8 điều nên biết về hai chữ ‘kinh tế’
Trong thực tế, chúng ta thường có những nhầm lẫn và chưa hiểu rõ ràng về hai chữ “kinh tế”. Bài viết này hy vọng độc giả phần nào hiểu được những vấn đề cơ bản liên quan đến kinh tế, vốn là điều then chốt nắm giữ mọi khía cạnh đời sống xã hội.
1. Nền kinh tế không phải là “đồ vật”
Kinh tế thực sự là những mối quan hệ tương tác lẫn nhau giữa con người và xã hội liên quan trực tiếp đến việc sản xuất, trao đổi, phân phối, tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ, bao gồm cả bạn và tôi, người hàng xóm của bạn, những người đưa thư, người bán thịt… tất cả những người xung quanh chúng ta.
Kinh tế không khác gì hơn là một nghiên cứu về sự lựa chọn, nhưng đặc biệt hơn, nó nghiên cứu về cách chúng ta lựa chọn chi tiêu như thế nào cho những thứ chúng ta cần hoặc muốn. Hay nói cách khác kinh tế nghiên cứu về cách đưa ra những quyết định.
Nếu bạn thắc mắc “Chúng ta đưa ra những quyết định quan trọng như thế nào?” thì Shakespeare có câu “Quá khứ là mở đầu”, có nghĩa là cách tốt nhất để dự đoán những điều sắp xảy ra là hiểu được những lựa chọn của chúng ta trong quá khứ.
2. Nhà kinh tế học không phải là bác sĩ của nền kinh tế
Công việc của một nhà kinh tế học là thu thập dữ liệu và đánh giá chính xác tình hình kinh tế đang xảy ra, từ đó đưa ra những dự báo về tình hình kinh tế trong tương lai. Họ không cố gắng sửa chữa những gì đã trải qua mà tìm những vấn đề còn tồn tại, sau đó khắc phục và chuẩn bị để sẵn sàng áp dụng vào những tình huống tương tự trong tương lai.
3. Quy luật cung cầu là quy chế vận hành của nền kinh tế
Như chúng ta đã biết ở đâu có thị trường thì ở đó có quy luật cung – cầu hoạt động và tồn tại một cách khách quan, đây là một định luật cơ bản chi phối mọi khía cạnh của nền kinh tế. Giá cả, thu nhập, lãi suất, lạm phát, việc làm… đều chịu tác động của quan hệ cung cầu.
Bản chất của quy luật cung – cầu:
Cung
Cầu
Giá
Tăng
Không thay đổi
Giảm
Giảm
Không thay đổi
Tăng
Không thay đổi
Tăng
Tăng
Không thay đổi
Giảm
Giảm
4. Ích kỷ thực sự là một điều tốt?
Theo cha đẻ của thuyết kinh tế thị trường, Adam Smith thì bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động cũng không nằm ngoài mục đích kiếm tiền và một doanh nghiệp nào tồn tại không phải để tìm kiếm lợi nhuận thì đó là một chức từ thiện. Hay nói cách khác chúng ta đi làm hằng ngày vì muốn kiếm tiền phục vụ cho bản thân và nếu làm việc không vì bất kỳ lợi ích cá nhân nào thì đó là công việc của tình nguyện viên.
Nhưng nếu lợi ích cá nhân nằm trong một giới hạn nhất định thì hoạt động của doanh nghiệp, của một tổ chức kinh tế, của bản thân chúng ta đều góp phần và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Vậy phải chăng ích kỷ cũng là một điều tốt?
5. Suy thoái không hẳn là điều xấu
Nhiều người có thể cho rằng điều này thì có vẻ kỳ lạ bởi những tác động tiêu cực mà suy thoái gây ra cho nền kinh tế như tiêu dùng giảm mạnh, hàng tồn kho tăng lên dẫn đến việc cắt giảm sản lượng, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm, đầu tư, xuất khẩu giảm… và kết quả là GDP thực tế giảm sút.
Dù muốn hay không thì nền kinh tế của chúng ta không thể lúc nào cũng đi lên một cách suôn sẻ và theo chu kì kinh tế, suy thoái là giai đoạn không thể tránh khỏi, sau một thời gian vận hành tốt thì nền kinh tế sẽ gặp những vấn đề nhất định. Cần nhận thức rõ ràng vấn đề này và tìm cách giải quyết thì không chỉ mang lại những tác động tiêu cực, suy thoái kinh tế còn kèm theo những cơ hội để phát triển.
Sự suy thoái giúp nền kinh tế tái lập một nền vững chắc để tăng trưởng. Trong nền kinh tế luôn tồn tại những vấn đề xấu, ví dụ như giá cổ phiếu của nhóm ngành nào đó bị đẩy cao quá mức hay những cuộc khủng hoảng nhà đất và tín dụng khiến lãi suất giảm đáng kể…, khi đến một giới hạn nào đó thì khi kinh tế đi xuống, những vấn đề còn tồn tại như trên sẽ được thanh lọc và nền kinh tế lại có một cái nền vững chắc để phát triển. Một nền kinh tế tăng trưởng tốt sẽ đi lên từ sự giải quyết triệt để những vấn đề xấu còn tồn tại.
6. Nợ và tín dụng chỉ là những công cụ
Tín dụng và nợ là những công cụ tài chính vô cùng hữu ích, tạo điều kiện đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra thường xuyên liên tục, giúp tập trung vốn thúc đẩy sự phát triển kinh tế… Tuy nhiên, nếu không sử dụng cẩn thận, những công cụ này sẽ phá hủy nguồn tài chính và có thể khiến ta lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Một chút hài hước về kinh tế cùng Jay Leno
7. Tiền không phải là tất cả
Giá trị lớn nhất mà chúng ta nghiên cứu về kinh tế không phải là tiền, cũng không phải là những thứ quý giá khác như vàng, bạc, kim cương… mà đó là thời gian. Thời gian chính là nguồn tài nguyên giá trị nhất bởi ai cũng có phần sở hữu của riêng mình, có một nguồn cung không hạn chế nhưng lại bị giới hạn trong một phạm vi không rõ ràng.
Từ khi được sinh ra, chúng ta đều có 24 giờ để “chi tiêu” trong một ngày, công việc của chúng ta là sử dụng nó sao cho hiệu quả bởi không thể cầu xin, vay mượn hay trộm cắp thời gian. Đó cũng là lý do tại sao lại có khá nhiều bài học về cách quản lý thời gian. “Thời gian quý hơn vàng” đó là chân lý đã được chứng minh, đặc biệt là trong thế giới kinh doanh. Biết cách quản lý thời gian một cách hiệu quả đồng nghĩa với việc bạn đang có trong tay cả một gia tài lớn.
Chuyên gia Anna Stanford chia sẻ: “Thời gian là yếu tố quan trọng nhất đối với một “chiến binh” chuyên nghiệp. Số tiền mà bạn kiếm được nhiều hay ít phụ thuộc vào số lượng thời gian bạn chi cho nó mạnh tay hay không. Người có kinh nghiệm chính là người biết quản lý và phân bố tài sản vàng mà họ có”
8. Không ai có thể nắm giữ nền kinh tế
Như chúng ta đã nói như trên, kinh tế không phải là một đồ vật hay một thứ nào đó, nó phụ thuộc vào hoạt động sản xuất, trao đổi, buôn bán… của cả xã hội. Do đó, bất cứ ai cũng không thể kiểm soát, nắm giữ đươc nền kinh tế, họ chỉ có thể dựa vào những kinh nghiệm bản thân, vào tốc độ phát triển và những động lực, những khả năng có thể xảy ra trong tương lai gần nhất để dự đoán diễn biến của kinh tế, từ đó xây dựng cơ sở để đưa ra những quyết định.
Hồ Duyên @Bocau.net
Theo Hubpages