Nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái khiến nội bộ rạn nứt
Trước khi Liên hiệp châu Âu (EU) và Mỹ áp đặt những lệnh trừng phạt cứng rắn mới, nền kinh tế Nga đã rơi vào suy thoái, khiến nội bộ rạn nứt.
Theo báo cáo của tình báo Đức, các biện pháp trừng phạt kinh tế hiện nay đang gây ra chia rẽ ở Nga bất chấp nỗ lực của Tổng thống Vladimir Putin nhằm thể hiện cho thế giới thấy một mặt trận thống nhất ở Moscow.
Nội bộ Nga rạn nứt
Tạp chí Der Spiegel ngày 27/7 dẫn nội dung báo cáo trên cho biết cuộc đấu đá quyền lực đang diễn ra trong giới chóp bu của Điện Kremlin – giữa các nhân vật cứng rắn và lãnh đạo kinh tế – về cách thức đối phó tốt nhất với những biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến khủng hoảng Ukraine. Tại một cuộc họp của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức, Giám đốc Cục Tình báo nước ngoài (BND) Gerhard Schindler nhận định dường như xuất hiện dấu hiệu rạn nứt trong khối sức mạnh của ông Putin. Một số nhân vật muốn đặt lợi ích kinh tế trên lợi ích chính trị và đang tìm cách “hãm phanh” ông Putin.
Trong cuộc phỏng vấn cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel nói rằng lệnh trừng phạt của EU cần nhằm vào các lãnh đạo doanh nghiệp giàu có của Nga. Bằng cách thắt chặt thòng lọng quanh các ngân hàng Nga, châu Âu hy vọng sẽ làm cho các nhà công nghiệp chủ chốt xa rời Tổng thống Putin, hạn chế khả năng của Kremlin rót tiền cho các ngân hàng trên các thị trường quốc tế. Điều đó có nghĩa là Nga sẽ phải đào sâu vào các kho dự trữ tiền và làm suy yếu giá trị đồng rúp. Nói với Der Spiegel, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Alexei Kudrin khẳng định: “Nếu lệnh trừng phạt được áp đặt đối với toàn bộ khu vực tài chính của Nga, nền kinh tế của Moscow sẽ sụp đổ trong vòng 6 tuần”. Trong khoảng 3-5 năm, cấm vận nhằm vào trang thiết bị và công nghệ nhạy cảm đối với ngành năng lượng có thể gây hại cho Nga.
Châu Âu cũng tổn thất
Ở chiều ngược lại, một số nhà phân tích nhận định EU cũng sẽ thiệt hại nghiêm trọng nếu cấm vận các ngành tài chính và năng lượng của Nga. EU hiện xuất khẩu khoảng 100 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ sang Nga trong khi nhập khẩu từ Nga khoảng 200 triệu USD hàng hóa mỗi năm. “Không phải vai trò tiêu dùng mà chính vị trí nhà cung cấp năng lượng chủ chốt của Nga mới tác động đến châu Âu nhiều nhất” – đài CNN nhận định. Một khi Nga dừng xuất khí đốt sang châu Âu để đáp trả, hoạt động sản xuất của châu lục này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Trong bối cảnh khu vực đang cố gắng phục hồi kinh tế và giảm tỉ lệ thất nghiệp, việc gạt bỏ một đối tác thương mại lớn ngay bên cạnh là rủi ro không nhỏ.
Do đó, EU phải cân nhắc cẩn trọng, nhất là khi một số nước chắc chắn thiệt hại nhiều hơn những nước khác. Trước nay, Anh bán nhiều khí tài và xe hơi cho Nga. Với các mỏ khí đốt ở biển Bắc và tiềm năng khai thác dầu đá phiến, Anh có nhiều lựa chọn về năng lượng. Tuy nhiên, nếu EU cấm vận các ngân hàng nhà nước Nga thì trung tâm tài chính London không thoát khỏi ảnh hưởng vì nhiều khu nhà cao cấp ở đây sẽ không còn hấp dẫn giới người giàu Nga. Với Đức, nước này hiện có 6.000 công ty làm ăn ở Nga và có khoảng 300.000 lao động sinh sống dựa vào thương mại với Nga.
Đối với các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 28-7 khẳng định Nga sẽ không đáp trả. Theo ông, trừng phạt sẽ chỉ khiến Moscow độc lập hơn về mặt kinh tế. Cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định sẽ trừng phạt bổ sung Nga do không làm dịu cuộc khủng hoảng ở Ukraine.