Chiêu hút khách bằng tiếng ồn
Đang lúi húi mua hàng, chị Hoa giật mình nghe tiếng loa “Bánh khúc, xôi chè, khoai sắn nóng hổi vừa thổi vừa ăn nào”. Chợt nhớ đến nồi khoai nóng của bà nội hồi còn bé, chị Hoa chẳng chút đắn đo mua ngay một túi bóng đầy.
Chị bảo bình thường đi qua hàng khoai hàng sắn ở chợ, hiếm khi chị ghé vào mua. Vậy mà chẳng hiểu sao khi nghe tiếng rao cùng với hình ảnh nồi khoai bốc khói nghi ngút, khiến chị không thể cầm lòng. Nước miếng cứ như thể muốn ứa ra, cảm giác thật khó tả.
“Nhiều người lâu nay vẫn dị ứng với tiếng ồn phát ra từ chiếc loa bán báo dạo… nhưng ở một thời điểm nào đó, tôi cho rằng những tiếng rao này hiệu quả hơn rất nhiều so với ngồi bán một chỗ để chờ khách tới mua”, chị Hoa nói.
Người Hà Nội chẳng mấy xa lạ với những tiếng rao đêm của những chị bán bánh mì, những anh bán bánh khúc. Thời gian đầu, những âm thanh này chỉ mang tính tự phát theo kiểu người bán tự rao sản phẩm của mình đến với người mua. Lâu dần, những người bán hàng rong này cũng trang bị loa đài phát đi phát lại một lời rao, để tiết kiệm chi phí.
Những tiếng rao như “Bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm, một ngàn một ổ” hay “Đồng nát sắt vụn bán đi”… giờ đây không còn mang tính tự phát nữa. Nhiều doanh nghiệp lớn cũng tổ chức cách bán hàng lưu động, ồn ã bằng âm thanh như một cách tiếp cận mới đối với khách hàng trong bối cảnh nền kinh tế ngày một khó khăn.
Hai hãng di động nhỏ như Vietnamobile và Beeline có thời điểm cũng thực hiện chiến dịch bán hàng lưu động. Đi kèm với các sắc màu vàng đen, da cam là những âm thanh huyên náo, đã thu hút sự chú ý của không ít người qua đường. Một lãnh đạo của Vietnamobile bày tỏ kiểu bán hàng lưu động này có thể tiếp cận người mua ở mọi ngõ phố. Cách thức này giai đoạn đầu mang tính quảng bá hình ảnh nhiều hơn là mang lại doanh thu qua bán hàng.
Khâu chuẩn bị của các chủ buôn này là hàng hóa được chở lưu động trong ô tô nhỏ (cỡ 1,25 tấn), 1 tấm bạt to để trải hàng hóa tại sân chợ và loa đài, micro. Ảnh: Thanh Hoa |
Tại chợ Tứ Liên, Hà Nội, những ngày gần đây, đội quân bán hàng lưu động xuất hiện ngày càng nhiều. Nơi những chiếc xe chở hàng này đi qua đều để lại những âm thanh ồn ã, gợi cho người qua đường những tò mò nhất định.
“Hàng thanh lý đây. Giá siêu rẻ, càng mua nhiều giá càng rẻ, cơ hội mua hàng chỉ một lần duy nhất” – tiếng rao phát đi từ một chiếc loa nhỏ của quầy hàng quần áo, chăn ga gối lưu động vẫn là những âm thanh phổ biến nhất được nhiều người bán hàng sử dụng. Cũng không ít ông chủ hàng lại dùng chiêu thức khác để đánh vào tâm lý người mua như: “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Hàng Việt Nam chất lượng tốt, đảm bảo an toàn cho người sử dụng”.
Anh Điến, chủ một quầy hàng gia dụng ở chợ Tứ Liên cho biết cách đây mấy năm, anh đã tiếp cận cách thức bán hàng lưu động. Tại thời điểm ấy, anh mới sử dụng chiến thuật thô sơ theo kiểu chở hàng vào chợ một cách âm thầm. Đôi khi tiện mồm rao vài ba tiếng nên hàng bán ở đây bị ế chỏng trơ. Sau này, anh quyết định trang bị thêm loa đài, soạn vài lời rao cho thật vần rồi mở to để thu hút sự chú ý của khách hàng. “Đầu tư cho bộ loa đài, micro chỉ hết chưa đầy 500.000 đồng mà hiệu quả hơn hẳn. Ngay ngày đầu, tôi đã bán được gần một nửa xe hàng”, anh nói.
Chợ vốn là nơi ồn ào nên sự xuất hiện những tiếng rao phát ra từ chiếc loa cũ của anh Điến không làm phiền lòng người mua mà chỉ góp phần tạo thêm sự sôi động.
Dép đi trong nhà có giá 7.000 mỗi đôi, mua 3 đôi chỉ 18.000 đồng. Ảnh: Thanh Hoa |
Theo ghi nhận của VnExpress, những chiếc xe chở hàng lưu động đang len lỏi vào khắp các khu chợ như Nhật Tân, Xuân La, Tứ Liên, Ngã Tư Sở, Nguyễn Cao, Hàm Tử Quan. Thậm chí, người bán còn xâm nhập cả vào các khu tập thể, các khu vực tập trung nhiều sinh viên, công nhân lao động. Các mặt hàng được chào bán chủ yếu vẫn là quần áo, chăn ga, gối, giày dép và xong nồi ấm chảo… Đây đều là những đồ dùng thiết yếu hàng ngày, thậm chí là đồ ăn nước uống… nên thu hút đông đảo chị em. Chiếc loa đài được coi là trợ thủ đắc lực giúp người bán không phải bỏ quá nhiều công sức để quảng bá sản phẩm tới người mua.
Chị Mai Hà ở Khu tập thể Giảng Võ, Hà Nội chia sẻ: “Những sản phẩm này chắc chắn không tốt và bền bằng những sản phẩm cùng loại, có thương hiệu. Tuy nhiên với mức giá bỏ ra chỉ 100.000 đồng 3 chiếc áo, so với trung bình 250.000 một chiếc, mình sẽ chọn mua rẻ, kiểu dáng đơn giản, gọn gàng để tiện thay đổi thôi”.
Chị Bình Minh ở xã Xuân La, Tây Hồ cho biết có bận chị mua tới 13 chiếc áo mà chưa tốn đến 100.000 đồng. Các sản phẩm này đều là hàng “Made in Vietnam” tồn kho được đem đi thanh lý.
Còn chị Quỳnh ở Nam Đồng, Hà Nội cho hay dân công sở làm cả tuần chỉ được nghỉ ở nhà ngày cuối tuần. Khoảng thời gian ít ỏi này đa phần là để chị em đóng kín cả và ngủ vùi. “Do vậy, những tiếng rao phát ra từ xe hàng của anh “Tào phớ”, chị “bán ngô luộc”, hay bà bán bánh mì nóng… như thể đánh thức cái dạ dày. Hầu như tuần nào tôi cũng mua đồ từ quầy hàng rong khi thì bắp ngô, bát tào phở lúc thì khoai sắn hay bánh mì”, chị Quỳnh kể.
Như thể nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng, những chiếc xe chở hàng lưu động thường len vào các con phố nhỏ vào những ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Chủ hàng cũng có nhiều cách thức để “đổi món” khiến người mua cũng không cảm thấy nhàm chán.
Một chủ buôn hàng tiết lộ đối với những quầy hàng nhỏ lẻ là đồ ăn thức uống thì cần những mối bán hàng quen. Tuy nhiên những quầy hàng cần thanh lý như quần áo lỗi mốt cần liên tục đổi địa điểm. Và bao giờ cũng vậy, tại những điểm lần đầu xuất hiện, lượng hàng bán được nhiều hơn so với lần thứ 2 hoặc thứ 3 quay lại.
Hồng Anh – Thanh Hoa