Phát hiện bộ xương cổ nhất châu Mỹ 13.000 năm tuổi
Một bộ xương cổ nhất châu Mỹ với niên đại 13.000 năm tuổi vô tình được phát hiện tại một hang động dưới nước ở Mexico đã tiết lộ nhiều bí mật về những cư dân châu Mỹ đầu tiên.
Năm 2007, trong một hang động dưới nước có tên là Hoyo Negro – Hố Đen ở khu vực phía bắc thành phố Tulum, phía đông bán đảo Yucatan (Mexico), các thợ lặn đã vô tình phát hiện một bộ xương của một cô gái trẻ.
Bộ xương gần như còn hoàn chỉnh, chỉ có phần xương chậu bị vỡ, với cấu trúc ADN vẫn được bảo tồn sau gần 13.000 năm tồn tại. Được đánh dấu là HN5/48 cho thuận tiện trong việc nghiên cứu nhưng các nhà khoa học đặt tên cho bộ hài cốt là Naia, tên của Nữ thần Nước trong thần thoại Hy Lạp. Qua quá trình phân tích, bộ xương được xác định là của một thiếu nữ trẻ 15 – 16 tuổi, có chiều cao khoảng 1,5m.
Các nhà khoa học cho rằng, vào thời điểm đó các hang động ở bán đảo Yucatan có mực nước thấp hơn rất nhiều so với bây giờ nhưng không may, trong khi đi tìm nguồn nước cô gái đã rơi xuống một trong những hồ nước sâu của bán đảo.
Hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng những cư dân đầu tiên của Mỹ đến từ vùng Siberia, băng qua cây cầu đất liền Beringia, để đến Alaska và tiến vào nước Mỹ cách đây 17.000 năm trước.
Nhưng dựa trên phân tích ADN từ răng của bộ xương Naia, nhà nhân chủng học Deborah Bolnick đến từ Đại học Texas đã kết luận rằng: “Đây chính là tổ tiên của những người trên khắp châu Mỹ ngày nay.”
Tuy nhiên, phát hiện dường như vẫn còn gây nhiều tranh cãi khi những bộ xương lâu đời nhất của châu Mỹ, bao gồm cả Naia, đều có hộp sọ khác rất nhiều so với người dân bản địa ngày nay.
Ngoài bộ xương cô gái, thợ lặn còn phát hiện trong hang di tích của hổ răng kiếm, những con lười khổng lồ và các sinh vật đã tuyệt chủng từng sinh sống trong Thế Canh Tân Pleistocen.
Hồ Duyên @Bocau.net
Theo Foxnews