Nội chiến và độc tài tạo điều kiện cho dịch Ebola phát triển
Đằng sau cơn ác mộng dịch Ebola đang bùng phát dữ dội, là hạ tầng xã hội đã suy kiệt của châu Phi dưới thời các độc tài quân sự và những cuộc nội chiến.
Nếu nhìn vào cách chính phủ Guinea xử lý dịch bệnh bây giờ, nhiều người sẽ thấy sốc: tràn ngập những hình ảnh các xác người, hoặc những người bị nghi nhiễm virus Ebola nằm vạ vật trên phố nhiều giờ đồng hồ mà không ai phản ứng. Nguyên nhân là việc xử lý y tế dịch Ebola cực kỳ yếu kém.
Đất nước này đã liên tiếp trải qua nhiều chế độ độc tài quân sự khác nhau từ năm 1960 đến năm 2010. Guinea là một kịch bản kiểu châu Phi điển hình: đất nước này rất giàu tài nguyên khoáng sản, với kim cương, vàng và là quốc gia xuất khẩu bauxite thứ 2 trên thế giới. Nhưng những cuộc đảo chính liên tiếp, các nhà độc tài vơ vét và nguy cơ nội chiến khiến hạ tầng xã hội của họ trở nên suy kiệt.
Tương tự, kinh tế của Liberia đạt đỉnh từ năm… 1979 (đây là nơi các bác sỹ Mỹ đầu tiên nhiễm bệnh). Nhưng một cuộc đảo chính quân sự diễn ra năm 1980, và sau đó là hai cuộc nội chiến liên tiếp khiến nền kinh tế nước này suy kiệt. Hai cuộc nội chiến tại Liberia kéo dài từ năm 1989 đến tận năm 2003, tiêu tốn nửa triệu sinh mạng. Trong vòng 6 năm từ 1989 đến 1995, tổng thu nhập quốc dân của nước này giảm 90%.
Trong khi cuộc nội chiến ở Sierra Leon kéo dài suốt 11 năm từ 1991 đến 2002 với sự hỗ trợ của các phe phái tại… Liberia, đã hủy hoại nền kinh tế nước này. Những “mảnh ghép Tây Phi” này trở thành môi trường hoàn hảo cho dịch bệnh phát triển.
“Không phải con virus, mà chính châu Phi mới đang biến đổi” – kênh CBC của Canada bình luận. Dân số tăng, tiến trình đô thị hóa tăng nhưng hạ tầng xã hội vô cùng yếu kém bởi những hậu quả của nội chiến đang khiến nó trở thành mảnh đất vàng của dịch bệnh.
Theo laodong