7 sự thật nên biết về dịch bệnh Ebola
Các ổ dịch Ebola lớn và tồi tệ nhất lịch sử đang diễn ra ở Tây Phi với hơn 1.000 trường hợp bị mắc nhiễm, giết chết hơn 600 người và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Các quốc gia ở khu vực này như Sierra Leone đang tiến hành cách ly những người bị nhiễm bệnh Ebola và cảnh sát sẽ sẵn sàng can thiệp khi cần thiết.
Dưới đây là một số sự thật bạn nên biết về Ebola.
1. Virus Ebola không biến đổi nhanh như những loại virus khác
Hình ảnh phóng đại 100.000 lần của virus Ebola.
Là nguyên nhân gây ra trận dịch, cho đến nay những loại virus Ebola không có nhiều biến đổi đáng kể so với khi chúng xuất hiện lần đầu năm 1976, trong khi các đa số các loại virus khác đều có những thay đổi nhất định, kể cả những loại virus gây dịch nguy hiểm như cúm và SARS.
Như vậy tình trạng nghiêm trọng hiện nay không hẳn do virus gây ra mà còn bởi nơi mà nó xuất hiện.
2. Ebola lây lan qua tiếp xúc gần gũi
Một thành viên thuộc Tổ chức Bác sĩ không biên giới tại Conakry, Guinea.
Ebola không có xu hướng lây lan trong không khí như bệnh cúm, sởi cũng như những bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác. Tuy nhiên, virus Ebola rất dễ lây qua việc tiếp xúc gần gũi với máu, chất tiết (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch), các vết xước trên da hay niêm mạc của những trường hợp bị nhiễm (kề cả người và động vật). Ngoài ra, Ebola còn lây truyền gián tiếp thông qua những vật dụng đã tiếp xúc với chất tiết của người nhiễm bệnh như quần áo, kim tiêm, giường chiếu nhiễm bẩn…
3. Ebola dễ dàng lây truyền khi người nhiễm đang trong giai đoạn đầu của bệnh
Các nhân viên Tổ chức Y tế Thế giới chuẩn bị bước vào một bệnh viện trong đợt bùng phát Ebola ở Uganda năm 2012.
Những dấu hiệu ban đầu như đau nhức, sốt, tiêu chảy… của những trường hợp bị nhiễm thường khó phân biệt với những căn bệnh thông thường khác. Vì vậy rất khó phát hiện và cho đến khi căn bệnh đã phát triển đến giai đoạn nặng hơn và có biểu hiện rõ ràng (xuất huyết trong và ngoài) thì người bệnh đã vô tình góp phần gây lây lan căn bệnh.
4. Có khả năng sống sót sau khi mắc bệnh
Một y tá kiểm tra tình trạng bệnh nhân mắc Ebola ở Guinea.
Theo con số mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tỷ lệ sống sót của những trường hợp mắc bệnh Ebola là khoảng 40%, trong điều kiện được phát hiện và chăm sóc kịp thời.
Có 5 loại virus Ebola, trong đó loại Zaire ebolavirus, nguyên nhân chính gây ra các ổ dịch hiện nay, được xác định có khoảng 30% người mắc phải có khả năng sống sót kể từ khi nó được phát hiện.
5. Ebola phát triển nghiên trọng như hiện nay do sự xuất hiện của nó tại vùng có cơ sở hạ tầng y tế kém phát triển như châu Phi
Găng tay và giày được phơi dưới ánh mặt trời, tại một trung tâm dành cho các nạn nhân của virus Ebola ở Guinea.
Các nước nằm trong khu vực trung tâm bệnh dịch như Guinea, Liberia và Sierra Leone cũng là những quốc gia nghèo nhất thế giới. Ba quốc gia này đều có GDP bình quân đầu người ít hơn Haiti với chi phí dành cho chăm sóc sức khỏe của mỗi người chỉ từ 40 – 100 USD mỗi năm. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng y tế thiếu thốn, yếu kém đã gây không ít khó khăn cùng lo ngại cho những nhân viên y tế tại các ổ dịch.
Cũng bởi thiếu nguồn kinh phí hỗ trợ, rất nhiều chiến dịch nhằm chống lại Ebola của các tổ chức phi chính phủ đã bị hủy bỏ.
6. Có nguy cơ lây lan nhanh nhưng không có nghĩa là thảm họa
Tỷ lệ du lịch quốc tế cao như hiện nay là điều kiện tốt để lây truyền Ebola sang những vực khác. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sẽ có những trận bùng nổ Ebola khác trên thế giới, bởi sự phát triển của virus Ebola còn phụ thuộc vào sự theo dõi chặt chẽ cũng như hệ thống y tế công cộng của mỗi quốc gia và thế giới.
Điển hình như trong khi Trung Đông đang chiến đấu với loại virus gây bệnh MERS chết người và ngay cả khi có 2 trường hợp mang mầm bệnh này đến Mỹ thì vẫn không có bất kỳ trường hợp mắc bệnh nào khác trên thế giới.
7. Nếu xuất hiện ở Mỹ, Ebola sẽ được kiểm soát chặt chẽ
Mỹ là quốc gia có cơ sở hạ tầng y tế phát triển, các chuyên gia chắc chắn rằng dịch bệnh Ebola sẽ không phát triển mạnh mẽ ở đất nước này như ở châu Phi. Các bệnh viện hiện đại tại đây có đầy đủ khả năng phòng ngừa lây nhiễm đồng thời dịch tễ học sẽ theo dõi các người bị nhiễm bệnh và chắc chắn rằng sẽ không có các trường hợp lây lan.
Ngay cả trong rường hợp xấu nhất, ông Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và Chính sách thuộc Trường ĐH Minnesota (Mỹ) nói “Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ có một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng tại bất kỳ nước phát triển nào”.
Theo Vox.