Sắp có ‘tiên dược’ chống được mọi virút
Các nhà khoa học đang phát triển một loại thuốc mới có khả năng ngăn chặn mọi loại virút, ví dụ như các virút gây bệnh cúm.
Một nhóm nghiên cứu thuộc Phòng thí nghiệm Lincoln – Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ) đang trong quá trình phát triển một loại thuốc mới, có khả năng xác định được các tế bào bị nhiễm bất kỳ loại virút nào và ngăn chặn chúng phát tán trong cơ thể.
Những loại thuốc kháng sinh như penicillin do nhà khoa học Alexander Flemming phát hiện vào năm 1928, có thể chống lại phần lớn các vi khuẩn gây viêm nhiễm. Tuy nhiên, việc phát triển một loại thuốc phòng chống virút rất khó khăn. Hiện tại, chưa có loại thuốc nào có thể chống lại virút gây các bệnh như cúm theo mùa, sốt xuất huyết hay căn bệnh chết người HIV/AIDS.
Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm loại thuốc mới với 15 loại virút và phát hiện nó có tác dụng chống lại tất cả những virút này, bao gồm virút rhinoviruses gây bệnh cùm theo mùa, cúm H1N1, virút gây bệnh dạ dày, bệnh viêm tủy và một số loại virút khác.
Theo tờ Daily Mail, các thử nghiệm trên được thực hiện trên các tế bào của người và động vật được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Các nhà khoa học cũng thử nghiệm công nghệ này trên những con chuột bị nhiễm virút H1N1 và kết quả cho thấy chúng đã được điều trị khỏi bệnh hoàn toàn.
Nhóm nghiên cứu dự định sẽ tiến hành loại thuốc mới trên chuột nhiễm các loại virút khác và hy vọng sau đó sẽ thử nghiệm trên những động vật lớn hơn trước khi tiến hành thử nghiệm trên con người.
Tiến sĩ Todd Rider hy vọng, loại thuốc mới có thể được dùng để ngăn chặn sự bùng phát của những loại virút mới như virút SARS.
Virút SARS xuất hiện ở Trung Quốc vào năm 2003 và nhanh chóng lan rộng ra khắp nước này và sau đó lây lan sang các quốc gia khác trên thế giới qua đường hàng không. Đại dịch SARS chỉ được kiểm soát vào tháng 7/2003 sau khi khiến 8.098 người bị nhiễm bệnh và 10% trong số này đã tử vong.
Hà Hương