Khởi tố vụ ‘nhận hối lộ của Nhật Bản’
Bốn quan chức thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bị bắt tạm giam liên quan tới cáo buộc nhận hối lộ 16 tỷ đồng từ đối tác Nhật Bản.
Phó Tổng giám đốc Trần Quốc Đông, hai Phó giám đốc Ban Quản lý các Dự án Đường sắt thuộc Tổng công ty Phạm Quang Duy và Phạm Hải Bằng, cùng Trưởng phòng dự án 3 đã bị cơ quan công an khởi tố, báo Tuổi Trẻ Bấmtường thuật.
Trước đó, báo BấmTiền Phong đưa tin ông Đông bị bắt tạm giam hôm 3/5, cùng ba nhân viên khác, tuy nhiên nói nội dung này tính đến cuối ngày 5/5 vẫn không được Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường xác nhận.
“Cơ quan công an đang điều tra độc lập, chưa có thông báo chính thức với Bộ Giao thông Vận tải. Khi có thông tin, chúng tôi sẽ công bố,“ ông Trường được báo Tiền Phong dẫn lời.
Người phụ trách đường dây nóng Tổ kiểm tra xác minh nghi án nhận hối lộ của công ty Nhật nói với BBC Tiếng Việt chiều hôm 6/5 nhóm này “chỉ tiếp nhận thông tin và không thể xác nhận việc bắt giữ”.
Đây là nhóm công tác được thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, do Chánh thanh tra Bộ, ông Nguyễn Văn Huyện, đứng đầu và có sự tham gia của ba người Bộ Công an biệt phái sang.
‘Nhận tội’ và ‘Không nhận hối lộ’
Liên quan tới cáo buộc nhận hối lộ từ Công ty Tư vấn Giao thông của Nhật (JTC), hai quan chức khác của ngành đường sắt bị đình chỉ chức vụ.
Ông Nguyễn Văn Hiếu hiện đang là Giám đốc Ban Quản lý các Dự án Đường sắt thuộc Tổng công ty, còn ông Trần Văn Lục trước từng giữ vị trí này và nay là Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đường sắt thuộc Cục Đường sắt.
Trước đó, ông Lục và ông Hiếu từng bị tạm dừng công tác trong thời gian 15 ngày.
Tính đến nay, đã có bảy quan chức ngành đường sắt Việt Nam bị nhắc đến trong nghi án hối lộ.
Bốn người bị khởi tố “đã cơ bản thừa nhận những hành vi vi phạm pháp luật của mình”, Tuổi Trẻ tường thuật.
Ông Trần Quốc Đông bị cáo buộc phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (điều 285 Bộ luật Hình sự) còn ba người kia, tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (điều 281 Bộ luật Hình sự).
Hiện chưa rõ ai là người trực tiếp nhận số tiền hối lộ từ phía đối tác Nhật, người mà theo báo Yomiuri Shimbun là ‘một quan chức cấp cao làm việc cho cơ quan về quản lý dự án của Cục Đường sắt Việt Nam’.
Cũng chưa có ai bị khởi tố về tội “nhận hối lộ”.
Trong cuộc họp khẩn của ngành đường sắt chiều Chủ nhật 23/3, ông Trần Quốc Đông và Trần Văn Lục đều bác bỏ việc nhận hối lộ.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, vị trưởng Ban đương nhiệm, và Phó tổng giám đốc Ngô Anh Tảo trong cùng cuộc họp cũng khẳng định không nhận hối lộ của nhà thầu JTC.
Vụ việc nổi lên từ hôm 21/3, khởi nguồn từ truyền thông Nhật.
Một quan chức JTC khai với cơ quan công tố Tokyo việc hối lộ một quan chức Việt Nam 80 triệu yen (tương đương 16 tỷ đồng) để giành dự án có sử dụng vốn ODA trị giá 4,2 tỷ yen, báo Yomiuri Shimbu của Nhật nói.
Đây là một phần trong dự án xây dựng tuyến đường sắt trên cao ở Hà Nội.
Ngay sau đó, phía Việt Nam đã có phản ứng với việc Tổng Công ty Đường sắt đình chỉ chức vụ ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt, trong vòng 15 ngày vào chiều ngày 23/3 để điều tra.
Hai quan chức đường sắt khác bị tạm ngưng chức trong 10 ngày là hai phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt, ông Ngô Anh Tảo, vốn chịu trách nhiệm lãnh đạo Ban quản lý các dự án đường sắt và ông Trần Quốc Đông, người từng đứng đầu Ban này.
Ông Trần Văn Lục cũng bị đình chỉ công tác vào cùng thời điểm.
Theo BBC