Báo Đời Sống & Pháp Luật và những nhận định sai lầm về Pháp Luân Công

27/07/14, 01:33 Pháp Luân Công, Tri thức

Kính gửi ban biên tập báo Đời Sống & Pháp Luật.

v/v: bài báo về Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) đăng trên trang 2 – 3, báo số 29 (tuần 22 – 28/7/2014).

Tôi gửi thư này cho quý báo với mục đích như sau :

1. Chỉ rõ ra những nhận thức sai lầm về Pháp Luân Đại Pháp viết trong bài báo.

2. Kiến nghị quý báo cải chính những nhận định sai lầm như vậy.

Bài báo đăng ở trang 2 và trang 3, gồm có một bài chính, và hai phần tạm gọi là “bài phụ” là trao đổi với một nhà cảm xạ học và một nhà khí công sư – võ sư – bác sỹ. Chủ đề chính của bài, như được chỉ ra ở tiêu đề, là nói rằng học Pháp Luân Đại Pháp có thể có hậu quả nghiêm trọng. Và trong bài chính và hai bài phụ, có một số luận điểm hậu thuẫn ý chính nói trên. Nhưng đọc xong, tôi thấy rằng tất cả những điểm đó đều có vấn đề. Nay xin trình bày rõ với quý báo như sau.

1. Về chủ đề chính của bài báo: “cái giá phải trả”

Đầu tiên, tiêu đề bài báo viết: “Cái giá phải trả của những người cuồng tín cả tin theo kẻ tự xưng là truyền nhân của “Phật tổ”” . Tiếp đó là đoạn chữ đậm biểu hiện ý chính của bài, viết “những con thiêu thân… tử vì Đạo”. Và tiếp đó là dòng chữ đậm có đoạn “Vì niềm tin mù quáng ấy mà có người đã phải trả giá bằng chính sức khoẻ, tinh thần, thậm chí là tính mạng”.

Với những hàng giật tít như vậy, người đọc sẽ hiểu ý của tác giả muốn nói rằng học Pháp Luân Đại Pháp sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, cụ thể là có khả năng mất mạng.

Với kết luận rất nặng như vậy, đọc giả như tôi tự nhiên đặt ra câu hỏi: tác giả bài báo có đưa ra bằng chứng cụ thể hay không? Đọc xong, tôi thấy rằng: tác giả không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào, trái lại, hai người chứng duy nhất đều phủ định kết luận của tác giả, cụ thể là, cả hai người chứng đều nói họ học Pháp Luân Đại Pháp và thu được kết quả rất tốt.

Hai người học Pháp Luân Đại Pháp như dẫn ra trong bài báo –chị Trần Thu Trà ở Đội Cấn và chị Nguyễn Thị Thu Hồng ở Thanh Xuân– đều nói rất tốt về Pháp Luân Đại Pháp. Đều nói rằng học Pháp Luân Đại Pháp đã chữa khỏi bệnh cho bản thân hai chị đó. Chị Trà cũng giới thiệu cho cả nhà cùng tập luyện. Trong bài có dẫn đoạn để trong ngoặc kép lời của chị Hồng: “Từ ngày tôi tập Pháp Luân Công người khoẻ ra, những bệnh tật thông thường không còn nữa,…”. Không có đoạn trích dẫn nguyên lời của chị Trà về hiệu quả tu tập, chỉ nói chung là hết bệnh khoẻ người, nên tôi cũng không dẫn ở đây.

Trên thực tế, những ca ngợi như vậy rất thường gặp ở các học viên Pháp Luân Đại Pháp, vốn vô cùng đông đảo trên thế giới hôm nay, điều đó tác giả có thể dễ dàng tìm được trên Internet. Cá nhân tôi tiếp xúc với nhiều học viên Pháp Luân Đại Pháp và cũng nghe nhiều lời tương tự.

Vậy là, cả hai dẫn chứng đều không chứng minh cho tiêu đề bài báo, hay nói đúng hơn là phản biện ngược lại. Người học Pháp Luân Đại Pháp đã từ chính miệng họ nói ra hiệu quả họ nhận được và khen rằng rất là tốt. Họ cũng không hề nói họ phải trả giá điều gì như tiêu đề bài báo!

Vậy thì ai là người đưa ra lời kết tội về cái giá phải trả ở đây? Tôi hiểu rằng, đó là người viết báo. Tác giả mặc kệ lời khen của người trực tiếp học, và cứ ngang ngạnh áp đặt ý kiến của mình rằng: họ khen ngợi môn này, thuần tuý là vì “cuồng tín”, là như “nhập đồng”, là “tin vào một cách mê muội”, v.v.

Tôi hiểu, ý tác giả nói là vì hai người đó ngu muội nên mới khen ngợi. Cái này quá vô lý đi. Người ta học, hết bệnh, bản thân người đó chứng thực, gia đình cũng biết, hàng xóm cũng biết. Những việc thế này sao mà lừa được. Bệnh tật hàng bao nhiêu năm như thế, giờ đã khỏi. Mà cũng không phải một người như vậy. Đây là điều chính tác giả đã viết: “Tập Pháp Luân Công không chỉ là những người bình thường, có cả những vị mang học vị tiến sỹ có thời gian nghiên cứu tâm linh…” Và tất cả những người tìm được ích lợi tốt như vậy từ Pháp Luân Đại Pháp đồng dạng bị tác giả xếp vào loại “cũng bị lạc vào ma trận này”. Thật là xúc phạm! Tôi không rõ 100 triệu học viên Pháp Luân Đại Pháp toàn cầu –đông hơn dân số Việt Nam– nếu đọc đoạn này thì sẽ nghĩ thế nào? Ồ! Ở Việt Nam có ai nói chúng ta đều là ngu ngốc và mê muội này, không hiểu anh ta là người “thông minh” ở tầm cỡ nào nhỉ!

Đây là đoạn văn tác giả bài báo viết: “Thật sự nghe những tín đồ của Pháp Luân Công nói về công năng của đạo pháp này khiến người ngoài như tôi như bị dẫn dụ vào một giáo pháp cực kỳ cao siêu mà căn nguyên có thể tín xuất phát từ đạo Phật.” Như vậy, tôi hiểu rằng tác giả đưa ra kết luận trên là vì tác giả đã nghe rõ ràng nhưng không tin vào điều được nghe vì nó quá siêu thường theo nhận thức của tác giả. Cái đó có thể thông cảm. Trên đời này có quá nhiều điều kỳ diệu mà khoa học không giải thích được. Ai đó một ngày nào đó gặp một điều gì đó và cảm thấy quá khó tin,… cái đó không hiếm lắm. Có một số người mà kiến thức của họ chỉ có ngần ấy thôi. Cái này là có thể thông cảm.

Nhưng vấn đề ở đây là: cá nhân tác giả không tin cho nên kết luận rằng điều đó không đúng, sau đó đưa ra kết tội nặng nề như vậy, và đăng lên báo! Tôi nghĩ rằng, với cương vị là tờ báo của Trung ương Hội luật sư Việt Nam, thì có lẽ cũng phải đủ khả năng phân biệt được khoảng cách giữa sự không tin của cá nhân với hành vi viết bài lên báo để kết tội nặng nề đến vậy.

Tôi cảm giác như mình đang ngồi ở phòng xử án và chứng kiến: Bên nguyên cáo đứng ra luận tội, đưa ra lập luận chứng minh ra lời cáo buộc của mình, sau đó dẫn nhân chứng vật chứng. Nhưng tất cả nhân chứng vật chứng đều phản đối lời buộc tội của nguyên cáo. Kỳ lạ thay, nguyên cáo bèn tuyên bố rằng tất cả người làm chứng vì ngu muội nên nói sai hết. Và kỳ lạ hơn nữa, quan toà cứ khăng khăng kết luận là bị cáo có tội và kết án nặng tới mức tù chung thân!

Ai cũng biết, hiện nay toàn quốc có hàng nghìn học viên Pháp Luân Đại Pháp tập luyện hàng ngày, và nhiều năm nay vẫn là như thế rồi.

Lúc bình minh, khi tất cả còn đang chìm trong giấc ngủ thì các học viên Pháp Luân Công đã bắt đâu một ngày của mình tại điểm luyện công. Trong các bài tập, các khẩu hiệu của Thấy Lý trong nhạc tập công đều được mọi người thực hiện chậm rãi và thư giãn, tất cả cơ thể và tâm hồn của mọi người được tắm trong ánh Phật quang và sự thăng hoa trong luyện tập. Khi thành phố thức giấc, các học viên lại hòa vào công việc và đời sống bận rộn của Bắc Kinh, Trung Quốc.

Đó là chưa nói đến toàn cầu, Pháp Luân Đại Pháp có hơn 100 triệu người học trên 114 quốc gia, trong đó cộng đồng đông nhất là ở Trung Quốc (dù bị đàn áp từ 1999), Đài Loan, và Mỹ quốc. Tiếp đó là Úc, Châu Âu và Canada là những cộng đồng cũng không nhỏ. Cũng không phải là họ mới học, mà là đã học hàng chục năm như thế rồi. Cũng không thấy các nước có Y học tiên tiến bậc nhất thế giới như Mỹ quốc, Pháp, Anh, Đức nói gì về cái gọi là “cái giá phải trả” của các học viên Pháp Luân Đại Pháp cả. Họ cũng không hề xúc phạm các học viên bằng cách dán cho cái nhãn ngu muội cuồng tín gì đó. Mà trái lại, họ đã trao hàng nghìn giải thưởng và khen tặng đã được trao cho Pháp Luân Đại Pháp. Đây là sự thật quá hiển nhiên mà ở thời đại Internet này ai cũng có thể biết và có thể kiểm chứng.

Những khen tặng từ California, Mỹ

Đồng thời ai cũng biết, nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của học viên Pháp Luân Đại Pháp chính là cuộc đàn áp dã man ở Trung Quốc, trong đó lố bịch nhất và cũng là vô nhân đạo nhất, đó là các học viên Pháp Luân Đại Pháp bị Đảng cộng sản Trung Quốc biến thành kho thu hoạch tạng, là đối tượng của nạn mổ cướp tạng đem bán. Xem tại http://dafoh.net để có thông tin tường tận vấn đề nóng bỏng này.

Tác giả bài báo sau đó đưa ra một số dẫn chứng về nạn nhân của một số niềm tin mù quáng, mặc dù không nói rất cụ thể, nhưng những dẫn chứng đó đều là về cái gì đó khác chứ không liên quan gì đến Pháp Luân Đại Pháp (cụ thể là môn phái của ông Bùi Long Thành và của ông Vũ Thế Khanh như bài báo đã viết rõ). Tôi không bình luận về môn phái khác. Chỉ là nhắc nhở rằng lấy những ca của môn khác để kết luận về Pháp Luân Đại Pháp như vậy là không hợp lý, gây nhiễu loạn và hiều sai cho người đọc báo.

Tiếp đó, tác giả đưa ra một số những bình luận xấu về Pháp Luân Đại Pháp, nhưng tất cả đều là nói suông, không có dẫn chứng gì. Về phần trao đổi với hai vị: một nhà cảm học và một nhà khí công sư – võ sư – bác sỹ. Tôi sẽ viết ý kiến của mình ở phần sau trong thư này.

Như vậy, bài báo tuyên bố rằng học Pháp Luân Đại Pháp sẽ có hậu quả nghiêm trọng, thậm chí mất mạng, nhưng tất cả chỉ là tuyên bố suông, là nhận xét của tác giả hay của ai đó, mà không hề có bằng chứng, nếu không muốn nói là có bằng chứng ngược lại. Đồng thời, tác giả cố ý bỏ qua thực tế lù lù trước mắt là Pháp Luân Đại Pháp đã đang hoạt động rất thành công ở trên thế giới, ngay ở những quốc gia có nền Y học hàng đầu.

2. Về luận điểm: “truyền nhân của Phật Tổ”

Mở đầu bằng đoạn viết “những người cuồng tín cả tin theo kẻ tự xưng là truyền nhân của “Phật tổ””. Đây là hiểu sai. Trắng trợn hiểu sai.

Trước hết, về thuật ngữ “Phật Tổ”. Chúng ta đều biết, khi dùng từ này, người ta sẽ hiểu là nói về đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tuy nhiên, thuật ngữ này trong giới Phật giáo chỉ dùng theo nghĩa tương đối và trong hoàn cảnh tương đối. Tại sao? Tại vì Phật Thích Ca không hể tự nhận mình là “Phật Tổ”. Trong Phật giáo giảng rằng, trước Phật Thích Ca còn có 6 vị Phật Nguyên Thuỷ đã từng xuất hiện ở thế gian này. Ngoài ra, trong vũ trụ còn có nhiều vị Phật khác. Ví dụ, Phật A Di Đà, Phật Dược Sư, Đại Nhật Như Lai, v.v. Trong Kinh Pháp Hoa cũng kể rằng lúc Phật Thích Ca đang giảng Pháp, thì đã xuất hiện một vị Phật rất cổ xưa là Phật Đa Bảo, v.v. Nghĩa là chư Phật có rất nhiều và đã có từ rất lâu, vậy thì ai là “Phật Tổ”?

Phật Thích Ca khẳng định rằng ngài đã chứng quả vị Như Lai, đã thành Phật, nhưng không hề nói rằng ngài là Phật Tổ. Danh hiệu “Phật Tổ” là cách gọi mang tính “kính yêu” của giới Phật tử và người thành kính với Phật gọi ngài mà thôi. Cái này không sao cả, dù sao Phật Thích Ca đúng là vị Phật đã truyền rộng ra môn tu luyện, thành Phật giáo ngày nay. Phàm nhân chúng ta kính trọng Ngài và gọi Ngài như vậy cũng được thôi. Còn trong giới Phật học, thì Phật Thích Ca không tự nhận ngài là Phật Tổ, cho nên đệ tử của ngài cũng không dám nói vậy.

Ý tôi muốn nói ở đây là, dù trong Phật giáo hay trong Pháp Luân Đại Pháp, người ta đều hiểu rằng chư Phật là có rất nhiều, và đã có từ rất xa xưa rồi. Danh hiệu “Phật Tổ” là danh hiệu rất nghiêm túc, và rất cao quý. Danh hiệu đó không phải là điều có thể đem ra nói cẩu thả được. Nếu hỏi một vị chân tu trong Phật giáo hoặc trong Pháp Luân Đại Pháp rằng: “có bao nhiêu vị Phật” thì họ sẽ trả lời: “vô lượng vô số”. Và nếu hỏi một cách nghiêm túc “trong đó ai là Phật Tổ” thì nhiều khả năng là họ sẽ nói là “không biết cụ thể”.

Tôi dành riêng một đoạn để viết về vấn đề này, chính vì tôi kính trọng chư Phật, kính trọng nhà Phật. Theo cái nhìn của một người tu Phật, thì ai đó bừa bãi lấy danh hiệu “Phật Tổ” hay “truyền nhân của Phật Tổ” để dùng trong cho mục đích vu vạ người khác, thì đó là việc làm rất không nghiêm túc.

Ai tự xưng là “truyền nhân của Phật Tổ” như trong bài báo viết ở đây? Hiển nhiên không phải là Thầy Lý Hồng Chí của Pháp Luân Đại Pháp. Rất nhiều chỗ trong bài giảng, Thầy đều nói rằng Pháp Luân Đại Pháp không liên quan gì tới Phật giáo, kể cả Phật giáo thời đầu cho tới Phật giáo thời nay. Đồng thời nhấn mạnh rằng Pháp Luân Đại Pháp có hệ thống truyền thừa của riêng mình, nhưng không liên quan tới Phật giáo, cũng không nói đến “truyền nhân của Phật Tổ” hoặc là “truyền nhân của Phật Thích Ca”. Và như đã nói ở trên, bản thân khái niệm “Phật Tổ” trong Pháp Luân Đại Pháp cũng rất nghiêm túc, và theo tôi biết, cũng không có giảng rằng vị nào trong chư Phật là ứng với danh hiệu “Phật Tổ” cả. Đây là điều hoàn toàn có thể kiểm chứng. Các bài giảng của Thầy được công bố công khai, ai cũng có thể đọc.

Vì thế, tôi rất thắc mắc là tác giả căn cứ vào đâu để đưa ra kết luận “truyền nhân của Phật Tổ” này! Vì cả trong Pháp Luân Công và Phật giáo người ta đều không thể tuỳ tiện nói những chuyện như vậy. Do vậy đã cố thử đọc vài lần bài viết. Tôi đọc được chỗ duy nhất có dẫn tới khái niệm này là đoạn tả rằng chị Trà cho biết “Sư phụ Lý Hồng Chí là người đức độ. Sư phụ là truyền nhân của Phật Tổ được cử xuống nhân gian giúp đỡ chúng sinh.

Như vậy, đây là ý kiến cá nhân của chị Trà trong ngữ cảnh đặc thù, chứ không đại biểu cho Pháp Luân Đại Pháp. Không một học viên Pháp Luân Đại Pháp nào dám nói Thầy Lý Hồng Chí là truyền nhân của Phật Tổ cả. Một khi Thầy không tự nhận mình là như thế, thì tất cả các học viên không ai dám nói thế.

Như vậy, hoặc là chị Trà học Pháp Luân Đại Pháp chưa kỹ nên nói nhầm, hoặc là tác giả “nghe nhầm”. Hoặc có lẽ không phải cả hai trường hợp ấy. Chỉ đơn giản là cách nói tôn kính của người Việt chúng ta. Tương tự như chúng ta vì tôn kính mà dành danh hiệu “Phật Tổ” cho Phật Thích Ca Mâu Ni, thì chúng ta cũng có những cách nói tương tự khi nói về ai người có đức độ rất lớn, kiểu như nói, ví dụ: ông lấy là do Trời phái xuống, ông ấy rất tốt với tôi, ông lấy là do Phật Tổ phái xuống nhân gian, là thánh A La phái xuống, là Bụt phải xuống, v.v.

Với những gì mà Thầy Lý Hồng Chí đã cống hiến cho xã hội ngày nay, thì mô tả về Thầy theo cách biểu đạt lòng tôn kính của người Việt như vậy, cũng là được thôi. Xã hội ngày nay, một cá nhân bằng vào đức giáo hoá mà thu phục được kính trọng của 100 triệu người, thì nhận được lòng kính yêu như vậy cũng là hợp lý. Ý tôi nói là, nếu một người Việt như chị Trà, học Pháp Luân Đại Pháp và nhận được lợi ích lớn lao như vậy, và chị dùng cách nói rất Việt Nam như vậy để biểu đạt, thì cũng là chuyện bình thường thôi.

Nhưng vấn đề là, dù là vì bất kể lý do gì, tác giả không thể từ đó kết luận rằng ai đó ở Pháp Luân Đại Pháp tự nhận là truyền nhân của Phật Tổ, và càng không thể lấy cái đó là lý do chỉ trích Pháp Luân Đại Pháp. Viết một bài lên báo không phải là việc làm cẩu thả như vậy được. Trong khi toàn bộ giáo lý của Pháp Luân Đại Pháp KHÔNG nói thế, các học viên Pháp Luân Đại Pháp đều KHÔNG nói thế, và người làm báo chỉ bằng một câu nói rất “ngoài lề” như vậy mà chụp thẳng cái mũ lên Pháp Luân Đại Pháp. Như vậy rất không nghiêm túc. Không nghiêm túc cả trong vấn đề lô-gíc, cũng như đối với cộng đồng tin Phật.

3. Pháp Luân Đại Pháp là được phép ở Việt Nam

Trong bài báo, tác giả viết rằng Pháp Luân Đại Pháp là “đã bị cấm ở Việt Nam”. Đây thuần tuý là nói bậy. Các nhóm luyện công Pháp Luân Đại Pháp vẫn hoạt động công khai ở các thành phố lớn nhiều năm nay. Họ luyện tập công khai ở công viên hoặc các nơi công cộng, tương tự như các nhóm tập Thái Cực Quyền, hay môn dưỡng sinh khác. Nói đến “cấm” thì là liên quan vấn đề luật pháp. Khi mà trong các luật pháp công bố hiện hành ở Việt Nam không cấm, thì tác giả căn cứ vào đâu để viết “đã bị cấm ở Việt Nam”?

Chúng ta biết, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên hành tinh này ban hành chỉ thị cấm Pháp Luân Đại Pháp. Tại các nơi khác trên thế giới, kể cả Hồng Kông và Macao, Pháp Luân Đại Pháp vẫn hoạt động hợp pháp bình thường. Đã Trung Quốc Đại Lục khác kiểu như vậy, thì câu hỏi tự nhiên sẽ đặt vào Trung Quốc, chứ không phải là đặt vào Pháp Luân Đại Pháp. Nói chung người ta sẽ hỏi, tại sao Trung Quốc cấm Pháp Luân Công?

Kể từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc bắt đầu 1999 đến nay, là đã 15 năm. Nếu như những năm đầu, người ta còn “tương đối” ngỡ ngàng trước câu hỏi này, thì hôm nay, thế giới đã có câu trả lời rất rõ ràng rồi. Chúng ta thử đọc một nguồn trung lập là Wikipedia, trong bài “Pháp Luân Công” có lời giải đáp như sau:

Một trong những nguyên nhân của cuộc đàn áp được chấp nhận đó là sự ghen tị của Chủ tịch Giang Trạch Dân, vì số lượng học viên Pháp Luân Công đã lên đến 100 triệu người…

Đàn áp Pháp Luân Công để đoạt lợi ích chính trị: …nhiều viên chức trong chính quyền… muốn dựa vào vu khống tạo lý do đàn áp Pháp Luân Công để đoạt được quyền lợi chính trị và được Giang Trạch Dân chú ý

Sự xung đột ý thức hệ: Đảng Cộng Sản Trung Quốc vô thần trong lịch sử của mình đã luôn tìm cách áp đặt tư tưởng vô thần lên nhân dân Trung Quốc… Việc Pháp Luân Công tin vào các giá trị Chân Thiện Nhẫn, vào “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, có sự tương đồng với văn hóa Thần truyền Trung Quốc đã làm cho Đảng nổi giận…

Tất nhiên, còn rất nhiều nguồn bình luận trung lập khác với các loại ý kiến có tương đồng và khác biệt, nhưng nhìn chung cũng đều là quy kết nguyên nhân đàn áp là do Trung Quốc.

Cộng đồng thế giới, gồm cả các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, đều phản đối việc làm vô đạo đức này của Trung Quốc. Học viên Pháp Luân Đại Pháp bị đàn áp có thể được tiếp đón ở đó như tị nạn chính trị.

Đó là bối cảnh ngày nay, mà bất cứ một người làm báo nào cũng có thể tìm hiểu để biết. Cái này không phải là rất mới, hay bí mật gì, cũng là kiến thức xã hội chung mà.

Thế thì tại sao tác giả lại “quên không nhắc đến” sự thật lù lù trước mặt đó? Tại sao tác giả giật tít một bài phụ là “Pháp Luân Công là môn phái bị cấm truyền bá”, trong khi chỉ có đàn áp vô nhân đạo ở Trung Quốc vốn bị cả thế giới lên án? Tại sao tác giả viết “bị cấm ở Việt Nam” trong khi trong luật hiện hành KHÔNG hề có luật nào như vậy?

Theo tôi biết, hiện nay Việt Nam ta là một nước độc lập. Bất kể là quan hệ với Trung Quốc có diễn biến như thế nào… Tóm lại, là một đọc giả người Việt, tôi không thể hiểu được tại sao tác giả lại làm như vậy?

Đệ tử Đại Pháp tại Hà Nội, Việt Nam chụp ảnh mừng sinh nhật Thầy Lý năm 2013

4. Luận điểm về khí công chữa bệnh

Khí công có thể trị bệnh. Đây là sự thật. Sự thật rất KHOA HỌC. Đúng, rất khoa học, vì nó đã được kiểm chứng. Nhiều người qua Đông Y, Tây Y chữa bệnh không khỏi và sau đó qua học khí công và khỏi bệnh. Cái này là có KHOA HỌC kiểm chứng. Vậy mà, trong phần bài phụ, có trao đổi với một nhà cảm xạ học, bài báo này đăng lời tuyên bố: “Tập Pháp Luân Công chữa bệnh không dùng thuốc là phản khoa học”.

Nếu dùng thuốc mới hết bệnh, thì hằng bao nhiêu người đang học khí công ngoài kia để làm gì? Các phỏng vấn những người học khí công –không chỉ nói về Pháp Luân Đại Pháp– và đều có câu trả lời đại ý là: tôi đã thử Tây Y, Đông Y mà không khỏi, sau đó học môn khí công này và đã khỏi.

Ai cũng biết, cơ chế chữa bệnh bằng khí công là khác hẳn, nếu không muốn nói là ngược lại, cơ chế dùng thuốc Tây Y. Ví như ở cái hồ mà ta cho nhiều thuốc độc vào thì cá trong hồ chết hết, thì đó là lấy thuốc độc để diệt các nhân tố bệnh như vi khuẩn vi rút. Còn cách khác là làm hồ trở nên quá thanh tịnh và cá cũng không sống được vì không có gì ăn, thì ấy là cách làm của khí công. Khi thân thể rất tịnh hoá, thì bệnh cũng khó mà sống ở đó được. Cái này rất khoa học, và người học khí công đúng là đạt được như thế. Đông Y cũng cho rằng khi thân thể khí mạch lưu thông hết thì thân thể đó rất khó có bệnh. Cái này cũng rất khoa học.

Như vậy, một khi người học khí công và thấy đạt kết quả chữa bệnh cho bản thân, thế thì người đó sẽ không tự nhiên hơi tí là dùng thuốc. Nếu lại dùng thuốc nữa, thì học khí công làm gì? Đó không phải là phản khoa học, mà là người đó tin tưởng vào khả năng của mình. Cái này là kiến thức thông thường trong giới luyện khí công. Người chung quanh có thể thấy lạ khi người học khí công đột nhiên không dùng thuốc mặc dù mắc bệnh. Nhưng họ chỉ cảm thấy lạ một thời gian thôi, vì nếu sau đó chứng kiến người ta quả thực có thể tự chữa bằng khí công thì họ sẽ không cảm thấy lạ nữa.

Xét cho cùng, bất kể là chọn Tây Y, Đông Y, hay tự chữa bằng khí công, thì đó là lựa chọn của người ta. Chọn cái nào cũng được, nhưng không có cái nào là “phản khoa học” cả. Thông thường thì những người học khí công là đã từng thất bại trong việc dùng thuốc Tây Y và Đông Y, do đó họ có xu hướng chọn khí công. Cái đó rất bình thường. Không có ý nói Tây Y hay Đông Y không tốt, mà là nói rằng họ cảm thấy dùng khí công thì hợp với họ hơn.

Pháp Luân Đại Pháp cũng như vậy. Nếu tôi hiểu không lầm thì chính “cảm xạ học” cũng là một môn trong đó cũng thừa nhận khả năng chữa bệnh không dùng thuốc. Cho nên tôi rất ngạc nhiên khi thấy bài báo này viết rằng lời tuyên bố trên là của một nhà cảm xạ học mang tên Dư Quang Châu.

Nói thật, tôi cảm thấy nghi ngờ, rằng không biết có đúng là ông cảm xạ học đã nói như vậy hay không nữa. Vì việc đưa tin sai trong bài báo này đã gặp mấy lần rồi. Trong đó đưa tin về Pháp Luân Đại Pháp cũng không đúng, như đoạn viết sau đây mà tác giả để vào ngoặc kép với ý rằng đó là của Pháp Luân Đại Pháp: “Nguyên nhân của con người là đã làm những điều xấu của kiếp trước; nếu tin tưởng vào luyện công, dừng ngay uống thuốc, không cần khám và chữa trị, tự nhiên có người trị cho; khoa học hiện đại không phải là khoa học vì theo khoa học con người không nhận thức được thế giới, chỉ có Pháp Luân Công mới là khoa học huyền diệu nhất…” Đây là bóp méo thông tin một cách có ý đồ xấu. Tôi thật sự không hiểu tại sao người làm báo lại làm như thế.

Pháp Luân Đại Pháp, cũng như các môn tu luyện chính tông khác, là có những điều huyền diệu xảy ra. Trong Phật giáo, Thiên Chúa giáo, v.v. đều có rất nhiều chỗ đề cập đến những điều huyền diệu. Dù sao thì đó là môn tâm linh, có những gì huyền diệu cũng không phải là lạ. Thông thường, khi liên hệ với khoa học, thì người ta gọi những điều đó là “những điều mà khoa học chưa giải thích được”, các nhà khoa học cũng tán đồng cách gọi như vậy.

Nhưng có một thời, có một số người gọi những điều đó là “phản khoa học”, là “mê tín”, và ra lệnh đập chùa, đuổi sư, huỷ kinh, v.v. Ở Trung Quốc đã từng xảy ra như vậy, và ở Việt Nam cũng từng xảy ra như thế. Một thời hắc ám. Nói thẳng ra, gọi là “phản khoa học” ấy, không phải là những nhà khoa học chân chính nói, mà là một số người kia nói, và họ làm điều ấy với mục đích khác. Để đàn áp ai đó, bèn tìm chỗ mà khoa học không giải thích được, sau đó dán cái nhãn “phản khoa học” và “mê tín” lên đó, và sau đó tiến hành đàn áp. Họ lấy danh khoa học đi đàn áp người khác. Tôi nghĩ rằng giai đoạn đen tối đó của lịch sử đã qua lâu rồi mới đúng. Nhưng ngày hôm nay, khi cả thế giới sống ở thế kỷ 21 này, tôi lại đọc thấy lối lập luận tà ác đó. Tôi không hiểu được tại sao lại như thế.

Ngay cả những nhà khoa học cũng không dám vác danh nghĩa khoa học đi đàn áp những gì họ chưa biết. Vì những phát minh và phát hiện mới trong khoa học, đều là những gì mà trước đó khoa học chưa biết. Nếu cứ dán hết nhãn “phản khoa học” và “mê tín” lên đó, thì khoa học đã không cách nào phát triển được.

5. Luận điểm dựa vào Phật giáo để phán xét

Sang đến phần bài phụ viết về trao đổi với ông khí công sư, bài báo giật tít “những kiểu bịp bợm như thế chỉ có thể gọi là “phù thuỷ””, và dưới đó là hàng chữ đậm “Pháp Luân Công dẫn dụ con người vào thế giới đen tối”.

Người đọc bình thường như tôi thì hiểu là tác giả muốn nói rằng môn này là “tà” và “lừa đảo”. Tôi đọc phân tích khá dài dòng ở bên dưới thì không thấy không có dẫn ra bằng chứng gì, chỉ có luận giải thôi. Cũng như trong cả bài báo này, nhiều đoạn là cứ đưa thẳng ra ý kiến nhận định cá nhân mà không có phân tích giải thích tại sao, cũng không có bằng chứng đi kèm. Những đoạn như thế tôi bỏ qua. Ở đây tôi chỉ tập trung vào mạch lập luận chính mà bài viết muốn “chứng minh” rằng môn tu tập tự nguyện này là “đưa người vào thế giới đen tối” là “phù thuỷ”…

Đoạn đầu giới thiệu “Nguyễn Văn Thắng… người có nhiều năm nghiên cứu Phật pháp và các phương pháp khí công…”, rồi đến đoạn viết “trong Pháp Luân công ngoài những động tác… sự mượn Phật pháp rõ nhất thông qua thiền”, rồi có đoạn viết “Nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo cũng cho rằng có các loại tu sau: Tiện tu đối ngộ và đối tu đối ngộ. Với phương pháp đối tu đối ngộ thì chỉ có Phật ấn giáo và chỉ có thể thực hiện trong thời của Phật thôi. Đến đời của đức Đạt Ma tổ sư đời thứ 28 Mật Tông thì không còn Phật nữa, không còn thánh nữa và từ đó trở đi chỉ có pháp truyền chứ không còn tổ truyền”.

Nhiều đoạn phân tích dài dòng nữa, dài quá nên cũng không viết ra đây. Nhưng tôi thì hiểu rằng, ý của tác giả là nói Pháp Luân Đại Pháp mượn danh Phật giáo để làm gì đó không tốt, và nay có ông Thắng là người hiểu rõ Phật giáo bước ra phân tích cái điều không tốt đó ra, như cách nói của bài báo là “bóc mẽ chiêu độc của siêu lừa bịp”.

Tôi không tự nhận là học Phật nhiều ít thế nào, cũng không tự nhận đi bóc mẽ ai, nhưng tôi biết kinh sách về Phật giáo ngày nay là kiến thức mở, và phổ cập, ai muốn xem cũng dễ tìm kiếm để đọc, dễ kiểm chứng, cho nên tôi cũng mạnh dạn nói ra ở đây những chỗ không hề đúng mà bài báo viết về Phật giáo. Dù sao thì bài báo phê phán Pháp Luân Đại Pháp trên cơ sở là có người đứng có kiến thức giỏi về Phật giáo đứng ra phân tích và nay căn cứ vào phân tích của người có kiến thức giỏi đó để phê phán.

Tôi xin chỉ ra rằng, trong Phật giáo người ta gọi là “tiệm ngộ” và “đốn ngộ”, chứ không phải là “tiện” và “đối” như trong bài báo viết. Có lẽ không phải gõ sai chính tả đi, vì viết như thế những mấy lần mà. Bồ Đề Đạt Ma không phải là “tổ sư đời 28 Mật Tông” như bài báo viết. Ông này quá nổi tiếng rồi, và tên của ông không chỉ có trong tôn giáo mà còn đi vào văn hoá và nghệ thuật hàng nghìn năm, nên có lẽ ai cũng biết đi. Ông là tổ sư đầu tiên của Thiền Tông, một nhánh trong Phật giáo. Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, kinh sách của Thiền Tông Nam Phái có trình bày về truyền thừa của mình, trong đó có viết rằng ông Bồ Đề Đạt Ma là người truyền thừa đời thứ 28 từ Phật Thích Ca qua nhánh của một trong mười đại đệ tử là ông Ma Ha Ca Diếp, người được Thiền Tông Nam Phái mô tả là người đầu tiên nhận được đốn ngộ từ Phật Thích Ca và ngài đã truyền cái pháp ấn đốn ngộ qua nhiều đời, qua tổ thứ nhất của Thiền Tông Bồ Đề Đạt Ma, rồi qua 4 vị tổ sư nữa và đến tổ thứ sáu là Huệ Năng. Vì thế Thiền Tông Nam Phái cổ suý đốn ngộ, và vì thế mà Thiền Tông mới tách phái: Bắc Phái là chủ trương tiệm ngộ, Nam Phái chủ trương đốn ngộ. Chúng ta đều biết, Thiền Tông của Việt Nam là trực hệ của Thiền Tông Nam Phái. Như vậy, ít nhất theo văn bản của Thiền Tông, thì phép truyền thừa đốn ngộ là truyền mãi tối thiểu đến tận ông Huệ Năng thời nhà Đường, chưa kể những đồ đệ sau này của Nam Phái vốn trải rộng đến cả Việt Nam và Nhật Bản, chứ không phải như bài báo viết là đã thất truyền từ lâu. Ngoài ra, truyền thừa theo nhánh Bồ Đề Đạt Ma chỉ là một nhánh mà Thiền Tông giảng.

Bài báo lên án Pháp Luân Đại Pháp “mượn thiền” nhưng tôi thấy kiến thức trình bày về đốn ngộ của Thiền Tông sai nhiều như vậy, ngay từ xuất xứ tổ sư cho đến truyền thừa hay thuật ngữ “đốn ngộ” chỉ trong một đoạn ngắn đều nói sai.

Mà không chỉ dừng ở đó, bài báo viết “Nếu nói về thiền, kể cả Mật Tông tâm pháp hay là các tâm pháp cảm giác tâm pháp là tác tâm để… hưởng đến tam minh… con người trở về trạng thái cân bằng nhất.” Tôi không hiểu tác giả căn cứ vào đâu và lấy đâu ra dũng cảm để đứng ra tuyên bố một cái “tâm pháp” căn bản của nhiều nhánh tu Phật giáo, và đóng gói cái “tâm pháp” đó đơn giản tựa là một kỹ thuật nhập định hay quán tưởng như thế. Nếu lấy bối cảnh là Phật giáo nói chung, thì tất cả mọi người đều biết, căn bản của pháp tu đó là Giới- Định-Huệ, trong Mật Tông thì là Thân-Khẩu-Ý tam mật, trong Thiền Tông là Trực chỉ Đốn ngộ, đó là chưa kể đến các nhánh khác như Tịnh Độ Tông, Hoa Nghiêm Tông, Thiên Thai Tông… tất cả đều có giáo lý vô cùng sâu sắc và có tâm pháp của mình. Không một học giả Phật học nào dám ở trong Phật giáo mà tóm một câu về một phép nhập định hoặc quán tưởng nào đó và bảo rằng đó là tóm lược tất cả là tinh tuý, là tâm pháp căn bản của tất cả. Ấy thế mà lôgic của bài báo là: đây chính là là tâm pháp căn bản của thiền và Mật Tông hay các nhánh khác cũng thế, với ngụ ý rằng nếu Pháp Luân Đại Pháp không giống cái căn bản ấy thì là sai rồi. Đừng nói tới người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, chỉ nói riêng giới học giả Phật học nếu đọc cái lối logic này của bài cũng đã là thấy không ổn rồi.

Rồi thì tác giả kết luận: “Rõ ràng Pháp Luân Công đã đưa con người vào thế giới đen tối của ma vương, chứ không phải hướng con người tới ánh sáng của Phật Pháp. Pháp Luân Công không phải là một pháp logic khoa học, không phải là pháp truyền thống bởi vì là pháp truyền thống bởi vì phương pháp truyền thống thì người tập phải hiểu được pháp một cách tự nhiên theo một tuần tự hợp lý chứ không bao giờ có chuyện linh hồn hay thượng đế tồn tại trong đó cả”. Theo tôi được biết, triết học Phật giáo là thuộc về triết học hữu thần, không phải là triết học vô thần. Riêng danh sách các vị Phật cùng các thế giới của các ngài được mô tả trong giáo lý, cũng quá đủ để nhìn nhận như vậy. Nhưng theo như bài báo thì câu trước nói “hướng con người tới ánh sáng của Phật Pháp” (vậy là thuộc phe hữu thần) và ngay câu sau là “không có chuyện linh hồn hay thượng đế tồn tại trong đó cả” (đây là phe vô thần). Thế thì theo ý tác giả, tu luyện là phải là theo phe hữu thần mới là “chính phái” hay theo vô thần mới là “chính phái”, ít nhất là khái niệm “chính phái” theo quan điểm riêng cá nhân tác giả? Tác giả là thuộc về phía nào? Hữu thần hay vô thần? Bản thân kết luận này tự có mâu thuẫn.

Tôi được biết, hiện nay vào thời quốc doanh hoá Phật giáo, thì có một số người nỗ lực “vô thần” hoá Phật giáo. Họ đưa ra nhiều biện luận để cưỡng ép lý giải rằng Phật giáo cũng là thuộc về vô thần luận. Nhưng những ý kiến loại đó đều bị giới chân tu trong Phật giáo bài xích mạnh mẽ. Vì bản chất trong Phật giáo chính là hữu thần; nếu biến thành học thuyết vô thần thì giải thích thế nào về: luân hồi, chịu nghiệp từ đời trước, tái sinh, các thế giới như thế giới Cực Lạc do các vị Phật chủ trì,… Cho nên việc vô thần hoá Phật giáo chính là phá hoại Phật giáo, và bị người chân tu trong Phật giáo phản đối. Do đó người chân tu trong Phật giáo bài xích mạnh mẽ phong cách làm việc của một số người vô thần khoác lên cái danh hiệu “dùng khoa học để nghiên cứu Phật học” rồi trà trộn vào chùa như vậy. Đọc đến đoạn kết luận trong bài báo rằng tôi cảm giác như vị này là thuộc về trào lưu này.

6. Luận điểm về phân biệt chính-tà
 

Nói đến phân biệt chính-tà, thiện-ác, thì không thể không nói đến tiêu chuẩn, một tiêu chuẩn khách quan, chứ không phải cảm nhận chủ quan. Nếu không phải tiêu chuẩn thật tường minh, thì cũng phải là đạo lý mang tính phổ quát. Dù sao thì, khái niệm chính-tà, thiện-ác bản thân nó cũng là có tình phổ quát, đúng không? 

Cho nên tôi thấy phần phân tích dựa trên nhận thức riêng cá nhân về Phật giá ở mục bên trên trên của tác giả là không ổn. Tạm bỏ qua.

Ngoài luận điểm đó, bài báo còn một luận điểm nữa, cũng là nỗ lực để chứng minh rằng Pháp Luân Đại Pháp không tốt. Trong bài báo họ dùng rất nhiều từ kích động, như “gắn chíp”, “hoang tưởng” v.v. Nhưng đọc kỹ thì tôi cũng hiểu ý chuỗi lập luận của bài báo là: (1) Học Pháp Luân Đại Pháp là có hứa hẹn rằng sẽ được phò trợ để thuận tiện hơn cho tu luyện, vì thế suy ra rằng (2) đây là môn phái cổ suý việc không làm mà hưởng, và tiếp đó (3) suy ra rằng đó là lừa đảo, là tà.

Thứ nhất, tôi nói rõ rằng ý (2) và (3) là suy diễn ra, suy diễn ra từ ý (1). Trong chuỗi suy diễn không có đưa ra bằng chứng đúng đắn nào lấy từ giáo lý của Pháp Luân Đại Pháp. Nghĩa là, ý thứ (2) và (3) là thuần lý suy diễn.

Theo tôi biết, rất nhiều tôn giáo lớn tồn tại cỡ hàng nghìn năm trên thế giới đều tuyên bố rằng ai theo học môn đó thì sẽ được trợ giúp. Nhà Phật vẫn nói “ở hiền gặp lành”, và người ta vẫn hiểu ý rằng kể cả người không tu luyện, nhưng chỉ cần sống lương thiện cũng sẽ được Thần Phật phù hộ. Nhà Phật vẫn giảng rằng “Phật tính hễ xuất hiện, sẽ chấn động thế giới mười phương, và Thần Phật sẽ phù hộ độ trì”, tức là khi một người phát tâm tu luyện, thì chư Phật sẽ biết được cái tâm ấy, và sẽ trợ giúp người đó. Trong Mật Tông thậm chí còn rõ hơn, ở đó có nghi thức “quán đỉnh” mà hiển nhiên là trong nghi thức đó người Thầy cung cấp trợ giúp nào đó cho người trò tu luyện. Ở Thiên Chúa giáo thì còn rõ hơn nữa. Có lễ cầu nguyện? Cũng là nhận phù trợ của đức Chúa. Như vậy, nếu cứ theo lối suy diễn của tác giả, thì phải chăng cần phải lên án tất cả những môn này? Lên án bằng những lời lẽ rất gay gắt như “đó là những điều viển vông hoang tưởng”, “đưa con người đến thế giới đen tối của ma vương”, v.v.

Pháp Luân Đại Pháp là môn pháp tu luyện, trong đó có nói đến việc người học có nhận trợ giúp để tu luyện. Nhưng cái đó vốn dĩ cũng là các môn tu luyện xưa nay có nhiều môn vẫn là tương tự thế. Nếu tác giả cho tư duy rằng chỉ người trò phải tự thân vận động làm từ A tới Z thì mới là chính phái, thì tôi thấy rất không ổn. Trong bài báo ghi rất rõ nhận định sai lầm này: “…là một người thật sự giỏi thì sự giỏi ấy cũng phải do năm tháng khổ luyện mới đạt được… những người theo học ông ta… cũng phải trải qua sự khổ luyện của bản thân chứ không có thần thánh nào giúp họ cả.

Tôi nghĩ rằng có lẽ trước khi viết một bài về môn tu luyện tâm linh, tác giả nên bỏ một chút thời gian nghiên cứu về lĩnh vực này. Những kiến thức cơ bản về những môn tu luyện lâu đời đã phổ cập là có thể đọc miễn phí. Giáo lý của Pháp Luân Đại Pháp cũng để công khai mọi người đọc. Ta đọc một chút, tìm hiểu một chút rồi hẵng viết. Dù sao mình là người làm báo, viết ra thì cũng phải đúng ở một mức độ nào đó mới được.

Pháp Luân Đại Pháp không hề truyền giảng tư tưởng “không làm mà hưởng”. Mà hoàn toàn trái lại, rất nhiều chỗ trong giáo lý Pháp Luân Đại Pháp nói rất rõ là trong con đường tu luyện thì không thể thiếu nỗ lực, phải “dũng mãnh tinh tấn”, phải “nan nhẫn năng nhẫn”, có những lúc phải “chịu cái khổ trong những cái khổ”. Bất kỳ một học viên Pháp Luân Đại Pháp nào cũng sẽ nói rõ như vậy. Bất kỳ ai chỉ cần đọc qua cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách giáo lý căn bản của Pháp Luân Đại Pháp cũng hiểu như thế. Chỉ có duy nhất bài báo này hiểu ngược lại 180 độ. Có lẽ là họ chưa đọc giáo lý của Pháp Luân Đại Pháp đi. Vì nếu đọc rồi thì có lẽ đã không hiểu sai nhiều như vậy.

Theo tôi biết, người ta phân biệt chính-tà không phải là theo lối suy diễn không cần tìm hiểu như vậy. Cũng không dựa theo lối nghĩ ‘có hứa hẹn trợ giúp thì là lừa đảo’ như thế. Mà là dựa vào tâm pháp của môn phái. Môn ấy theo đuổi điều gì, họ làm thế nào để đạt được điều đó, và hình thức triển khai là như thế nào.

Pháp Luân Đại Pháp gồm những người học (1) tự nguyện, tức là không ai bắt họ phải làm gì đó hoặc phải nghĩ theo ai đó, (2) không liên quan tới tiền bạc, tổ chức, tôn giáo hay chính trị, tức là không có thu phí, không ai phải đưa cho Thầy đồng nào, không phải tham gia tổ chức nào, cũng không có dính líu gì đến chính trị hay tôn giáo.

Những ai đã học Pháp Luân Đại Pháp thì thấy điều này rất rõ, vì họ đúng là đang thực hành cái đó mà. Nhưng những người ngoài thì có thể cảm thấy khó hiểu. Dù sao thì trong quá khứ các môn tu luyện phổ cập có rất nhiều môn là lấy hình thức tôn giáo. Ngoài ra một số người cảm thấy khó hiểu khi một lượng rất lớn người học mà lại không có tổ chức điều hành. 

Thực ra, nếu lật lại lịch sử Việt Nam, thì có một giai đoạn quãng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, có một môn là Nho Giáo cũng có hình thức rất tương tự. Bấy giờ những người nhận là “nhà nho” tức là họ theo tư tưởng của Nho Giáo, nhưng bản thân Nho Giáo bấy giờ là không còn tổ chức gì cả, cũng không phải tôn giáo, và cũng không dính líu gì đến chính trị. Một số nhà nho yêu nước muốn một Việt Nam độc lập, thì ấy là quan điểm chính trị cá nhân họ, chứ ông Khổng Tử mấy nghìn năm trước không dạy họ làm thế.

Theo một nghĩa nào đó, khi có một vị lãnh tụ tinh thần (kiểu như Khổng Tử và những bậc túc nho thời xưa), thì thực sự có khả năng duy trì một nhóm như vậy. Đây là lãnh tụ tinh thần, chứ không phải là lãnh đạo của một tổ chức.

Rất nhiều nhà nghiên cứu Tây Phương đã đánh giá đúng như vậy, nghĩa là Thầy Lý Hồng Chí đã thành công vượt bậc khi truyền xuất ra một môn tập luyện có giáo lý tâm linh, mà không hề dùng đến tổ chức hay tôn giáo, càng không đụng đến chính trị. Theo các đánh giá, thì ông Lý Hồng Chí chính là lãnh tụ tinh thần rất thành công. Năm 2007, trong danh sách nhân tài đương thời, Tây Phương đã bầu ông là một người Hoa có ảnh hưởng lớn nhất đương đại. 

Sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Liên Xô và Trung và Đông Âu, những lãnh tụ cộng sản Trung Quốc vẫn luôn tìm mọi cách, mặc dù mỗi người một cách, đưa ra một ý thức hệ mới thay cho ý thức Mác-Lê Nin vốn đã bị thế giới ruồng bỏ. Đây là việc làm cần thiết, nếu những người của Đảng vẫn muốn nghiêm túc duy trì cai trị của họ trên đất nước hơn 1 tỷ dân đó. Vì một chính quyền mà không có ý thức hệ hậu thuẫn, thì là một chính quyền bất hợp pháp. Tất nhiên, “bất hợp pháp” đây không phải là theo khái niệm của luật pháp mà chính quyền đó viết ra, mà là khái niệm “bất hợp pháp” trong lòng dân. Dù sao thì chủ nghĩa cộng sản cũng là món du nhập từ Tây phương sang, mà bản thân Tây phương cũng đã ruồng bỏ nó. 

Đặng Tiểu Bình có lẽ là người từ rất sớm đã nhìn ra khoảng trống về ý thức hệ này. Năm 1984, không lâu trước khi chủ nghĩa cộng sản Đông và Trung Âu biến mất, ông ta nói: “Làm giàu là vinh quang”. Điều ông ta không nói ra chính là kỳ thực có không ít cách làm giàu bẩn thỉu. Chủ nghĩa tư bản tại Trung Quốc đã được Đặng khởi động như vậy.

Nhưng học thuyết con mèo của Đặng cũng không xứng tầm đóng vai trò ý thức hệ mới để thay thế khoảng trống đó. Giang Trạch Dân năm ấy cũng rất nỗ lực đưa ra học thuyết của mình để duy trì chế độ cộng sản trong thời đại mới. Nhưng tiếc thay, ngoài những kẻ vì sự nghiệp mà buộc phải nịnh bợ Giang ra thì Giang không thu được bất kể tín đồ nào cho học thuyết đó. Trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng qua các đời, thì Giang là người thất bại bậc nhất về mặt “học thuật” này.

Nhưng đúng lúc Giang đương quyền ấy, thì giáo lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp lại được nhân dân Trung Quốc đón nhận vô cùng nồng hậu. Chỉ từ năm 1992 bắt đầu, cho đến năm 1999, tức là chỉ 7 năm, đã có 70 đến 100 triệu người theo học Pháp Luân Đại Pháp. Tức là chỉ cần 7 năm, số người tin Chân-Thiện-Nhẫn đã nhiều hơn số đảng viên. Theo website của đảng công sản thì bấy giờ số đảng viên chỉ có 62 triệu.

Giang không thể kiềm chế được lòng ghen ghét. Vả lại ông ta cũng không dấu diếm điều đó. Trong bức thư ngày 25-4-1999, bức thư khởi động bộ máy của Đảng dẫn đến cuộc đàn áp Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc, Giang đã viết “Chủ nghĩa Mác-xít mà người cộng sản chúng ta có, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa vô thần mà chúng ta tin không thể chiến thắng được những điều của Pháp Luân Công hay sao? Nếu đúng là như vậy, nó sẽ là một trò cười lớn có phải không?” Ông ta e ngại rằng ông ta cùng học thuyết quá nghèo nàn của mình sẽ bị người đời coi là một “trò cười lớn”. 

Tại sao Chân-Thiện-Nhẫn lại được người Trung Quốc đón nhận nồng nhiệt đến như vậy? Các nhà nghiên cứu Tây phương đều nhìn nhận rằng, đó là vì Chân-Thiện-Nhẫn chính là bắt nguồn từ ý thức hệ cổ xưa của người Trung Quốc, và được ông Lý Hồng Chí trình bày ra theo cách vô cùng thích hợp cho người hiện đại, hơn nữa Chân-Thiện-Nhẫn xuất hiện vào đúng lúc mà Trung Quốc hơn 1 tỷ dân đang đối mặt với khoảng trống rất lớn về ý thức hệ này.

Một số người lầm tưởng khi thấy Pháp Luân Đại Pháp có giáo lý gần gũi với Phật giáo và cho rằng Phật giáo là khởi nguồn cho Chân-Thiện-Nhẫn. Thực ra hoàn toàn không phải vậy đâu. Trung Quốc, một trong những cái nôi của nền văn minh thế giới, tự nó có ý thức hệ cổ truyền riêng. Giới học thuật đương đại gọi đó là tín ngưỡng của người Hoa. Thực ra, Phật giáo Trung Quốc cũng là Phật giáo Ấn Độ truyền sang và bị tín ngưỡng người Hoa đồng hoá mà thành. Ở ngoại quốc, người ta có thể thấy Phật giáo hay các tín ngưỡng khác mạnh mẽ, nhưng thực ra ở chính Trung Quốc thì ý thức hệ cổ truyền mới là thực sự là mạnh nhất. Đạo gia, Phật giáo, Nho giáo đều đồng hoá trong ý thức hệ này. 

Nói nôm na thế này. Người Việt chúng ta hỏi bây giờ có ai học thuộc truyện Kiều, hay bói Kiều không? Không. Nhưng ông cha chúng ta thì là văn hoá: thuộc Kiều, bói Kiểu, lẩy Kiều. Chúng ta bây giờ lớn lên với bài hát “em là búp măng non” và giờ chúng ta đọc Kiều thì cảm thấy xa lạ. Không chỉ truyện Kiều xa lạ với người Việt ngày nay, mà các dạng văn hoá khác cũng thế. Bây giờ phim Mỹ là sẽ nhiều người xem hơn chèo và quan họ, đúng không? Tựa như người Ai Cập hôm nay, mặc dù họ sở hữu các Kim tự tháp và di sản của các pharaong, nhưng các học giả không nhìn nhận rằng họ là dân tộc Ai Cập cổ, vì họ không kế thừa văn hoá Ai Cập cổ, họ chỉ là dân tộc mới đang sống ở miền đất đó thôi. Dân tộc Ai Cập cổ đã chỉ còn trong lịch sử. Có thể nói, văn hoá mới chính là linh hồn của dân tộc. 

Nhưng Trung Quốc không như Việt Nam ta. Những năm đàn áp tôn giáo, quả thực những người cộng sản đã đàn áp thành công tất cả tôn giáo. Nhưng văn hoá cổ truyền lại không vì đàn áp mà tiêu mất. Bây giờ người ta vẫn tìm được rất nhiều cảm hứng từ Phong Thần, Tam Quốc, Tây Du Ký, Hồng Lâu Mộng, Thuỷ Hử, Liêu Trai Chí Dị, v.v. và những bộ phim lấy cảm hứng từ đề tài này vẫn xuất bản khắp thế giới hôm nay. Đó không phải là Phật giáo, Đạo giáo hay Nho giáo, mà đó chính là tinh thần ý thức hệ của người Trung Quốc cổ đại. Một cái nhìn về thế giới có Ngọc Hoàng cai quản Thiên Đình, có chư Thần làm các việc, có Long Vương, v.v. Tóm lại, họ thực sự vẫn còn kế thừa được văn hoá cổ truyền của họ mặc dù đã mất nhiều trong một thời đàn áp các tín ngưỡng còn khủng khiếp hơn Việt Nam nhiều lần. 

Tôi chỉ muốn chỉ ra rằng trong con mắt nhân dân Trung Quốc, thì Chân-Thiện-Nhẫn của Thầy Lý Hồng Chí chính là sự trở lại của văn hoá người Hoa truyền thống, sự trở lại huy hoàng của văn minh 5000 năm Trung Quốc hoàn toàn hoà nhập vào xã hội hiện đại. Đây là điều mà lãnh tụ cộng sản Trung Quốc nằm mơ cũng muốn làm nhưng không một ai làm được. Rất nhiều người Tây phương sau khi xem biểu diễn ca múa nhạc Thần Vận do nhóm nghệ sỹ là học viên Pháp Luân Đại Pháp biểu diễn, đã nói rằng: Đây mới là Trung Quốc!

Mặc dù rất đông, nhưng Pháp Luân Đại Pháp không hề có uy hiếp gì tới chính quyền đương thời. Vì không có tổ chức, không có tiền bạc thì những người tình nguyện đó có thể làm được cái gì? Sở dĩ học viên Pháp Luân Công có thể phối hợp trên diện rộng làm một số việc nào đó là nhờ công nghệ hiện đại như điện thoại di động và Internet, chứ không phải nhờ vào tổ chức nào hết. Các học viên vẫn là người làm công, là y tá, là bác sỹ,… là những người ở xã hội mà thôi, chỉ khi luyện công chung, đọc sách chung là thành nhóm, rồi sau ai cũng có việc bận rộn khác của họ. 

Nhưng những đồ đệ của Mao thì không nghĩ như vậy. Khi thấy 10.000 học viên thỉnh nguyện ở Trung Nam Hải ngày 25-4-1999, giới lãnh đạo Trung Quốc thay vì hiểu ra rằng đó là nhờ công nghệ hiện đại là điện thoại di động và Internet, thì họ lại cứ suy bụng ta ra bụng người: Hẳn là môn này phải có tổ chức gì đó mới đúng! Cũng trong bức thư nói trên, Giang Trạch Dân viết: “Họ hoàn toàn có kỷ luật, và sự lan truyền thông tin của họ quá nhanh chóng. Điều này quả thực hiếm thấy. Thế mà, các bộ phận liên quan của chúng ta không tìm thấy bất cứ thông tin gì trước khi nó diễn ra… Liệu có bất kỳ sự móc nối với nước ngoài, với Tây phương hay không? Có thế lực nào đứng đằng sau thao túng tất cả kế hoạch chỉ huy hay không?” 

Càng tìm kiếm “tổ chức” Pháp Luân Công thì lại càng không tìm thấy. Càng không tìm thấy thì họ lại càng nghi ngờ hơn. Lòng đố kỵ của Giang cộng với sự ấu trĩ và lạc hậu của hàng ngũ đảng viên, đã dẫn đến quyết định đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Nhưng một khi Chân-Thiện-Nhẫn chính là đại biểu của ý thức hệ người Hoa trong lòng nhân dân Trung Quốc hôm nay, thì cuộc đàn áp làm sao có thể thành công được. Từ 1999 đến nay đã là 15 năm trôi qua, bằng vào tiền bạc và quyền lực, bằng vào dùi cui và nhà tù, đảng cộng sản Trung Quốc vẫn đang theo đuổi cuộc đàn áp vô vọng của họ. Khi mà cả thế giới lên tiếng phản đối vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, họ không cách nào xuống thang được nữa dù rất muốn. 

Đâu là chính, đâu là tà? Một bên là ý thức hệ truyền thống, với thực hành tự nguyện, dùng đức độ mà đạt lòng người. Một bên là ý thức hệ ngoại lai nay đã chết, cùng với tham nhũng, độc tài, và cường quyền để cai trị. Để phân biệt chính-tà ở đây có khó lắm sao? 

Ấy vậy mà tôi được đọc bài báo này trên tờ Đời sống và Pháp luật của quý báo. Tôi cảm thấy quá cảm khái. Chúng ta đang làm gì vậy? Tôi cảm thấy rất đau lòng và thương tâm. Vấn đề Pháp Luân Đại Pháp trên thế giới từ lâu đã không còn là vấn đề mới. Các quốc gia trên thế giới bằng thái độ ủng hộ Pháp Luân Đại Pháp đã tỏ rõ rằng “chúng tôi đứng về phía chính phái và không đứng về tà phái”, vậy mà Việt Nam chúng ta vẫn còn những bài báo loại này. Người viết cố tình bóp méo sự thật, cố tình bỏ qua thực tế đang hiển lộ rõ trước mắt, để viết ra như vậy. Thật quá thương cảm và đau lòng. 

Kính bút  /  25-7-2014
Bài viết của một học viên Pháp Luân Công

Ad will display in 09 seconds

Trước khi đại náo Thiên Cung Tôn Ngộ Không là người như thế nào?

Ad will display in 09 seconds

Tưởng rằng chết là hết, nào ngờ thống khổ vạn phần đang chờ đón

Ad will display in 09 seconds

Chuyển sinh sang kiếp sau, vẫn đòi báo thù

Ad will display in 09 seconds

3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

Ad will display in 09 seconds

Ngành công nghiệp triệu đô và một tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại TQ!

Ad will display in 09 seconds

Hé lộ một nửa sự thật về vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói trên đầu 3 thước có Thần linh?

Ad will display in 09 seconds

Cơ duyên chỉ đến 1 lần, bỏ qua rồi nuối tiếc khôn nguôi

Ad will display in 09 seconds

Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao

Ad will display in 09 seconds

Thế gian điều gì đáng sợ nhất?

  • Trước khi đại náo Thiên Cung  Tôn Ngộ Không là người như thế nào?

    Trước khi đại náo Thiên Cung Tôn Ngộ Không là người như thế nào?

  • Tưởng rằng chết là hết, nào ngờ thống khổ vạn phần đang chờ đón

    Tưởng rằng chết là hết, nào ngờ thống khổ vạn phần đang chờ đón

  • Chuyển sinh sang kiếp sau, vẫn đòi báo thù

    Chuyển sinh sang kiếp sau, vẫn đòi báo thù

  • 3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

    3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

  • Ngành công nghiệp triệu đô và một tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại TQ!

    Ngành công nghiệp triệu đô và một tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại TQ!

  • Hé lộ một nửa sự thật về vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản

    Hé lộ một nửa sự thật về vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản

  • Vì sao nói trên đầu 3 thước có Thần linh?

    Vì sao nói trên đầu 3 thước có Thần linh?

  • Cơ duyên chỉ đến 1 lần, bỏ qua rồi nuối tiếc khôn nguôi

    Cơ duyên chỉ đến 1 lần, bỏ qua rồi nuối tiếc khôn nguôi

  • Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao

    Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao

  • Thế gian điều gì đáng sợ nhất?

    Thế gian điều gì đáng sợ nhất?

x