Tổng thống Hollande: ‘EU phải cải cách’
Đảng của ông Hollande giành được số phiếu thấp chưa từng thấy trong cuộc bầu cử châu Âu
Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng Liên minh châu Âu cần phải cải cách và giảm bớt quyền lực trong bối cảnh các đảng phái cực hữu và hoài nghi châu Âu giành được nhiều sự ủng hộ trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua.
Đảng Xã hội của ông Hollande cũng bị Đảng Mặt trận Dân tộc cựu hữu đánh bại.
Tổng thống Pháp nói rằng EU đã trở nên quá ‘phức tạp và xa cách’.
Cả ông và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều nói rằng trọng tâm bây giờ là khôi phục nền kinh tế.
‘Bất mãn sâu sắc’
Phát biểu trên truyền hình Pháp, ông Hollande, người cổ súy EU hàng đầu, nói liên minh này đang trở nên ‘xa cách và khó hiểu’ và điều này cần phải thay đổi.
“Châu Âu cần phải đơn giản, rõ ràng và hiệu quả ở những nơi mà người dân cần và rút ra khỏi những chỗ không cần thiết,” ông nói.
Ông nói EU đã vượt qua được cuộc khủng hoảng kinh tế nhưng cái giá phải trả là ‘chính sách khắc khổ làm mất lòng dân’.
Khi các lãnh đạo EU gặp nhau vào ngày 27/5, ông Hollande nói ông sẽ ‘tái khẳng định ưu tiên bây giờ của khối là tăng trưởng, việc làm và đầu tư’.
Bà Merkel nói việc giành lại số phiếu đã mất tùy vào các đảng lớn có tập trung vào ‘tăng cường tính cạnh tranh, tăng trưởng và tạo việc làm hay không’. Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo bảo thủ của bà giành được 35% số phiếu.
“Đây là câu trả lời tốt nhất cho những người dân bất mãn đã bỏ phiếu theo cách mà chúng ta không mong muốn,” bà nói.
Còn tại Anh, Đảnh UKIP có khuynh hướng bài châu Âu giành được 27% số phiếu. Đây là lần đầu tiên trong vòng một thế kỷ không phải là Đảng Lao động hay Đảng Bảo thủ giành chiến thắng.
Thủ tướng Anh nói rằng rõ ràng là các cử tri ‘bất mãn sâu sắc’ với châu Âu và thông điệp của họ đã được các chính khách ‘tiếp nhận và thấu hiểu’. Đảng Bảo thủ của ông mất bảy ghế.
Tuy nhiên ông khẳng định rằng ông sẽ không đưa ra ngày cụ thể cho cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh rút ra khỏi EU – vốn dự tính vào năm 2017 – và cũng không tìm kiếm một thỏa thuận với Đảng UKIP.
Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu là sự thể hiện nền dân chủ đa quốc gia lớn nhất trên thế giới, ảnh hưởng đến cuộc sống của 500 triệu công dân châu Âu.
Quyền lực của Nghị viện châu Âu đã được tăng lên kể từ cuộc bầu cử trước hồi năm 2009 và cơ quan này hy vọng sẽ có tiếng nói quyết định về việc bổ nhiệm chức danh hàng đầu của khối là chủ tịch Ủy ban châu Âu.
Theo BBC