Nước nào đứng đằng sau các vụ tin tặc?
Hãng an ninh mạng McAfee vừa phát hiện một đợt tin tặc chưa từng thấy trên toàn cầu, nghi là có bàn tay của một chính phủ.
Trong số các nước mà website chính phủ bị tấn công có Việt Nam, Hoa Kỳ, Đài Loan, Ấn Độ, Hàn Quốc và Canada.
Các tổ chức bị tấn công có cả Liên Hiệp Quốc, khối Asean và Ủy ban Olympic Quốc tế.
Đợt tấn công tin tặc này kéo dài trong khoảng 5 năm.
Hôm 03/08/ McAfee nói hãng này tin là có một ‘nhân tố chính phủ’ đứng sau các vụ tấn công nhưng đã từ chối nêu tên mặc dù nhiều chuyên gia an ninh mạng nói có bằng chứng chỉ ra sự liên quan của Trung Quốc.
Trong trường hợp của LHQ, các tin tặc đã đột nhập vào hệ thống máy tính của Ban thư ký tổ chức này ở Geneva năm 2008, nằm vùng tại đó trong khoảng thời gian gần hai năm nhằm lục lọi vô số các dữ liệu mật.
Tháng 03/2011, hãng McAfee mới hiểu ra mức độ khổng lồ của đợt tin tặc khi các chuyên gia của họ phát hiện thấy dấu vết của các vụ tấn công trong lúc xem xét một server của những kẻ đột nhập mà họ đã tìm thấy vào năm 2009 trong cuộc điều tra an ninh mạng tại một số công ty thuộc lĩnh vực quốc phòng.
Đợt tin tặc này được McAfee đặt tên là “Operation Shady RAT” và công ty này cho hai các cuộc tấn công đầu tiên xảy ra từ khoảng giữa năm 2006, cho dù có khả năng còn sớm hơn thế.
Dmitri Alperovitch, phó chủ tịch bộ phận nghiên cứu an ninh, người đã viết bản báo cáo dài 14 trang của McAfee, nói: “Bản thân chúng tôi cũng rất ngạc nhiên trước sự đa dạng của các tổ chức bị tấn công và chúng tôi vô cùng sửng sốt trước sự cả gan của các tin tặc. ”
Dính líu đến Trung Quốc
Ông Alperovitch được Reuters dẫn lời nói rằng McAfeee đã thông báo cho cả 72 nạn nhân của các cuộc tấn côngnhưng không đưa ra thêm chi tiết.
“Bản thân chúng tôi cũng rất ngạc nhiên trước sự đa dạng của các tổ chức bị tấn công và chúng tôi vô cùng sửng sốt trước sự cả gan của các tin tặc.“
Dmitri Alperovitch, McAfee
Trong khi đó, chuyên gia về mạng ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và các vấn đề quốc tế, Jim Lewish, nói có nhiều khả năng Trung Quốc đứng sau chiến dịch này bởi lẽ một số mục tiêu có chứa đựng các thông tin mà Bắc Kinh quan tâm đặc biệt.
Thêm vào đó, các hệ thống của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và một số các ủy ban Olympic các quốc gia đã bị đột nhập trước kỳ Olympic Bắc Kinh 2008.
McAfee cho hay một vài các vụ đột nhập kéo dài trong vòng chỉ một tháng, nhưng vụ lâu nhất là vụ tấn công Ủy ban Olympic của một quốc gia châu Á không xác định rõ danh tính trong khoảng thời gian 28 tháng.
Ông Lewis nói: “ Mọi dấu vết đều chỉ về phía Trung Quốc. Cũng có thể có bàn tay của Nga, nhưng nhiều bằng chứng về sự liên quan của Trung Quốc hơn là của Nga.”
Tuy nhiên, hãng McAfee nay thuộc sở hữu của tập đoàn Intel, đã không đưa ra thêm bình luận về trách nhiệm của Trung Quốc với vụ việc này.
Trung Quốc cũng im lặng trước bản báo cáo.
Phát ngôn viên của Bộ quốc phòng Hoa Kỳ, April Cunningham, nói rằng “hiện vẫn chưa rõ ai là thủ phạm của các vụ tấn công”.
Bà Cunningham nói: “Về Trung Quốc, chúng tôi đã báo cáo với Hạ viện vào năm 2010 rằng Trung Quốc đang tích cực nâng cấp năng lực mạng với mục tiêu là thu thập thông tin chiến lược hay để sử dụng trong lĩnh vực quân sự. ”
Theo BBC