Tình hình “nguy cấp”, Kim Jong Un họp với tướng lĩnh
Nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên Kim Jong-Un mới đây đã có một cuộc họp với giới tướng lĩnh quân sự hàng đầu đất nước, trong đó ông này cảnh báo tình hình “đang rất nguy cấp” đồng thời tuyên bố sẽ không dung thứ cho Mỹ.
Những phát biểu trên của ông Kim Jong Un được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang nghiêm trọng vì một vụ đọ pháo ác liệt giữa hai miền liên Triều và lời đe dọa tiến hành một vụ thử hạt nhân mới của Bình Nhưỡng. Trong cuộc họp với giới tướng lĩnh hàng đầu của Triều Tiên hôm 1/4 mới đây, Chủ tịch Kim Jong Un đã đổ lỗi cho Washington và Seoul về việc đã gây ra những “sóng gió” hiện nay trên bán đảo Triều Tiên, nói rằng hai nước trên đang chà đạp lên những đề nghị hòa bình từ phía Bình Nhưỡng.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un |
“Tình hình hiện nay là rất nguy cấp”, hãng thông tấn chính thức KCNA dẫn lời ông Kim nói với các tướng lĩnh quân sự Triều Tiên.
Chủ tịch Kim Jong Un cũng là Chỉ huy Tối cao của Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) đã nói với những sĩ quan cao cấp nhất của ông này rằng, bất chấp những cử chỉ hòa giải của Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ vẫn thúc đẩy kế hoạch tập trận chung mà Bình Nhưỡng tin là một bước chuẩn bị cho cuộc xâm lược vào nước này.
“Mỹ và các thế lực thù địch khác đã phớt lờ sự khoan dung và thiện chí của chúng ta. Họ cố tình tăng cường các hoạt động để hủy diệt chúng ta về mặt chính trị, cô lập chúng ta về mặt kinh tế và nghiền nát chúng ta về mặt quân sự”, ông Kim Jong Un đã phát biểu như vậy.
Quân đội và nhân dân Triều Tiên sẽ không bao giờ dung thứ “cho chính sách thù địch của Mỹ” và sẽ “nghiền nát hoàn toàn chính sách đó”, Nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un đã tuyên bố hùng hồn như vậy.
Những phát biểu trên được đưa ra sau khi giữa Triều Tiên và Hàn Quốc vừa xảy ra một cuộc đọ pháo ác liệt ở khu vực biên giới. Bình Nhưỡng đã tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật nhằm trả đũa cuộc tập trận chung đang diễn ra giữa Mỹ và Hàn Quốc. Những quả đạo pháo của Triều Tiên đã rơi vào vùng lãnh hải tranh chấp với Hàn Quốc, khiến lực lượng Hàn Quốc bắn đáp trả. Mặc dù không có ai bị thương vong nhưng việc hai nước bắn qua bắn lại hàng trăm quả đạn pháo đã cho thấy được tính nghiêm trọng của vụ việc.
Bán đảo Triều Tiên: Căng thẳng leo thang bất ngờ
Nói tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang một cách bất ngờ là vì chỉ cách đây một tháng, mối quan hệ giữa hai nước láng giềng Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn còn đang chứng kiến dấu hiệu của một sự ấm dần lên với những bước đi dịu nhẹ và mang tính hòa giải của Triều Tiên.
Hồi tháng 2, hai miền liên Triều đã có các cuộc đàm phán cấp cao hiếm hoi. Sau đó, hai nước cũng đã tổ chức một cuộc đoàn tụ gia đình đầu tiên sau hơn 3 năm cho các gia đình bị chia cắt trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-53.
Thậm chí khi cuộc tập trận quân sự chung hàng năm giữa Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu được khai màn hồi cuối tháng 2, người ta cũng ít nghe thấy những phát biểu lên án, chỉ trích mạnh mẽ như thường thấy trước đây từ Bình Nhưỡng. Thay vào đó, Seoul và Bình Nhưỡng nói về những cuộc gặp cấp cao tiếp theo và mối quan hệ hợp tác lớn hơn giữa hai bên.
Tuy nhiên, tình hình bỗng chốc xấu đi một cách đáng ngại. Trong những tuần gần đây, người ta chứng kiến Triều Tiên liên tiếp bắn cơn mưa tên lửa và rocket, cao trào là vào tháng trước khi Bình Nhưỡng bắn đi hai tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng tấn công vào nước Nhật.
Tiếp đó, hồi đầu tuần, Bình Nhưỡng dấn thêm một bước leo thang khi tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật dọc biên giới biển tranh chấp với Hàn Quốc. Vụ việc này châm ngòi cho một cuộc “đấu pháo” liên Triều gay gắt với hàng trăm quả đạn pháo được bắn đi.
Vụ nổ súng trên diễn ra đúng một ngày sau khi Triều Tiên vừa gây sốc bằng việc đưa ra một cảnh báo đáng sợ rằng, nước này có thể tiến thành một kiểu thử hạt nhân mới, ám chỉ đến việc thử nghiệm thiết bị chứa uranium hoặc là một đầu đạn được thu đủ nhỏ để đặt vào đầu tên lửa đạn đạo.
Mặc dù giới tình báo Hàn Quốc cho biết, họ chưa phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên sắp tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 4 nhưng Seoul khẳng định, Bình Nhưỡng đã chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng cho một vụ thử như thế. Ngoài ra, các nhà phân tích cũng nhận thấy rằng, Triều Tiên đang có nhiều động thái tương tự mà họ từng thực hiện trước những lần thử hạt nhân trước đây.
“Khả năng đáng lo ngại nhất là những bước đi gần đây của Triều Tiên giống với kiểu hành động trong quá khứ, đầu tiên là thử tên lửa, tiếp đó Liên Hợp Quốc lên án rồi đến đe dọa thử hạt nhân và cuối cùng là một vụ thử hạt nhân thật sự”, ông Stephan Haggard – một giáo sư của Trường Quan hệ Quốc tế và Nghiên cứu Thái Bình Dương thuộc Đại học California, San Diego, nhận định.
Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vừa lên án vụ phóng tên lửa tầm trung của Bình Nhưỡng là hành động vi phạm nghị quyết cấm Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo của Liên Hợp Quốc. Liên Hợp Quốc tuyên bố đang cân nhắc biện pháp “thích hợp” để đáp trả Triều Tiên, trong đó có việc mở rộng danh sách trừng phạt các cá nhân và thực thể ở Triều Tiên.
“Bước đi trên của Liên Hợp Quốc có thể tạo thành một cái cớ để Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 4”, ông Haggard nói.
Gần đây, các nước láng giềng của Triều Tiên cũng như Mỹ và phương Tây đang tỏ ra rất lo ngại về khả năng Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử hạt nhân mới sau ba lần thử liên tiếp vào các năm 2006, 2009 và 2013.
Theo Vân Linh (VnMedia.vn)