một mặt của câu chuyện dài kỳ về vàng. Một điểm khác chứng tỏ bong bóng vàng không bao giờ kết thúc là nhu cầu tăng mạnh ở châu Á. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, các nước Trung Quốc, Ấn Độ đang chiếm 52% nhu cầu đầu tư vàng và 55% nhu cầu vàng trang sức của thế giới. Các nước Việt Nam, Indonesia, Hàn quốc, Thái Lan, được biết đến với tên VIST cũng là các nước tiêu thụ vàng mạnh.
Tương tự như Trung Quốc, VIST cũng có truyền thống 2.000 năm liên quan tới vàng, đó là văn hóa, tôn giáo và kinh tế. Nhu cầu đầu tư cũng giống phần còn lại của thế giới, vừa là đồ trang sức, vừa là công cụ bảo vệ tài sản chống lại rủi ro khó lường.
Nguyễn Hằng – Thanh Bình
Theo TTVN/Kitco