Món “vũ khí” 160 tỷ USD của Putin
Theo nhận định của hãng tin tài chính Bloomberg, xuất khẩu dầu lửa và khí đốt trị giá 160 tỷ USD mỗi năm của Nga có thể sẽ là thứ “vũ khí” lợi hại nhất mà Tổng thống Vladimir Putin sở hữu để hạn chế các đòn trừng phạt từ phương Tây sau cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea.
Phương Tây dường như không có nhiều đòn bẩy để ngăn chặn Tổng thống Putin cho phép Crimea sáp nhập vào Nga.
Hôm nay (17/3), một ngày sau khi đại bộ phận dân chúng Crimea bỏ phiếu ủng hộ việc tách khỏi Ukraine và gia nhập Nga, Mỹ và các nước đồng minh châu Âu sẽ có cuộc gặp tại Brussels, Bỉ để bàn biện pháp trừng phạt Moscow. Tuy nhiên, theo Bloomberg, phương Tây dường như không có nhiều đòn bẩy để ngăn chặn Tổng thống Putin cho phép Crimea sáp nhập vào Nga.
Cho đến hiện tại, những lời cảnh báo về cấm visa và đóng băng tài sản mà phương Tây đưa ra chưa hề khiến điện Kremlin tỏ ra nao núng.
Nga, nước xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới, đạt kim ngạch 160 tỷ USD đối với các mặt hàng dầu thô và khí đốt xuất sang châu Âu và Mỹ trong năm 2012. Theo ông Jeff Sahadeo – một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Đại học Carleton của Canada, việc phương Tây ngưng nhập khẩu dầu thô và khí đốt từ Nga sẽ khiến quốc khố của Moscow hao hụt phần nhiều, nhưng cái giá mà người tiêu dùng châu Âu phải trả có thể cũng sẽ rất lớn, và ông Putin sẽ không thay đổi kế hoạch.
“Trong ngắn hạn, đây là điều khó xảy ra, và cho dù có xảy ra thì không rõ có thể thay đổi được hành vi của nước Nga hay không”, ông Sahadeo nói. Chuyên gia này cho rằng, nếu phương Tây sử dụng con bài trừng phạt năng lượng, câu hỏi đặt ra sẽ là ai “chết” trước.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Crimea, Thủ tướng Đức Angele Merkel, người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã tuyên bố nước Đức sẵn sàng đón nhận ảnh hưởng kinh tế tồi tệ trong trường hợp Nga trả đũa các lệnh trừng phạt của châu Âu.
Theo các nhà phân tích từ Goldman Sachs, Bank of America, và Morgan Stanley, nhiều khả năng châu Âu sẽ không ủng hộ các lệnh trừng phạt hạ chế dòng dầu lửa và khí đốt từ Nga. Các nước châu Âu là thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có trụ sở tại Paris nhập nhẩu 32% nhu cầu dầu thô và khí đốt từ Nga trong năm 2012.
Dữ liệu từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy, 30% nhu cầu khí đốt trong năm 2012 của các nước trong Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy, Thụy Sỹ và các nước vùng Balkan được đáp ứng bởi nguồn nhập khẩu từ Nga. Phần lớn số khí đốt này đi qua hệ thống ống dẫn nằm trên lãnh thổ Ukraine.
Ông Marc Lanthemann, nhà phân tích thuộc công ty tình báo địa chính trị Stratfor ở Austin, Texas, Mỹ, nói rằng, việc thôi dùng dầu lửa và khí đốt của Nga sẽ không phải là chuyện mà châu Âu muốn. Cách đây 6 năm, châu Âu đã từng thất bại khi định trừng phạt điện Kremlin vì cuộc chiến của Nga ở Georgia. Khi đó, châu Âu đã không thể áp lệnh trừng phạt đối với Nga sau khi thừa nhận sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.
Theo ông Lanthemann, khả năng cao nhất sẽ chỉ là châu Âu áp lệnh trừng phạt tài chính đối với các ngân hàng và giới tài phiệt Nga.
Về vấn đề Crimea, Nga vẫn tuyên bố rằng, việc nước này đưa quân vào Crimea chỉ nhằm mục đích bảo vệ người dân tộc Nga ở vùng này. Phát biểu hôm 14/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói, Nga không có ý định tiến vào khu vực phía Đông của Ukraine.
“Các đối tác của chúng tôi hiểu rằng, các lệnh trừng phạt là một công cụ phản tác dụng”, ông Lavrov nói trước báo giới sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Phó giáo sư Seva Gunitsky thuộc Đại học Toronto của Canada nhận định, vấn đề trừng phạt năng lượng nhằm vào Nga có thể sẽ khiến Mỹ và châu Âu bất đồng quan điểm, bởi châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn dầu khí của Nga. Kim ngạch nhập khẩu dầu lửa và khí đốt từ Nga của châu Âu trong năm 2012 lớn gấp 38 lần so với mức nhập khẩu nhiền liệu từ Nga của Mỹ. Năm 2012, châu Âu nhập 156,5 tỷ USD dầu khí từ Nga.
Trong khi đó, theo ông Gunitsky, có lẽ sẽ khôn ngoan hơn nếu phương Tây áp các lệnh trừng phạt gây ảnh hưởng tới hoạt động của giới tỷ phú Nga, những người được cho là có ảnh hưởng tới Tổng thống Putin. Các lệnh trừng phạt “thông minh” như vậy có thể bao gồm hạn chế visa hay đóng băng tài khoản ngân hàng.
“Nếu họ muốn gây áp lực với lãnh đạo Nga hoặc trực tiếp với ông Putin, các lệnh trừng phạt ‘thông minh’ có thể sẽ hiệu quả hơn và dễ dàng hơn đối với châu Âu, thay vì áp lệnh trừng phạt vào khí đốt của Nga”, ông Gunitsky nói.
Bên cạnh đó, lệnh trừng phạt năng lượng cũng có thể “phản đòn” nếu nguồn cung bị cắt từ Nga khiến giá năng lượng tăng vọt, kéo theo phản ứng dữ dội từ người tiêu dùng châu Âu.
“Các lệnh trừng phạt có thể sẽ làm tổn thương khách hàng hiện nay của Nga, ít nhất bằng với những gì mà Nga phải chịu đựng”, chuyên gia kinh tế Judith Dwarkin thuộc công ty ITG Investment Research ở Calgary, Canada, đánh giá. “Đó là một sự ràng buộc hai chiều. Thị trường châu Âu rất quan trọng đối với Nga, và Nga cũng rất quan trọng đối với thị trường châu Âu”.
Theo vneconomy