Đằng sau bộ phim ‘Đặng Tiểu Bình qua các chặng đường lịch sử’
Sự ca ngợi Đặng Tiểu Bình chỉ nhằm bao che cho những cuộc thanh trừng hiện nay.
Tấm áp phích quảng cáo được chụp từ màn hình trang Sina.com vào ngày 12/08/2014, quảng cáo cho phim tài liệu mang tên “Đặng Tiểu Bình qua các chặng đường lịch sử” nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông. Một số nhà quan sát đã đánh đồng bối cảnh đấu tranh chính trị trong phim với tình hình chính trị hiện nay. (Epoch Times)
Bộ phim mở đầu bằng cảnh chính quyền Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch công tác tuyên truyền mạnh mẽ nhằm mục đích lật đổ bè đảng “Tứ Nhân Bang” (Gang of Four) – một nhóm bao gồm các nhà lão thành cách mạng mang âm mưu phá hoại trong nhiều năm, nổi bật nhất là dưới thời Cách mạng Văn hóa. Bộ phim giống như một khúc ca khải hoàn về nhà cải cách Đảng Đặng Tiểu Bình trong những năm 1970, tuy nhiên các nhà quan sát cho rằng thông qua chiêu bài lịch sử, nó đã phản ánh những sự kiện chính trị đang diễn ra ở Trung Quốc.
Trong phim, chủ tịch Đảng lúc bấy giờ (cho đến khi bị gạt sang một bên bởi Đặng Tiểu Bình) là Hoa Quốc Phong phát biểu: “Thưa các đồng chí … Ngày hôm nay, chúng ta đã hành động theo ý chí của chủ tịch Mao Trạch Đông, đồng thời đại diện cho toàn Đảng, toàn quân, cùng những lợi ích và nguyện vọng cơ bản của nhân dân tất cả các dân tộc mà đánh tan “bè lũ bốn tên” (Gang of Four) chỉ trong một bước.”
Ông tiếp tục: “Thắng lợi của chúng ta trong cuộc đấu tranh này đồng nghĩa với việc Đảng ta đã tránh được một thảm họa lớn”. Sự sụp đổ của nhóm Tứ Nhân Bang được nhiều người xem như màn mở đầu cần thiết cho những cuộc cải cách thúc đẩy Trung Quốc nổi dậy trên trường quốc tế.
Kỷ Nguyên Mới
Bộ phim là một dự án quốc gia nhằm tái hiện cuộc đời của Đặng Tiểu Bình nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 110 của ông (22/8/1904 – 22/08/2014). Đặng Tiểu Bình nổi lên từ đống đổ nát để lại dưới thời Mao Trạch Đông và là người tạo tiền đề cho Trung Quốc bước sang thời kỳ “cải cách và mở cửa”.
Phim chứa rất ít những đoạn miêu tả cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng vì đây là nội dung không được phép công bố đối với các cơ quan ngôn luận của Nhà nước như Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) – đơn vị sản xuất loạt phim tài liệu này, vì thế đã khiến cho các nhà quan sát đem ra so sánh với tình hình hiện nay.
Những người theo dõi sát sao hệ thống chính trị Trung Quốc không thể không nhận ra những điểm tương đồng thú vị trong bối cảnh chính trị những năm 1970 được dựng lại trên phim, với tình hình đang diễn ra hiện nay, khi lãnh đạo Đảng Tập Cận Bình đang dẫn dắt một cuộc chiến không biên giới nhằm buộc tội những người theo phe phái Giang Trạch Dân – người được Đặng Tiểu Bình miễn cưỡng bổ nhiệm.
Trang Phong, nhà bình luận chính trị đương đại Trung Quốc đã lấy tựa đề “Tập Cận Bình có thể dùng cách bắt bè lũ bốn tên để loại bỏ phe GiangTrạch Dân” cho một bài báo gần đây viết về bộ phim. Bài báo cho biết “Trung Quốc có thể phải đối diện với mối nguy hiểm lớn hơn nếu điều đó xảy ra ở Trung Quốc hiện nay, nhưng đó cũng là thời khắc lịch sử để thiết lập nên một kỷ nguyên mới.”
Đặc biệt sự so sánh này mang tính liên tưởng sâu sắc, bởi cuộc thanh trừ nhóm bốn tên cũng mở ra một kỷ nguyên chính trị mới cho Đảng cộng sản Trung Quốc. Với cái chết của Mao, giai đoạn vận động quần chúng đã kết thúc, từ đó Đặng Tiểu Bình tiến hành những cuộc cải cách nhỏ, và cuối cùng là thúc đẩy một thị trường tự do vào đầu những năm 90.
Chuyển Giao Quyền Lực
Giang Trạch Dân lên nắm quyền sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 và giữ chức lãnh đạo Đảng Cộng sản từ đó cho đến năm 2002. Ông ta rời chức vụ cuối cùng của mình là chỉ huy quân đội cấp cao để nghỉ hưu vào năm 2004, nhưng Giang vẫn muốn giữ một chân trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao khi chuyển giao gần như toàn bộ quyền lực cho người kế nhiệm là Hồ Cẩm Đào.
Chẳng hạn, trong suốt Thế vận hội Olympic 2008, các bức ảnh đều cho thấy Giang luôn ngồi cạnh Hồ ở vị trí dành riêng cho thủ tướng, chứ không phải như một quan chức về hưu không còn chức vị. Trong các cuộc chuyển giao quyền lực năm 2002 và 2007, Giang đã đấu tranh rất quyết liệt để cài vào Ủy Ban Thường vụ Bộ Chính trị những người thân cận trung thành với ông, đặc biệt là những người quan tâm theo đuổi chiến dịch chính trị dã tâm của ông ta với cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Trong số đó có cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang, người bị hạ gục trong cuộc điều tra dài hạn của chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Tập đã gạt bỏ nhiều tay chân và thân cận của Giang, bao gồm Bạc Hy Lai – cựu Ủy viên Bộ chính trị, kẻ đã từng gặp rắc rối ngay cả trước khi Tập lên nắm quyền và Từ Tài Hậu – cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Trang Phong và các nhà phân tích khác đã thấy được những thay đổi hiện nay diễn ra giống như cách chuyển giao quyền lực sau khi “bè lũ bốn tên” bị tiêu diệt, đó là cơ cấu chính trị mới sẽ một lần nữa rơi vào tay của thế lực mạnh hơn.
Nhưng nếu mạng lưới chính trị của Giang liên tục bị phá sập bởi Tập Cận Bình và nó gần giống với sự sụp đổ của nhóm bốn tên thì mô hình chính trị ở giai đoạn tiếp theo vẫn chưa rõ ràng, ngay cả bộ phim cũng không đưa ra được Trung Quốc đang mong đợi điều gì.
Kịch Bản Vụng Về
Dù gì đi nữa, bộ phim này cũng đáng xem vì sự khắc họa những nhân vật trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc qua các thập kỷ, những người đã bị gạt ra ngoài lề hay bị loại bỏ hoàn toàn, trong các cuộc bàn luận chính trị mang tính chủ chốt.
Đó là Hoa Quốc Phong – chủ tịch Đảng trực tiếp kế nhiệm Mao Trạch Đông, là Hồ Diệu Bang – một nhà cải tổ cùng cái chết của ông đã châm ngòi cho cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989, là Triệu Tử Dương – Bí thư Đảng lúc bấy giờ đồng thời là người đã cảm thông với lực lượng biểu tình nên bị thanh trừ bởi Đặng Tiểu Bình và các “công thần của Đảng”, hơn nữa ông cũng không ủng hộ cuộc đàn áp bạo lực.
Nói cách khác, bộ phim tài liệu gắn liền với các yếu tố tuyên truyền then chốt của Đảng, cụ thể: các nhà lãnh đạo chính quyền được miêu tả như những người khôn ngoan, khiêm tốn, luôn khuyến khích và hỗ trợ quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, hình ảnh khôi hài nhất lại nằm ngay đoạn đầu phim, khi Mao Trạch Đông mong ước dẹp tan “bè lũ bốn tên”, thật là một kịch bản vụng về.
Về vấn đề này, giáo sư Trương Minh tại trường Đại học Nhân dân Bắc Kinh đã đăng một đoạn trên trang Sina Weibo rằng: “Tối nay có một nhà báo từ Hồng Kông hỏi tôi nghĩ gì về vai diễn trong phim với nội dung chính xoay quanh việc Mao Trạch Đông chuẩn bị kế hoạch đánh tan nhóm Tứ Nhân Bang trước khi ông ta chết. Tôi đã cười phá lên. Giá như mỗi ngày đều nghe được câu chuyện cười như thế này, thì tôi chẳng cần phải đến bệnh viện trong suốt quãng đời còn lại”.
Theo Đại Kỷ Nguyên