Liệu có dạy được đạo đức cho rô bốt?
Ảnh minh họa
Một nhóm nhà khoa học từ các trường đại học Mỹ như Tufts, Brown, Rensselaer đã hợp tác với lực lượng hải quân Mỹ chế tạo loại rô bốt có ý thức đạo đức – một lĩnh vực khó khăn nhưng đầy triển vọng.
Nếu ý đồ này của các nhà khoa học được thực hiện thì họ có thể tạo ra trí tuệ nhân tạo có khả năng tự đánh giá tính chất phức tạp trong những tình huống nhất định và theo những hướng dẫn được lập trình trước, có thể tự lựa chọn quyết định phức tạp mang tính luân lý.
Chúng ta đều biết 72 năm trước, nhà văn viễn tưởng thiên tài A. Azimov đã nêu ra “3 đạo luật kỹ thuật rô bốt” có thể áp dụng trong đạo lý của trí tuệ nhân tạo phát triển cao. Nhưng đáng tiếc là khoa học hiện tại chưa vươn tới được đỉnh đó.
Con người chưa chế tạo được rô bốt biết nhận thức thế giới xung quanh, hiểu và tuân thủ những quy tắc đạo đức. Và các nhà khoa học Mỹ quyết định phân nhỏ khái niệm của con người ra thành những phần cơ bản và liên kết chúng lại bằng ngôn ngữ khoa học, mô hình hóa dưới dạng thuật toán, tổng hợp thành trí tuệ nhân tạo.
Cơ sở hạ tầng thông tin sẽ cho phép rô bốt xem xét những mệnh lệnh trong điều kiện mới và luận chứng cho cách hành xử đối với những người điều khiển rô bốt.
Khái niệm đạo đức rô bốt có thể hiểu nôm na là khả năng tự học và nhận thức được những nguyên nhân và hậu quả, cũng như khả năng thảo luận các quy luật và tục lệ xã hội nhất định.
Chẳng hạn, rô bốt y học được giao nhiệm vụ chuyển gấp thuốc men mang tính sống còn tới một địa điểm nào đó. Nhưng trên đường đi, rô bốt gặp một người cần cứu giúp. Bộ luật đạo đức ứng xử giúp rô bốt đánh giá tình hình và đưa ra quyết định: dừng lại và cứu giúp người hay tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao ban đầu.
Đó là hướng nghiên cứu triển vọng, còn hiện tại Cơ quan hải quân Mỹ đang tích cực hỗ trợ các nhà khoa học, trước mắt là trong việc chế tạo các rô bốt quân y làm công việc cứu thương trên chiến trường.
Vũ Trung Hương (theo Hi-news)