Siêu máy tính Nhật giành lại “ngôi vương” từ Trung Quốc
Jack Dongarra, giáo sư kỹ thuật điện và khoa học máy tính tại trường đại học Tennessee ở Knoxville cho biết siêu máy tính của Nhật, còn có tên là K Computer nhanh gấp ba lần so với đối thủ của nó là siêu máy tính mang tên Thiên Hà 1A (Tianhe-1A) của Trường Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia Trung Quốc. Thiên Hà 1A từng giúp Trung Quốc lật đổ “ngôi vương” của Mỹ hồi tháng 10 năm ngoái. Giáo sư Jack Dongarra hiện đang là người giữ bảng xếp hạng chính thức hiệu suất của máy tính.
Siêu máy tính K được xây dựng bởi Fujitsu và đang được đặt tại Viện Khoa học điện toán tiên tiến Riken ở Kobe (Nhật Bản). K Computer đại diện cho một bước tiến lớn về tốc độ. Siêu máy tính này chắc chắn sẽ trở thành niềm tự hào của đất nước Nhật Bản, ít nhất là đối với những nhà khoa học máy tính, những người tham gia vào việc phát triển chiếc máy tính nhanh nhất này một cách nghiêm túc.
Siêu máy tính Nhật Bản đã vượt mặt đối thủ Trung Quốc.
Giáo sư Dongarra khẳng định hiệu suất của K Computer tương đương với hiệu suất tổng cộng của khoảng 1 triệu chiếc máy tính để bàn hiện nay.
Siêu máy tính thường được sử dụng trong việc mô phỏng động đất, mô hình hóa khí hậu, nghiên cứu hạt nhân, phát triển và thử nghiệm vũ khí cũng như nhiều lĩnh vực khác. Các doanh nghiệp cũng sử dụng những cỗ máy này để thăm dò dầu cũng như kinh doanh chứng khoán nhanh chóng.
Việc xây dựng các siêu máy tính rất tốn kém và cần phải kết nối hàng ngàn chiếc máy tính nhỏ ở một trung tâm dữ liệu. K được tạo thành từ 672 tủ cabinet chứa đầy những chiếc bảng hệ thống. Mặc dù dược xem là tiết kiệm năng lượng nhưng siêu máy tính vẫn sử dụng lượng điện đủ để cung cấp cho gần 10.000 hộ gia đìn với chi phí lên tới 10 triệu USD/năm.
Phòng thử nghiệm nghiên cứu nơi đặt máy tính K đang lên kế hoạch tăng kích cỡ của siêu máy tính này lên 800 cabinet. Điều đó sẽ nâng cao tốc độ của K và giúp siêu máy tính này vượt hiệu suất của 5 đối thủ sát sườn của nó cộng lại.
“K” là viết tắt của từ “Kei” trong tiếng Nhật, có nghĩa là 10.000.000 tỷ. Đây là mục tiêu cuối cùng về số lượng phép toán mà chiếc máy tính này có thể thực hiện trong mỗi giây.
K đã thành công trong việc đẩy siêu máy tính Thiên Hà 1A (Tianhe-1A) của Trường Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia Trung Quốc xuống vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng. Thiên Hà 1A là chiếc máy tính Trung Quốc đầu tiên có mặt trong bảng xếp hạng này. Điều đó cho thấy sức mạnh công nghệ của Trung Quốc đang tăng trưởng như thế nào.
Siêu máy tính nhanh nhất của Mỹ đặt tại Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge ở Tennessee hiện đứng ở vị trí thứ ba. Năm 2004, siêu máy tính này đã giành lấy ngôi vị số 1 của Nhật Bản.
Các quốc gia châu Á đang chi những khoản đầu tư rất lớn vào việc phát triển siêu máy tính và hiện đang thống trị những vị trí sừng sỏ trong lĩnh vực này. Nhật Bản và Trung Quốc giữ 4 trong 5 vị trí dẫn đầu của bảng xếp hạng siêu máy tính mới nhất vừa công bố.
Tuy nhiên, ở Top 10, Mỹ vẫn giữ vị trí dẫn đầu với 5 máy tính. Những siêu máy tính này đang được đặt tại các cơ sở nghiên cứu của chính phủ.
Nhật Bản lần đầu tiên giành được ngôi vị số 1 trong bảng xếp hạng những siêu máy tính nhanh nhất thế giới từ năm 2004. Mỹ và Trung Quốc đã thay nhau “soán ngôi” của Nhật trong mấy năm qua.
Bảng xếp hạng 500 máy tính hàng đầu mới nhất vừa mới được phát hành vào hôm nay. Bảng xếp hạng này được đưa ra dựa trên một phương trình toán học tiêu chuẩn. Để được lọt vào danh sách này, một chiếc máy tính phải giải quyết được 8.2.000.000 tỷ phép tính/giây, tương đương 8,2 petaflop/giây.Bản xếp hạng siêu máy tính nhanh nhất thế giới được công bố 6 tháng/lần.
Giáo sư Dongarra cho biết một chiếc máy tính có tên là Blue Waters đang được phát triển tại trường Đại học Illinois ở Urbana-Champaign có thể sẽ trở thành đối thủ của K về tốc độ.
Võ Hiền
Theo New York Times