Nhà vô địch Karatedo Asiad bị bỏ rơi
Năm 2006 tại Doha, cái tên Vũ Thị Nguyệt Ánh làm hàng triệu trái tim người hâm mộ rung lên khi cô giành tấm HCV karatedo quý giá cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại Asian Games. Còn giờ đây, nhà vô địch Asiad đang bị bỏ rơi với chấn thương hành hạ.
Chấn thương và tư tưởng không ổn định khiến Nguyệt Ánh chỉ giành HCĐ khi dự giải vô địch châu Á hồi tháng trước. Ảnh: Minh Dũng |
Năm năm trước tại Doha, cú đá chẻ đầy quyết đoán của Vũ Thị Nguyệt Ánh đã giúp cô giành chiến thắng thuyết phục 6-1 trước đối thủ người Malaysia Antony Vasantha và đăng quang ngôi vô địch Á vận hội. Bốn năm sau, tại Quảng Châu, dù không bảo vệ được ngôi vô địch nhưng tấm HCB của nữ võ sĩ người Hải Phòng cũng là một thành tích rất ấn tượng.
Hơn 10 năm theo nghiệp karatedo, giành biết bao chiến tích ở đấu trường trong và ngoài nước, Nguyệt Ánh cũng đến lúc phải giải nghệ như quy luật vốn có của thể thao thành tích cao.
Cống hiến cho đất nước cả tuổi trẻ của mình, Nguyệt Ánh cũng chẳng đòi hỏi gì, mà chỉ mong muốn được phẫu thuật chiếc đầu gối đang hành hạ cô mỗi ngày bởi những cơn đau.
Không phải một hay hai lần mà đã rất nhiều lần thầy trò HLV Lê Công (ĐT karatedo) xin Tổng cục TDTT được phẫu thuật để chữa trị dứt điểm chấn thương đầu gối cho Vũ Nguyệt Ánh, thế nhưng, tất cả vẫn vẫn chỉ là lời hứa suông…
Chấn thương của Ánh đã có từ nhiều năm nay và chính Ánh cũng không thể nhớ bao nhiêu lần được đưa đi chụp phim ở viện. Thế nhưng, chụp cứ chụp và chờ đợi vẫn đợi chờ.
Gần đây nhất là khoảng 2 tháng, Ánh cũng được đưa đi chụp cộng hưởng từ ở viện 108. Sau khi được các bác sĩ kết luận phải mổ bằng nội soi, song từ đó đến nay không thấy “hồi âm” gì. Ánh bảo: “Cũng đã nhiều lần xin và cũng nhiều lần kiểm tra nhưng em vẫn chưa được mổ. Em nghĩ rằng khi mình còn thi đấu thì còn có thể tiếp tục xin mổ được, chứ khi đã nghỉ thì…”.
HLV Lê Công rất lo lắng cho học trò nhưng không biết phải làm sao. |
Biết quá rõ về chấn thương viêm sụn, giãn dây chằng của cô học trò cưng, HLV Lê Công đã từng đề xuất được sang Đức để thực hiện ca mổ. Thế nhưng có lẽ do chi phí quá cao, nên đề xuất của HLV Lê Công bị rơi vào quên lãng.
Sốt ruột, HLV người Quân đội lại xin được phẫu thuật ở Singapore, với chi phí khoảng 200-300 triệu đồng, cũng chưa thấy ở trên ý kiến gì. Quan điểm của 2 thầy trò là đã mổ thì chỉ mổ ở nước ngoài, chứ ở Việt Nam thì thà… không mổ còn hơn. Ánh chỉ vào cái đầu gối đã từng mổ vài lần ở Việt Nam cho biết: “Chân này mổ mà có khác nào không mổ đâu chị”.
Xác định chẳng còn chút hy vọng nào được ra nước ngoài mổ đầu gối, thầy trò HLV Lê Công cho biết sẽ chấp nhận sống chung cùng chấn thương để thi đấu tại SEA Games 26 tới, cống hiến hết khả năng của mình cho thể thao nước nhà, còn được tới đâu, hay tới đó.
Giải pháp tình thế trước mắt, HLV Lê Công sẽ tiếp tục điều trị bằng phương pháp nội công, kết hợp các bài thuốc dân tộc. Trong khi đó, Nguyệt Anh sẽ cắn răng chịu đau mỗi khi phải vận động mạnh, đặc biệt là những lúc thi đấu. Nguyệt Ánh cho biết chỉ hy vọng trước khi nghỉ thi đấu, sẽ được đi phẫu thuật để đảm bảo cho tương lai của mình, chứ nếu kéo dài sẽ rất ảnh hưởng đến vận động sau này.
Trên thực tế, với hàng nghìn VĐV hiện nay, những trường hợp chấn thương tương tự hoặc nặng hơn Nguyệt Ánh không hiếm. Nếu như với các cầu thủ bóng đá, chuyện phẫu thuật không quá khó khăn thì với các VĐV các môn thành tích cao, đa số không được tạo điều kiện một cách tốt nhất để chữa trị.
Thực tế này bắt nguồn từ ngân sách hạn hẹp của ngành thể thao, phải lo rất nhiều thứ cần thiết hơn, quan trọng hơn. Biết rõ sự khó khăn chung, và cũng xác định đã theo nghiệp VĐV là phải biết chấp nhận hy sinh, thế nhưng, nếu VĐV nào cũng bị đối xử như Ánh, thì không hiểu có bậc phụ huynh nào còn muốn cho con em của mình theo thể thao khi mà họ phải cống hiến rất nhiều nhưng đổi lại chẳng đáng là bao.
Hạnh Dung
Theo Vnexpress