Truyền thông quốc tế sôi sục trong “điểm nóng” Phú Quốc
Hàng trăm phóng viên của các hãng thông tấn quốc tế, báo chí khu vực như Reuters, BBC, AFP, AP, Trung Quốc, Hongkong (Trung Quốc), Phillipines, Malaysia… đã đổ về đảo Phú Quốc, nơi đặt sở chỉ huy tiền phương chiến dịch, “điểm nóng” tìm kiếm lớn nhất máy bay Malaysia mất tích.
Các phóng viên đến từ Trung Quốc tác nghiệp ngay khi đặt chân đến sân bay Phú Quốc
Phóng viên nước ngoài và phóng viên VN cùng trao đổi thông tin ở ngoài sảnh sân bay
Tin tức được phóng viên nước ngoài cập nhật từng phút từ Phú Quốc
Cũng như tâm trạng của người Trung Quốc, phóng viên Trung Quốc hồi hộp và liên tục gọi điện về nhà thông báo tình hình
Phóng viên Wang Shuang của CCTV thường trú tại VN trả lời phóng vấn của một đài truyền hình VN
Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu trả lời báo chí tại sở chỉ huy tiền phương về công tác tìm kiếm cứu nạn
Đông đảo phóng viên trong nước và quốc tế đang tác nghiệp tại Sở chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc
Phóng viên Mạnh Duy của Báo Người Lao Động (trái) trao đổi với phóng viên Trung Quốc – Ảnh: Đức Đồng
Sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) từ 1, 2 ngày nay đón tiếp lượng hành khách lớn, trong số đó có rất nhiều phóng viên trong nước, quốc tế. Phóng viên Báo Người Lao Động đáp chuyến bay từ sân bay Tân Sơn Nhất xuống sân bay Phú Quốc đã gặp rất nhiều đồng nghiệp “hạ trại” ngay tại sân bay để trực tiếp đưa tin. Đông đảo nhất vẫn là đội ngũ phóng viên đến từ Trung Quốc, quốc gia có hơn 150 hành trách trên chiếc máy bay mất tích.
Hồi hộp từng phút
Phóng viên Yan Hao của Tân Hoa Xã đã có mặt ở Phú Quốc từ ngày 10-3 cho biết: “Sân bay Phú Quốc là địa điểm tập trung đông phóng viên Trung Quốc nhất. Riêng nhóm chúng tôi có 6 người đã túc trực ở đây gần như 24/24 giờ qua để chờ đợi những tin tức mới nhất”.
Nhóm phóng viên của Yan Hao thuộc cơ quan thường trú của Tân Hoa Xã ở Hongkong. Theo Yan Hao, không chỉ người Trung Quốc, người Hongkong và người Trung Quốc ở khắp nơi trên thế giới đều đang hồi hộp từng phút với những tin tức từ chiếc máy bay mất tích.
Có khoảng 15 hãng thông tấn, đài truyền hình và các tờ báo Trung Quốc có mặt ở Phú Quốc với lượng phóng viên gần 100 người. Những cơ quan báo chí lớn như Tân Hoa xã, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), Nhân Dân nhật báo, Phonex TV, China News Service… đều đang có mặt ở Phú Quốc.
Phóng viên Wang Shuang của CCTV thường trú tại Việt Nam đã trở thành đầu mối quan trọng để phóng viên Trung Quốc khai thác thông tin từ những đầu mối khác nhau nhờ vốn tiếng việt khá tốt. Theo Wang, đây là sự kiện được người dân Trung Quốc quan tâm từng phút, mỗi khi có thông tin mới mọi người đều hồi hộp chờ đợi nên lực lượng hùng hậu của truyền thông Trung Quốc có mặt ở đây là điều dễ hiểu.
Cảm kích vì nỗ lực của Việt Nam
Theo Wang Shuang, ngay từ đầu khi thông tin may bay của Malaysia bị mất tích được phát đi, Việt Nam là nước đầu tiên và cũng tích cực tìm kiếm nhất. “Hiện nay chính phủ VN đã trực tiếp chỉ đạo thành lập sở chỉ huy để điều hành và huy động một quy mô tìm kiếm chưa từng có” – Wang Shuang nói.
Phóng viên này khẳng định, giới truyền thông quốc tế đang được tạo điều kiện để tiếp cận thông tin khá tốt. “Tôi đã từng làm việc 3 năm ở Việt Nam nên hiểu được những vấn đề nhạy cảm cần phải có thủ tục và quy trình. Với sự kiện này, phía Việt Nam đã hỗ trợ tương đối tốt các cơ quan báo chí”.
Theo một cán bộ của Trung tâm báo chí – Bộ Ngoại giao Việt Nam, bộ đã cử nhân viên hỗ trợ những cơ quan thông tấn có nhu cầu đưa tin và trực tiếp làm việc ở Phú Quốc. Phóng viên các hãng như BBC, Reuters đã và đang được cán bộ của Bộ ngoại giao đi cùng trực tiếp hỗ trợ.
Zhang Ming, Trưởng văn phòng đại diện của China News Service ở Phillippines, cho biết: “Trong sự kiện cơn bão Haiyan cũng có rất đông phóng viên nước ngoài đến Phillippines tác nghiệp. Dù sự kiện đó và sự kiện lần này khác nhau về bản chất và mức độ nhưng tôi thấy thực sự cảm kích về những việc đang được chứng kiến khi mọi nỗ lực tìm kiếm đang được huy động”.
Wang Shuang xúc động cho rằng: “Công dân của nhiều nước có mặt trên máy bay đều đang chờ đợi từng tin tức và những nỗ lực của chính phủ Việt Nam. Tôi là một người Trung Quốc và tôi muốn đại diện cho một công dân Trung Quốc bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến nỗ lực của Việt Nam trong sự kiện này”.
Hầu hết các hãng thông tấn lớn của thế giới đều có mặt tại đây. Đặc biệt, các hãng thông tấn của Trung Quốc, Hongkong đã cử một lượng phóng viên hùng hậu đến Phú Quốc để tác nghiệp, đưa những tin tức nóng nhất từ hiện trường cuộc tìm kiếm.
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch huyện đảo Phú Quốc, cho biết: “Đảo Phú Quốc bất ngờ trở thành nơi đến của phóng viên khắp nơi, chúng tôi chưa chuẩn bị kịp một cách chu đáo cho tình huống này”.
Tuy vậy, theo ông Hưng, Phú Quốc sẽ tích cực chuẩn bị mọi mặt về các vấn đề an ninh, y tế, thuốc men nếu chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn có kết quả và Phú Quốc trở thành nơi đổ về của không chỉ phóng viên mà còn của người thân trên chiếc máy bay có thể đã gặp nạn.
Theo Nld