Bí ẩn về chết lâm sàng
Tỷ lệ chết lâm sàng là 2/10.000 ca
Theo BS Đặng Văn Quế, phó giám đốc Bệnh viện Mắt Quốc tế thì chết lâm sàng là tình trạng tim, phổi ngừng hoạt động hoặc hoạt động rất yếu, các tri giác mất hoàn toàn, chân tay mềm nhũn, lòng tử mắt giãn ra, một số hoạt chất như axitlactic và phốt pho tăng lên, hiện tượng giáng hóa và tổng hợp trong cơ thể bị đảo lộn.
Bằng một số phương pháp như điện tim, điện não đồ có thể thấy được một người chết lâm sàng thường xuất hiện đường đẳng nhiệt, tức là không có dấu hiệu của việc tim hay não hoạt động. Như vậy có thể nói chết lâm sàng là ranh giới giữa sự sống và cái chết.
Còn theo TS Vũ Thế Khanh, tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng (UIA), chết lâm sàng vẫn xảy ra trong thực tế dù tỷ lệ rất thấp, chiếm khoảng 2/10.000 ca.
“Trước đây, khi cải mả (tiến hành sau khi người chết đã chôn được 3 năm), người ta thấy bộ xương người trong tư thế nằm sấp xuống, hoặc xương ống chân chống lên, dù trước đó tay, chân đã được buộc cố định trong quan tài. Đó là bằng chứng của việc người đã chết nhưng sống lại, họ đạp, đẩy nhưng không thành vì chết ngạt”, ông Khanh lý giải.
Cũng theo ông Khanh, thông thường, chết lâm sàng dễ rơi vào những trường hợp chết nghẹn, nhất là khi người đó còn trẻ vì ngày trước việc tổ chức tang ma cho người trẻ thường diễn ra rất nhanh. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt giữa chết lâm sàng với hiện tượng “quỷ nhập tràng”. “Chết lâm sàng là việc người ta sống lại khi tưởng như đã chết, còn “quỷ nhập tràng” là hiện tượng người đã chết rồi, có con mèo nhảy qua, do có điện tích trái dấu nhau đã làm cho xác người chết ngồi bật dậy nhưng không thể sống lại được”, ông Khanh nhấn mạnh.
Chết sau 10 – 12 giờ có khả năng sống cao nhất
Vậy chết lâm sàng diễn ra trong khoảng thời gian là bao lâu? Theo ông Khanh, thông thường, sau khi một người xác định là đã chết sẽ phải mất khoảng 10 – 12 giờđể thần thức ra khỏi cơ thể (hồn lìa khỏi xác). Trong thời gian này, mặc dù tim, phổi ngừng đập nhưng não bộ vẫn hoạt động, họ vẫn nhận biết được các hoạt động xung quanh. Bất kể một sự va chạm nào vào phần xác của người chết cũng gây ra sự đau đớn. Đây là giai đoạn có nhiều người hồi sinh và hồi sinh dễ nhất. Cũng có người sống lại sau 8, 9 ngày tưởng như đã chết nhưng về cơ bản, sau khi chết được 12 tiếng thì khó hồi sinh hơn vì khi đó thần thức đã hoàn toàn ra khỏi cơ thể.
Trong thời gian chết lâm sàng, bệnh nhân vẫn nhận biết được các hoạt động xung quanh. |
Ông Khanh lấy dẫn chứng trường hợp của anh Nguyễn Văn Chiều (Gia Lâm, Hà Nội) bị điện giật cháy đen. Sau 9 ngày nằm viện, anh Chiều tỉnh lại và kể rằng, anh bay lơ lửng trong không trung, nhìn thấy xác mình đen lại thì rất sợ, xung quanh là người thân khóc lóc. Sau đó, có người cứ đẩy anh về phía cái xác đen thui kia và rồi anh sống lại. “Anh ấy bị điện giật khoảng năm 1994 – 1995 và mới mất cách đây chừng 5 năm”, ông Khanh cho biết.
Mối liên hệ giữa chết lâm sàng với khả năng đặc biệt
Với nhiều ca chết lâm sàng được ghi nhận thì sau khi sống lại họ có khả năng đặc biệt. Ông Khanh cũng khẳng định điều này là có thật. Ông lập luận “ngay với trường hợp của anh Chiều, sau khi tỉnh lại anh có khả năng chữa bệnh mà không cần thuốc. Sau đó, anh sáng lập và làm giám đốc Trung tâm Tâm năng dưỡng sinh phục hồi sức khoẻ (thuộc UIA) cho đến khi mất”.
Thật thú vị khi chúng tôi được biết chính TS Vũ Thế Khanh cũng đã từng rơi vào trạng thái chết lâm sàng. Ông kể lại, hồi ông chừng 10 tuổi, giữa trưa hè tháng sáu ông có ra đồng bắt cua. “Mệt quá, tôi lên bờ nằm. Đáng lẽ phải tìm đến một gốc cây nào đó nhưng giữa cánh đồng làm gì có cây to. Thế nhưng, lạ là tôi dần dần có cảm giác mát mẻ vô cùng, thấy mình như đang bay và nhìn thấy người mình đang nằm, úp chiếc nón lên mặt. Tôi còn thấy cảnh cả nhà đổ xô đi tìm rồi vác tôi về nhà. Sau lần đó, tôi bị ốm một trận “thập tử nhất sinh” trong ba tháng, tóc tre rụng dần, thay vào đó là tóc tơ mềm. Tôi cảm giác việc học hành cũng sáng dạ hơn, lớp 5 mà tôi đã có thể giải toán của các anh chị lớp 7″, ông Khanh nhớ lại.
Tuy nhiên, theo BS Đặng Văn Quế, mặc dù vẫn có những trường hợp chết đi sống lại rồi có khả năng đặc biệt như gọi hồn gọi cốt, bỗng nhiên nói được rất nhiều thứ tiếng (một trường chết lâm sàng ở Nga suốt 17 năm, sau khi sống lại người này đã nói được cả tiếng Đức, Anh, Mỹ…) song điều đó cũng chưa thể chứng tỏ việc chết lâm sàng sẽ đem lại cho con người những khả năng đặc biệt. Bởi trên thực tế thì y học vẫn có thể can thiệp để đưa một người bình thường về trạng thái chết lâm sàng trước khi phẫu thuật cho an toàn, ví dụ như giảm thân nhiệt của cơ thể, làm giảm nhịp đập của tim, phổi khiến con người không còn thở nữa, hoặc thở rất ít.
“Tôi có để ý một số trường hợp phẫu thuật não khi còn làm ở Bệnh viện Việt Đức. Đó là trong quá trình phẫu thuật, phẫu thuật viên có thể tác động đến một vùng vào đó của não gây ra một sự thay đổi nhất định mà chính họ cũng không biết. Lấy ví dụ như trường hợp tác động lên vùng trung tâm nói của cơ thể nằm trong bán cầu não trái, việc này có thể khiến một người từ đang nói bình thường trở thành câm, liệt nửa người bên phải và ngược lại. Có thể quá trình phẫu thuật đó đã vô tình kích thích một vùng nhạy cảm nằm trong hệ thần kinh dẫn đến phát sinh khả năng đặc biêt. Nhưng đó chỉ là giả thiết thôi, còn về góc độ y khoa thì chưa thể giải thích được hiện tượng này”, BS Quế nói.
Đã có nhiều nhà khoa học dày công nghiên cứu về mối liên hệ giữa chết lâm sàng với những khả năng đặc biệt. Thế nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Và mối liên hệ giữa chết lâm sàng với những khả năng đặc biệt vẫn còn là điều bí ẩn.
“Chúng ta cần phân biệt chết lâm sàng với chết sinh vật. Chết sinh vật là triệu chứng tim vẫn đập, vẫn thở nhưng hệ thống thần kinh không hoạt động. Trong một số tai nạn thì nạn nhân vẫn có thể rơi vào trạng thái chết lâm sàng, nhưng chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn, khoảng vài giây. Nếu được cấp cứu kịp thời, nạn nhân hoàn toàn có thể trở về trạng bình thường và tránh được những cái chết oan uổng”.
“Trong dân gian vẫn dùng những cách thử để xem người chết có rơi vào trạng thái chết lâm sàng, chưa chết hẳn hay không. Đó là dùng một mảnh gương đặt sát miệng hoặc dùng một sợi tóc đặt trước mũi người chết. Nếu thấy mảnh gương mờ đi hoặc sợi tóc vẫn động đậy chứng tỏ người đó chưa chết hẳn”.
BS Đặng Văn Quế
|
Thanh Dương